Kiến Giải Chứng Đạo Ca: “VÔ TRỤ NIẾT BÀN VÀ MA HA BÁT NHÔ - NGỘ THÂM

 

 KIẾN GIẢI CHỨNG ĐẠO CA:

        “VÔ TRỤ NIẾT BÀN VÀ MA HA BÁT NHÔ

                                ( Thiền Sư HUYỀN GIÁC) 

                                ( Kiến Giải: NGỘ THÂM) 

 

 

                                    “Tuyết Sơn phì nhị cánh vô tạp

                                      Thuần xuất Đề Hồ Ngã thường nạp

                                      Nhất Tánh viên thông nhất thiết Tánh

                                      Nhất Pháp biến hàm nhất thiết Pháp

                                      Nhất Nguyệt phổ hiện nhất thiết thủy

                                      Nhất thiết thủy Nguyệt nhất Nguyệt  nhiếp

                                      Chư Phật Pháp Thân nhập ngã Tánh

                                      Ngã Tánh đồng cộng Như Lai hiệp.

                                      Nhất địa cụ túc nhất thiết địa

                                      Phi sắc phi Tâm phi hạnh nghiệp

                                      Đàn chỉ viên thành bát vạn môn

                                      Sát na diệt khước tam kỳ kiếp

                                      Nhất thiết số cú phi số cú

                                      Dữ ngô linh giác hà giao thiệp ?

                                      Bất khả hủy ,bất khả tán,

                                     Thể nhược Hư Không vô nhai ngạn

                                     Bất ly đương xứ thường trạm nhiên

                                     Mịch tức tri quân bất khả kiến

 

                                     Thủ bất đắc, xả bất đắc,

                                     Bất khả đắc trung chỉ ma đắc,

                                     Mặc thời thuyết , thuyết thời mặc,

                                     Đại thí môn khai vô ủng tắc.

                                     Hữu nhân vấn ngã giải hà tông,

                                     Báo đạo : Ma Ha Bát Nhã lực

                                     Hoặc thị hoặc phi nhân bất thức

                                     Nghịch hành thuận hành thiên mạc trắc”.

                                                            ********

                                   “Nhất Tánh viên thông nhất thiết Tánh

                                     Nhất Pháp biến hàm nhất thiết Pháp”.

                             (Một Tánh thông suốt tất cả Tánh

                              Một Pháp chứa đựng tất cả Pháp).   

          Kinh Hoa Nghiêm có mô tả cái tương dung tương nhiếp của tất cả Pháp, trong đó một vật như một tấm gương vừa in hình tất cả vật khác và đồng thời dung chứa tất cả các vật khác :“ Trong một hạt bụi tôi thấy vô số các cõi Phật ,mỗi cảnh  giới đều có các Đức Như Lai với hào quang quý báu”.

Thiền Sư Khánh Hỷ cũng diễn tả cái Pháp Giới vô ngại nầy :

                                   “Càn Khôn tận thị mao đầu thượng

                                     Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung”.

          Nghĩa là cả tam thiên đại thiên thế giới nhét vào đầu sợi lông ,cả Mặt Trời, Mặt Trăng nhét vào hạt cải mà tất cả không chướng ngại, vẫn dung thông vô ngại.

                                                            ********

                                    “Nhất Nguyệt phổ hiện nhất thiết thủy

                                      Nhất thiết thủy Nguyệt nhất Nguyệt nhiếp”.

                             (Một Mặt Trăng hiện ra vô số  Trăng

                              Vô số Trăng chỉ do một Mặt Trăng nhiếp).

          Một Mặt Trăng chiếu trên mặt nước sông hồ thành vô số Trăng: Một là tất cả “nhất tất nhất thiết’’ .Vô số Trăng thâu nhiếp bởi một Mặt Trăng: Tất cả là một “nhất thiết tức nhất”.

Đó là cái nguyên lý “bất nhị ” và đối với vầng Trăng thanh tịnh là cái lẽ “Tịch chiếu bất nhị” .Trăng thì tịch nhưng “năng chiếu” thành vô số Trăng. Vô số Trăng tuy là “sở chiếu” vẫn không lìa tịch vẫn tương ứng với Thể Tánh thanh tịnh của vầng Trăng “MỘT”.

