LỜI TỰA
Bài Thơ “Chứng Đạo Ca” của Thiền Sư Huyền Giác dài 266 câu, người viết trích ra phần “Vô Trụ Niết Bàn” chỉ có 26 câu. Vì theo ngụ ý của người viết thì đây là phần cốt tủy. Tuy nhiên trong khi diễn giải người viết cố dùng nội dung của toàn bài Chứng Đạo Ca và có thêm những bài kệ rốt ráo của Tổ và Thiền Sư khác để làm sáng tỏ thêm ý nghĩa. Người viết chỉ là một “Học Kiếm” vụng về tuy “mượn” những tuyệt chiêu trong Thiền Kiếm của Phật, Tổ và Thiền Sư để soi Tâm, nhưng hãy còn quá ngu si chậm chạp và phải “học đồ” theo từng “Dấu Chân” và “Nét Kiếm” của các Ngài…nhân tiện trình bày cái Kiến Giải thô thiển mong đón nhận lời chỉ giáo của Thiền Lữ bốn phương để học thêm Kiếm Đạo.
“Gặp tay Kiếm Khách âu trình kiếm
Chẳng phải Thi Nhân chớ tặng thi”.
(Mục Châu Trần Tôn Túc).
Tuyệt chiêu như Lương Võ Đế : tay Kiếm Khách lừng danh từng xây dựng cả ngàn ngôi chùa, ra “chiếu chỉ” cho muôn dân hiển Đạo thờ Phật, y kinh tu hành, mặc cà sa giảng kinh Phóng Quang Bát Nhã cho Chư Tăng và Quan Lại trong Triều, còn có biệt danh là Phật Tâm Thiên Tử, thế mà phải rơi Kiếm “chết đứng” trước lưỡi Kiếm “Vô” sắc bén của Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma. Rồi Kiếm Sĩ Thần Quang, văn võ song toàn, Khổng Lão tinh thông, thế mà phải dùng kiếm đời chặt đứt cánh tay để cầu học cái Kiếm Đạo“Bí Truyền”của Tổ Đạt Ma và trở thành Nhị Tổ của Thiền Tông Trung Hoa.
“Bờ bên kia có Thích Ca vung Kiếm
Chém Vô Minh dứt điểm cửa Luân Hồi
Gươm Trí Tuệ sáng ngời soi nẻo tối
Giáo Từ Bi vang dội cõi hằng sa”.
Từ khi Phật Thích Ca vung “Kiếm Tuệ” chém đứt Vô Minh đạt “Chánh Đẳng Chánh Giác”cứu biết bao chúng sanh mê muội hụp lặn trong biển khổ Luân Hồi. Rồi chỉ một đường Kiếm tuyệt vời “Niêm Hoa Vi Tiếu” trao cho Tổ Ca Diếp ở Pháp hội Linh Sơn, truyền qua 28 đời Tổ Sư ở Tây Thiên, giúp cho ngàn đời sau chúng sanh được hưởng cái ân huệ vô giá này:
“Bờ bên kia có Ma Ha Ca Diếp
Một sát na Tâm nhiếp cả Đạo mầu
“Niêm Hoa Vi Tiếu”, vạn Pháp gồm thâu
Kinh Vô Tự, một bầu Chân Không rộng”.
Nhờ Tổ Đạt Ma vượt biển đến Trung Hoa khai thị cho Kiếm Sĩ Lương Võ Đế, nhưng thất bại .Tổ phải về Thiếu Lâm Tự (nước Ngụy) ngồi diện bích (úp mặt vào vách đá) suốt chín năm đợi Kiếm Khách Giang Hồ thứ thiệt đến
để trao truyền ‘‘Bát Nhã Kiếm”!
“Bờ bên kia có Đạt Ma vượt sóng
Mở Đạo Thiền, rải giống, cấy ruộng Tâm
Chín năm ngồi diện bích cửa Thiếu Lâm
Chờ Tri Kỷ trao ngầm Viên Ngọc quý”.
Cũng may có Kiếm Sĩ Thần Quang đến kịp lúc để Tổ truyền lại “Thiền Kiếm". Bởi vì thế gian đố kỵ bỏ thuốc độc hại Tổ đến 5 lần. Thần Quang tức Huệ Khả được Tổ khai Tâm và ngộ Đạo ngay lúc ấy, được Tổ trao Y Bát truyền thừa là Nhị Tổ, thế là hạt giống Thiền “nẩy mầm” trên đất Trung Hoa. Mọi việc đều xong, thì bị bỏ thuốc độc lần thứ sáu, lần nầy Tổ mới chịu viên tịch, nhưng còn để lại một chiếc giày cho hậu thế !
“Bờ bên kia có Thần Quang đoạn tý
Cầu Đạt Ma, chẳng phí cánh tay gầy
Ôm chí cả ướp đầy, chan máu tuyết
Tìm cái Tâm siêu việt, tuyệt nhiễm ô”.