Đó cũng là cái nguyên lý “bất tức bất ly” giữa Bản ThểHiện Tượng .Trăng ví như Bản Thể, Bóng Trăng phản chiếu trên mặt nước ví như Hiện Tượng -  Hiện Tượng không có Hiện Tượng nào không ở trong Bản Thể, phụ thuộc Bản Thể. Cũng như Ánh Trăng phụ thuộc vào Mặt Trăng , Mặt Trăng tròn đầy thì Ánh Trăng tròn đầy, Mặt Trăng khuyết thì Ánh Trăng khuyết – Bản Thể không có Bản Thể nào biểu hiện mà không thông qua Hiện Tượng. Như nhìn Bóng Trăng khuyết trên sông hồ là biết Mặt Trăng thật đang bị che khuất ,nhìn Bóng Trăng tròn đầy trên mặt sông hồ là biết rằng Vầng Trăng Một tròn đầy.

Hiện Tượng”  không là “Bản Thể” nhưng bỏ Hiện Tượng  tìm Bản Thể như bỏ Sóng tìm Nước ,không sao có Nước.

Bản Thể không rời Hiện Tượng, nhưng bảo Hiện TượngBản Thể như ngỡ Sóng là Nước thì không sao biết được Nước là gì?. Ngỡ Ánh Trăng trên mặt nước sông hồ là Mặt Trăng thật thì  không thể biết được Mặt Trăng thật là gì?

Nước không là Sóng, nhưng Nước không rời Sóng : “Nước và Sóng bất tức bất ly”. Mặt Trăng không là Ánh Trăng nhưng Mặt Trăng không rời Ánh Trăng: “Mặt Trăng và Ánh Trăng bất tức bất ly”.

                                                            ********

                                     “Chư Phật Pháp Thân nhập ngã Tánh

                                       Ngã Tánh đồng cộng Như Lai hiệp.

                              (Chư Pháp Thân Phật vào Tánh ta

                               Tánh  ta cùng với Như Lai hiệp lại).    

          Cũng như cái lý tịch chiếu của Vầng Trăng “Một” thành vô lượng Ánh Trăng trên mặt nước sông hồ ,Pháp Thân Phật thể nhập trong Tánh của chúng sanh thành ra vô lượng Báo Thân và Hóa Thân Phật, thành ra vô lượng Pháp Giới  Tam Thiên Đại Thiên với đủ loại sum la vạn tượng tràn ngập trong Hư Không vô biên. Nhưng chính cái Hư Không vô biên này lại là cái Không Tuyệt Đối và Vi Diệu, là Như Lai Tạng, là kho báu Như Lai chứa vô lượng Pháp Giới, tuy có mà chẳng có, tuy không mà chẳng không , tuy vô hình vô

tướng, phi vật phi pháp, phi Phật phi phàm, phi nội phi ngoại, phi tiểu phi đại, phi nhất phi dị, phi minh phi bạch, phi sinh phi diệt, phi thô phi tế, phi khai phi bế, phi thượng phi hạ, phi thành phi hoại, phi nghịch phi thuận, phi thông phi tắc, phi cương phi nhu….. nhưng tùy lực huyền cơ, tùy lúc huyễn pháp, tùy duyên hiển hình, tùy thời hiện tượng, tùy huyền xuất  tướng, tùy cơ ứng vật, vô vi biến hóa : “Không tức thị Sắc”. Cho nên: Không đâu có Như Lai cả mà đâu cũng là Như Lai : Biến chiếu Như Lai. Không đâu có Niết Bàn cả mà đâu cũng là Niết Bàn : Vô Trụ Niết Bàn.  Không đâu có Bát Nhã cả mà đâu cũng là Bát Nhã: “Bát Nhã vô tri ,vô sở bất tri”. Không đâu là Pháp Thân Phật cả mà đâu đâu cũng là Pháp Thân Phật: Pháp Thân vô khứ vô lai. Như vậy TÁNH PHẬT là bình đẳng trong tất cả Pháp Giới, TÁNH của NHƯ LAI và TÁNH của chúng sanh trong Hoa Tạng Pháp Giới là bình đẳng, là “MỘT”.

                                                            ********

                                     “Nhất địa cụ túc nhất thiết địa

                                       Phi sắc, phi tâm, phi hạnh nghiệp”.  

          Chứng một Địa là chứng tất cả Địa .Chỉ cần chứng một Như Lai Địa  là xem như chứng quả cả 10 giai đoạn tu chứng của Thập Địa Bồ Tát. Mười quả vị tu chứng của Thập Địa Bồ Tát từ thấp tới cao là :  

          1.         Hoan Hỷ Địa

          2.         Ly Cấu Địa

          3.         Phát Quang Địa

          4.         Diệm Huệ Địa

          5.         Cực Nan Thắng Địa

          6.         Hiện Tiền Địa

          7.         Viễn Hành Địa

          8.         Bất Động Địa

          9.        Thiện Huệ Địa

          10.     Pháp Vân Địa  

          Ngài Huyền Giác chỉ chú trọng vào cái tuyệt cùng, cái Vô Vi, cái Diệu Vô, cái Rỗng Suốt mà vi diệu, cái gốc tuyệt cùng của đường Tâm chứ không phải chú trọng vào ngọn hay cành lá của Tâm, nên đi đến cửa Vô Vi và đập nát cánh cửa nầy ngộ nhập Vô Vi.

          Ngài nói :

                                     “Trực triệt căn nguyên Phật sở ấn

                                       Trích diệp tầm chi ngã bất năng”.

                              (Thẳng tận đầu nguồn phăng dấu Phật

                               Chọn lá tìm cành ta chẳng đương).  

          Ngài khuyên hành giả ngay cửa Vô Vi nhảy thẳng vào đất Như Lai. Như vậy đạt được một Địa Như Lai là đạt luôn mười quả vị tu chứng của Thập Địa Bồ Tát . 

                                     “Tranh tự Vô Vi Thực Tướng môn,

                                       Nhất siêu trực nhập Như Lai Địa”.

                              (Sao bằng tự cửa Vô Vi ấy,

                               Một nhảy thẳng vào liền đất Như Lai). 

         Chân Không Thiền Sư cũng vào cái cửa Vô Vi này :   

                                     “Diệu bản Hư Vô nhật nhật khoa

                               Hòa phong xuy khởi biến Ta Bà

                                       Nhân nhân tận thức Vô Vi lạc

                                       Nhược đắc Vô Vi thủy thị gia”.

                               (Hư Không lẽ ấy rất sâu xa

                               Thổi dịu nơi nơi ngọn gió hòa

                               Vô Vi tận biết người an lạc  

                               Đạt đến Vô Vi mới là nhà).  

          Trong cảnh Như Lai Địa không có sắc pháp, không có Tâm, không có cả giới hạnh và nhân quả nghiệp báo:“Phi Sắc, Phi Tâm ,Phi Hạnh Nghiệp”.

          Tổ thứ 3 Thiền Tông Thương Na Hòa Tu (Sanakavasa) khi truyền Chánh Pháp Nhãn Tạng cho Tổ thứ 4 là Ưu Bà Cúc Đa (Upagupta) đã nói kệ: 

                            “Phi Pháp diệc phi Tâm

                                    Vô Tâm diệc vô Pháp

                                    Thuyết thị Tâm Pháp thời

                                    Thị pháp phi Tâm Pháp”.

                            (Phi Pháp cũng phi Tâm

                             Vô Tâm cũng vô Pháp

                             Khi nói Tâm Pháp ấy

                             Pháp ấy phi Tâm Pháp).

         Khi đạt được Đất Như Lai thì không cần phải quan tâm tới ngũ giới, thập giới, 250 giới Sa Môn,  Bồ Tát giới…v…v… vì khi đạt được Phật Tánh rồi thì không cần một giới hạnh nào phải giữ, vì Phật Tánh không có phạm giới. Chính Phật Tánh đã bao gồm mọi giới hạnh. Ý thì soi, Tâm thì rõ, Thân là trí tuệ lấy làm y độ khắp chúng sanh :   

                                     “Phật Tánh giới  châu Tâm địa ấn

                                       Vụ lộ vân hà thể thượng y”.

                                      (Phật Tánh giới ý soi Tâm rõ

                                       Trên mình trí tuệ lấy làm y). 

          Đạt được Như Lai Địa cũng không còn nghiệp báo. Giống như người nằm mộng, mơ thấy làm nhiều điều ác bị nhân quả nghiệp báo phải rơi vào địa ngục để trả nghiệp .Khi thức dậy cảnh giới trong giấc mơ hoàn toàn mất, không còn nhân quả ,không còn nghiệp báo ,địa ngục cũng biến mất.

          - Đứng về hiện tượng  vạn hữu của pháp thế gian Phật dạy: “Vạn pháp do duyên sanh” nghĩa là có nhân quả .