Rồi cho đến Lục Tổ Huệ Năng thì Thiền Tông đã sáng chói trên đất nước Trung Hoa và tràn lan sang các quốc gia khác.
“Bờ bên kia có Huệ Năng Lục Tổ
Bổn lai hề vô nhất vật tri âm
Vô niệm hề vô vô niệm Chân Tâm
Sanh muôn pháp chẳng lầm nơi Tự Tánh”.
Và Thiền Sư Huyền Giác với “Chứng Đạo Ca” cùng một thời với Lục Tổ Huệ Năng là những vị Tổ và Thiền Sư ngoại hạng của Thiền Tông Trung Hoa, thay thế Phật phổ độ chúng sanh.
“Bờ bên kia có Vĩnh Gia Huyền Giác
Chứng Đạo Ca, lời giác, liễu từng câu
Chứng ‘‘Thật Tướng’’, vô nhân pháp nhiệm mầu
Diệt khước A Tỳ Nghiệp, sát na thâu”.
Những lời khai thị trong Chứng Đạo Ca quý giá vô cùng, nói lên kinh nghiệm “Chứng Đạo” chỉ cái “Bí Quyết” trong Kiếm Đạo cho hậu thế: những Kiếm Khách hậu sinh luyện “Bát Nhã Kiếm”, mài Gươm chém Trăng, chặt đứt Vô Minh, phá nát sinh tử, quyết đi con đường của Phật Thích Ca :
“Đại Trượng Phu bỉnh Tuệ Kiếm
Bát Nhã phong hề Kim Cang diệm.
Phi đản năng thôi, ngoại đạo Tâm
Tảo tằng lạc khước Thiên Ma đảm”
Kiến Giải này có 5 phần (xem Mục Lục), Thiền Khách hay bất cứ ai không phân biệt Tôn Giáo tiện việc tham cứu, và xin hãy hiểu cho: dù sao đây cũng chỉ là Kiến Giải ! Trước khi đọc xin tham cứu kỹ hai câu thơ trong Bích Nham Lục: “Rõ ràng trên giấy Trương Công Tử
Tận lực to lời, gọi chẳng ừ”. - Nay Kính –
KIẾN GIẢI CHỨNG ĐẠO CA:
“VÔ TRỤ NIẾT BÀN VÀ MA HA BÁT NHÔ
(Thiền Sư HUYỀN GIÁC)
(Kiến Giải: NGỘ THÂM)
(Người viết không đi từ đầu bài thơ Chứng Đạo Ca của Thiền Sư Huyền Giác: "Quân bất kiến. Tuyệt học Vô Vi nhàn Đạo Nhân..." mà trực tiếp vào thằng phần cốt tủy bài thơ, đoạn thứ XII (12) sau đây ) :
VÔ TRỤ NIẾT BÀN
“Tuyết Sơn Phì Nhị cánh vô tạp
Thuần xuất Đề Hồ ngã thường nạp
Nhất Tánh viên thông nhất thiết Tánh
Nhất Pháp biến hàm nhất thiết Pháp
Nhất Nguyệt phổ hiện nhất thiết thủy
Nhất thiết thủy Nguyệt nhất Nguyệt nhiếp
Chư Phật Pháp Thân nhập ngã Tánh
Ngã Tánh đồng cộng Như Lai hiệp.
Nhất Địa cụ túc nhất thiết Địa
Phi Sắc, phi Tâm, phi Hạnh Nghiệp
Đàn chỉ viên thành bát vạn môn
Sát na diệt khước tam kỳ kiếp
Nhất thiết số cú phi số cú
Dữ ngô linh giác hà giao thiệp?
Bất khả hủy, bất khả tán,
Thể nhược Hư Không vô nhai ngạn
Bất ly đương xứ thường trạm nhiên
Mịch tức tri quân bất khả kiến.
Thủ bất đắc, xả bất đắc,
Bất khả đắc trung chỉ ma đắc,
Mặc thời thuyết, thuyết thời mặc,
Đại thí môn khai vô ủng tắc.
Hữu nhân vấn ngã giải hà tông,
Báo đạo: Ma Ha Bát Nhã lực
Hoặc thị hoặc phi nhân bất thức
Nghịch hành thuận hành thiên mạc trắc”.
--- o ---
|
PHẦN I - MA HA BÁT NHÃ TRONG "CHỨNG ĐẠO CA" CỦA THIỀN SƯ HUYỀN GIÁC |
PHẦN II - TÂM & TÁNH |
|
PHẦN III - KHÔNG GIAN & HƯ KHÔNG - NGUYÊN TỬ & VŨ TRỤ | |
PHẦN IV - ĐẠO LÝ GIẢI THOÁT | |
PHẦN V - LÊN ĐƯỜNG |