          - Về Bản Thể Chơn Như, Phật dạy :“Phi nhân duyên, phi tự nhiên, phi hòa, phi hợp, pháp nhĩ như thị”. Nghĩa là không còn nghiệp báo nhân quả. 

                                                            ********

                                     Đàn chỉ viên thành bát vạn môn

                                       Sát na diệt khước tam  kỳ kiếp”.

                                      (Búng tay tám vạn pháp môn thành  

                                       Nháy mắt rũ xong ba kỳ kiếp).    

          Cái đốn ngộ của Thiền Sư vào đất Như Lai xảy ra trong một sát na, một cái búng tay, một cái nháy mắt ,một tia điện chớp cả thảy tám vạn pháp môn thành tựu ngay lập tức, cả vọng tưởng nghiệp chướng của ba A Tăng Kỳ  kiếp cũng sụp đổ tan biến. Cũng như một người bị bịnh nan y nằm mê sảng nhiều ngày mơ thấy đang thọ khổ trong địa ngục A Tỳ vô số kiếp ,bỗng nhiên hồi phục thức dậy thì địa ngục A Tỳ  sụp đổ ngay ,cảnh giới thật hiện tiền liền về trở lại quê nhà.  

                                                            ********

                                     Nhất thiết số cú phi số cú

                                       Dữ ngô linh giác hà giao thiệp ?”.

                                      (Tất cả văn tự chẳng văn tự

                                       Cùng linh giác ấy nào can dự).   

          Cái linh giác mà hành giả chứng Đạo không thể dùng văn tự hay ngôn ngữ thế gian mà diễn tả được .Nó là Bản Thể của mọi Pháp thế gian ,là Thực Tướng của mọi Pháp thế gian.

Bồ Tát Mã Minh (Asvaghosha),Tổ Sư Thiền thứ 12 chỉ điểm:“ Nhất thiết chư pháp tùng bản dĩ lai, ly văn tự tướng , ly ngôn thuyết tướng , ly Tâm duyên tướng ,tất cánh bình đẳng ,bất khả phá hoại ,duy thị nhất tâm ,cố danh Chơn Như” - (Tất cả thế gian pháp đều từ gốc Bản Thể Thực Tướng mà hiện hữu ,cái Thực Tướng đó không thể dùng văn tự ngôn ngữ mà diễn tả được, cũng không phải là Tâm ,nó bình đẳng trùm  khắp ,chẳng sinh chẳng diệt ,nó duy nhất là một ,tên gốc là Chân Như ).  

                                                            ********

                                     Bất khả hủy bất khả tán

                                       Thể nhược Hư Không vô nhai ngạn

                                       Bất ly đương xứ thường trạm nhiên

                                       Mịch tức tri quân bất khả kiến”.

                                      (Không thể chê không thể khen

                                       Như Hư Không ấy vốn vô biên

                                       Không rời trước mắt vẫn thường nhiên

                                       Nhưng mù mịt không sao thấy được).

          Cái cảnh giới đó không liên quan gì tới văn tự ,ngôn ngữ nên khen cũng thừa mà chê cũng thừa .Thể của nó Rỗng Rang vắng lặng trùm khắp vô biên như Hư Không. Nó vẫn thường trú tự nhiên không rời cái hiện hữu hiện sanh của hiện tượng giới. Đâu đâu cũng có nó, linh minh ,vi diệu ,ẩn núp trong hiện tượng giới và Hư Không. Nó mù mịt không thể dùng mắt thế gian để trông thấy mà phải chứng ngộ .

          Cái “Rỗng Thênh Không Thánh” phi tâm ,phi vật, phi pháp, phi phàm đó thật là linh diệu ,ở khắp mọi nơi ,không sanh diệt ,đứng yên bất động, không đến không đi ,đầy bí ẩn và u huyền:   

                                     “Đạt Ma sừng sững giữa Hư Không

                                       Đứng giữa Trời trong vẫn u huyền”.  

          Thế gian chỉ chấp cái “Tướng Có” mà không để ý đến cái “Tướng Không” không tướng vi diệu nầy nên chẳng bao giờ tìm ra manh mối để đạt đến Chân Lý. 

                                                            ********

                                      Ngài Huyền Giác chỉ dạy:  

                                     Thủ bất đắc ,xả bất đắc

                                       Bất khả đắc trung chỉ ma đắc”.

                                      (Lấy chẳng được bỏ chẳng được

                                       Trong cái chẳng được là cái được).  

          Cái “Rỗng Thênh Không Thánh” đó lấy chẳng được mà bỏ chẳng được. Muốn chứng nó phải đi đến cái tuyệt đường ,tuyệt gốc ,tuyệt lý , tuyệt tình , “Tuyệt Hậu Tái Tô”. Nghĩa là chết đi rồi sống lại vào cái “vô sở đắc ” tối hậu để đạt được cái “sở đắc tối hậu”.  

          Tử  Dung Hòa Thượng  dạy cho Thiền Sư Liễu Quán:

                                     “Huyền nhai tán thủ

                                       Tự khẳng thừa đương

                                       Tuyệt hậu tái tô

                                        Khi quân bất đắc”.

                                      (Buông tay trên dốc thẳm

                                       Tự tin vào chính mình

                                       Chết đi rồi sống lại

                                       Ai lừa dối được ngươi).

          Và khi chứng được thì hoàn toàn không có sở đắc.Tổ Thiền Tông thứ 23 Ngài  Hạc Lặc Na (Haklena) từng chỉ điểm:   

                                     “Nhận đắc Tâm Tánh thời

                                       Khả thuyết bất tư nghì

                                       Liễu liễu vô khả đắc

                                       Đắc thời bất thuyết tri”. 

                                      (Khi nhận được Tâm Tánh

                                       Mới nói chẳng nghĩ  bàn

                                       Rõ ràng không chỗ được

                                       Khi được chẳng nói biết).  

          Làm sao có chỗ đắc cho được khi một người đã ở sẵn trong căn nhà của mình đang ở lại còn nói tôi trở về nhà. Chỉ khi mê không biết mình đang ở trong nhà ,có điều không diễn tả được căn nhà thực của mình bằng ngôn ngữ văn tự thế gian. Căn nhà đó thì: “Bất ly đương xứ thường trạm nhiên”. Tuy nhiên muốn nhận ra căn nhà “Rỗng Thênh Không Thánh” đó cũng không phải là dễ. Nói theo Thiền Sư Cảnh Sầm là phải vượt qua đầu sào trăm trượng, còn trong đầu sào thì vẫn còn ở Mặt Trăng thứ hai, chưa đạt đến rốt ráo tuyệt cùng:

                                     Bách Trượng can đầu bất động nhân

                                       Tuy nhiên đắc nhập vị vi chân

                                       Bách trượng can đầu tu tấn bộ

                                      Thập phương thế giới thị toàn thân”.

                                      (Trăm trượng đầu sào vẫn đứng yên

                                      Tuy là được nhập chẳng phải hiền

                                      Đầu sào trăm trượng cần vượt khỏi

                                      Mười phương thế giới thảy thân mình).    

           Khi nhảy qua đầu sào trăm trượng thì mới thấy được Tánh, chứng ngộ Pháp Thân. Khi đó cả 10 phương thế giới chính là Pháp Thân của chính mình. 

           * Hay nói theo Tuệ Trung Thượng Sĩ ,phải lách mình vượt ra khỏi cái lồng của con chim hồng hay cái lồng của thế gian đầy tham ái ngũ trược ,khi thoát ra rồi thì mặc tình bay nhảy giữa Hư Không dài vô tận:     

                                     “Phiên thân nhất trịch xuất phần lung

                                      Vạn sự đô lô nhập nhãn Không

                                     Tam giới mang mang Tâm liễu liễu

                                      Nguyệt hoa Tây một, Nhựt thăng Đông”.

                                     (Xoay mình một ném vượt khỏi lồng

                                      Muôn sự đều không ,nhập mắt không

                                     Ba cõi thênh thang , lòng sáng rỡ

                                     Trăng Tây vừa lặn ,xuất vầng Đông”.  

           * Con đường tuyệt lộ đó cũng chính là giải thoát như cái thấu triệt Tự Thể của Thiền Sư Mông Sơn Đức Bị :  

                                      “Một hứng lộ đầu cùng

                                        Đạp phiên ba thị thủy

                                        Triệu Châu lão siêu quần

                                        Diện Mục chỉ như thị”.

                                      (Đường đi chợt hết bước

                                       Dẫm ngược sóng là nước

                                       Già Triệu Châu quá chừng

                                       Mặt mày chẳng chi khác).   

           Cùng đường tuyệt lộ như Thiền Sư Mông Sơn ,bất chợt dẫm ngược sóng gặp nước ,chộp được ông già Triệu Châu ,bắt gặp ngay Bản Lai Diện Mục của chính mình.

           * Tuyệt lộ đó cũng là cái cửa “Vô” của Thiền Sư Vô Môn Huệ Khai với cái công án “Vô” của Triệu Châu.  Phải đi qua cửa Tổ, phải đi tuyệt đường Tâm mới có thể gặp cái Diệu Ngộ .Vậy thế nào là cửa Tổ ? Chính là một chữ “Vô”,  Cửa Không Cửa (gate of no gate) của nhà Thiền.

           Phật dạy “Tâm là Tông chỉ ,cửa Không là cửa Pháp”. Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma cũng đã chỉ: “Giáo ngoại biệt truyền ,bất lập văn tự ,trực chỉ nhân Tâm ,kiến Tánh thành Phật”.

           Vậy cần phải đi hết đường Tâm .Quan môn của Tổ Sư phải thấu triệt. Thấu triệt cái  cửa “Vô ”của Thánh Trí cũng là cái Diệu Vô vượt lên trên cả Hữu và Vô. Vượt luôn cả 20 cửa Không như:  “nội không ,ngoại không ,nội ngoại không ,không không ,đại không ,tán không ,tính không, tự tính không, chư pháp không…”.  Cũng chẳng cần phải lập chân , bỏ vọng như Ngài Huyền Giác đã dạy :  

                                     “Chân bất lập vọng bổn không

                                       Hữu Vô câu khiển bất không không

                                       Nhị thập không môn nguyên bất trước

                                       Nhất Tánh Như Lai thể tự đồng”.   

          Cánh cửa Không đó, nếu lọt qua được thì cả Càn Khôn vũ trụ nằm trong bàn tay mặc tình du hí Tam Muội :  

                                     “Đại Đạo vô môn , thiên sai hữu lộ

                                      Thấu đắc thử quan, Càn Khôn độc bộ”.(Thiền Sư Huệ Khai)

                                      (Đại Đạo không cửa, có nghìn nẻo vào

                                      Qua được cửa nầy, Đất Trời riêng bước).

          Thiền Sư Huệ Khai chỉ rõ :

          “ Hãy đem 360 đốt xương , 8 vạn 4 ngàn lỗ chân lông, toàn thân cả 6 căn khởi nghi  đoàn ,tham chữ “Không” .Giống như nuốt một hòn sắt nóng, muốn khạc mà khạc chẳng ra ,không còn vọng tri vọng giác rồi thuần thục tự nhiên trong ngoài đánh thành một phiến ,như người câm nằm mộng thì tự mình biết. Rồi bỗng như Trời long đất lở như đoạt được Thanh Long Đao của Quan Vân Trường: gặp Phật giết Phật ,gặp Tổ giết Tổ .Bên bờ sanh tử mà tự tại, hướng lục đạo luân hồi mà du hí Tam Muội ”. Thiền Sư Huệ Khai đã miệt mài công án “VÔ “ và đã Đại Ngộ khi nghe tiếng trống buổi trưa ở trai đường:

                                     “Thanh thiên bạch nhật nhất thanh lôi

                                       Đại địa quần sanh nhãn hoát khai

                                       Sum la vạn tượng tề khể thủ   

                                       Tu Di bột khiêu vũ tam đài”.

                                      (Trời quang mây tạnh sấm nổ vang lừng

                                       Mọi vật trên  đất, mắt bỗng mở bừng

                                       Muôn hồng nghìn tía cúi đầu làm lễ

                                      Núi Tu Di cũng nhảy múa vui mừng).  

          Cái lưỡi kiếm “VÔ” sắc bén của Triệu Châu quả lợi hại và thần diệu vô cùng, nhưng nếu dụng sai ở cái sát na nóng bỏng như thế thì sẽ toi mạng, thân bị đứt làm hai khúc:  

                                     “Triệu Châu lộ đao kiếm

                                       Hàn sương quang diệm diệm

                                       Cánh nghi vấn như hà

                                       Phân thân tác sở đoạn”.

                                      (Lưỡi kiếm Triệu Châu rút ra khỏi vỏ 

                                       Lạnh như sương mai nóng như lửa

                                       Nếu ai hỏi: sao thế nầy ?

                                       Thân bị đứt làm hai đoạn).

          Ngay cái sát na đột phá đó trước cửa Tổ ,một niệm vừa khởi ,hay một ý thức  suy nghĩ vừa sanh ra thì xem như hỏng việc sụp đổ hoàn toàn .Còn ngay cái sát na đột phá đó mà qua được  cửa, thì không những đỡ được đường kiếm của Triệu Châu ,toàn thân thấy được Triệu Châu mà còn cùng Lịch Đại Chư Tổ nắm tay cùng  đi ,ngang hàng với các Ngài ,nhìn cùng một con mắt, nghe cùng một lỗ tai ,nói cùng một giọng lưỡi ! Sau một bước nhảy giữa Hư Không  thì mặc tình muốn nói thì nói, muốn im thì im ,nói tức im, im tức là nói ,tùy duyên hoặc nói hoặc im ,mở cửa từ bi thí pháp rộng lớn độ sanh không ngăn ngại :

                                                            ********

                                     Mặc thời thuyết ,thuyết thời mặc

                                       Đại thí môn khai vô ủng tắc”.  

           Bởi vì chứng đến đó thì Tông cũng thông mà Thuyết cũng thông định huệ sáng tròn đầy đủ cũng như hằng sa Chư Phật ở mười phương:  

                                     “Tông diệc thông ,Thuyết diệc thông

                                       Định huệ viên minh bất trệ không

                                       Phi đãn ngã  kim độc đạt liễu

                                       Hằng sa Chư Phật thể giai đồng”.

                                                 (Thiền Sư Huyền Giác).

                                      (Tông cũng thông Thuyết cũng thông

                                      Định huệ sáng tròn chẳng trệ không

                                      Nào phải mình ta riêng đạt đấy

                                      Hằng sa Chư Phật thể giai đồng).                            

          Lúc đó thì :

                                      “Đạo thông thiên địa hữu hình ngoại

                                       Tư nhập phong vân biến thái trung”.

                                       (Đạo thông Trời Đất hiện ra mặt

                                       Trí nhập mây gió tỏa hành vi).  

          Thân tuy còn là Tứ Đại của thế gian nhưng trí đã xuất thế gian nhả ngọc phun châu làm mưa làm gió giữa Hư Không như Rồng  gặp mây mưa pháp cứu độ chúng sanh : “Rắn biến thành Rồng không đổi vảy”. Lúc đó thì vinh nhục ,danh lợi thế gian không còn dính mắc,vào rừng sâu độc hành độc bộ nơi núi hiểm rừng già ,dựng mái chùa tranh thung dung tĩnh tọa :  

                                     “Tự tùng đốn ngộ liễu vô sanh

                                       Ư chư vinh nhục hà ưu hỷ

                                       Nhập thâm sơn trú lan nhã

                                       Sầm ngâm u thúy trường tùng hạ

                                       Ưu du tĩnh tọa dã tăng gia

                                       Quých tịch an cư thực tiêu sái”.

                                      (Tự thời thoát ngộ lý vô sanh

                                      Cơn vinh nhục mừng lo gì tá ?

                                     Vào rừng sâu ở lan nhã

                                     Núi  dựng tùng già ôm bóng cả

                                     Thong dong ngồi tịnh mái chùa tranh

                                     Cảnh lặng lòng yên thanh thoát lạ!)

          Và trong cảnh rừng chiên đàn hiểm trở thanh thoát ấy là nơi trú ngụ của Sư Tử. Bao nhiêu chim chóc ,muông thú hay phàm phu tục tử ồn ào danh lợi, đầy nhân ngã tham ái thị phi của nhân gian đều cao bay xa chạy không dám đến:  

                                     “Chiên đàn lâm ,vô tạp thụ

                                       Uất mật sâm trầm Sư Tử trú

                                       Cảnh tịnh lâm nhàn độc tự du

                                       Tẩu thú phi cầm giai viễn khứ”.

                                      (Rừng chiên đàn không tạp thụ

                                       Sâu kín um tùm Sư Tử trú

                                       Cảnh vắng rừng im một mình chơi

                                       Cao bay xa chạy chim cùng thú ).   

          Một khi Sư Tử hống lên thuyết vô úy như tiếng sấm giữa rừng thì trăm muôn nghìn thú hay tà ma Vô Minh ngoại đạo đinh tai nhức óc, xé cả óc tủy tiêu tan. Cả loài Hương Tượng hay Tiệm Giáo cũng chạy dài, chỉ có Thiên Long tức Rồng Trời hay Đại Thừa Đốn Giáo lắng nghe mừng được mưa Pháp: 

                                     “Sư Tử hống ,vô úy thuyết

                                       Bách thủ văn chi giai não liệt

                                       Hương Tượng bôn ba ,thất khước uy

                                       Thiên Long tịch thính sanh hân duyệt”.

                                      (Sư Tử hống  thuyết vô úy

                                       Trăm thú nghe qua xé óc tủy

                                       Hương Tượng chạy dài hết liệt uy

                                       Thiên Long lặng ngóng lòng hoan hỷ).

          Lời thuyết Pháp của Chư Phật ,Chư Tổ và Thiền Sư ngộ đạo như tiếng hống đầy uy lực của Sư Tử ,như núi bảy báu thường tuôn suối trí tuệ, phá tan màn Vô Minh đem  lợi ích cho chúng sanh ,phá mê khai ngộ vượt qua bờ sanh tử luân hồi: 

                                     “Nguy nguy thất bảo sơn

                                       Thường xuất trí huệ tuyền

                                       Hồi vi chân pháp vị

                                       Năng độ chư hữu duyên”.   

                               (Lời kệ của Tổ thứ năm Đề Đa Ca (Dhirtaka))

                                      (Vời vợi núi bảy báu

                                       Thường tuôn suối trí huệ

                                       Chuyển thành vị chơn pháp

                                       Hay độ người có duyên).

          Các Ngài có Tâm Lão Bà với lòng từ bi rộng lớn vô biên muốn độ hết thảy chúng sanh qua khỏi bờ mê, biển khổ.Thiền Sư Thông Giác Thủy Nguyệt khi sắp tịch, còn gọi đệ tử là Tông Diễn nói kệ dặn dò: 

                                     “Thủy xuất đoan do tẩy thế trần

                                       Trần thanh thủy phục nhập nguyên chân

                                       Dữ quân nhất bát cam lồ thủy 

                                       Sái tác ân ba độ vạn dân”.

                                      (Nước cốt tuôn ra rửa bụi trần

                                      Sạch rồi nước lại trở về chân

                                      Cho ngươi bát nước cam lồ quý

                                      Ân tưới chan hòa độ vạn dân). 

          Các Ngài là những Bậc Đại Trượng Phu đã chứng ngộ, mỗi lần rút “Gươm Tuệ” ra là Ánh Bát Nhã sáng chói như kim cương loé, làm cho ngoại đạo rớt hết Tâm Mê và loài Thiên Ma phải chạy dài, đem lại lợi ích giải thoát cho vô số chúng sanh: 

                                      “Đại Trượng Phu bỉnh Tuệ Kiếm

                                        Bát Nhã phong hề Kim Cang diệm

                                       Phi đản năng thôi ngoại đạo Tâm

                                        Tảo tằng lạc khước Thiên Ma đảm” (Thiền Sư Huyền Giác)

                                       (Đại Trượng Phu cầm kiếm Huệ

                                        Ánh Bát Nhã hề Kim Cương loé

                                       Đã hay ngoại đạo bật Tâm Mê

                                        Lại khiến Thiên Ma lùi khiếp vía).

          * Nhưng từ đâu có nước cam lồ quý ? Từ đâu có cái hùng lực của Sư Tử hống thuyết vô úy ? Từ đâu có núi bảy báu tuôn ra suối trí huệ nhiệm mầu?  Từ đâu có cái lưỡi Gươm Tuệ loé Ánh Kim Cương sắc bén chặt đứt hết Tâm Mê và cái khả năng làm Thầy cả Trời và Người cứu độ chúng sanh? 

                                                            ********

           Ngài Huyền Giác trả lời:

                                     Hữu nhân vấn ngã giải hà Tông?

                                       Báo đạo :Ma Ha Bát Nhã lực

                                       Hoặc thị hoặc phi nhân bất thức

                                       Nghịch hành thuận hành thiên mạc trắc”.

                                      (Có người hỏi ta, giải Tông gì?

                                       Xin thưa : Ma Ha Bát Nhã lực

                                       Làm phải,làm trái Người mù tịt

                                       Làm ngược làm xuôi Trời không biết).

                                       Đó là Ma Ha Bát Nhã làm ra!

          Ma Ha Bát Nhã là Bát Nhã rộng lớn trùm khắp, bất khả tư nghì, không thể dùng văn tự ngôn ngữ thế gian để diễn tả, đó là trạng thái siêu tâm linh giác quan con người không thể nhận biết mà phải chứng ngộ như Đức Phật, các Tổ và Thiền Sư. Bát Nhã là cái tối thượng : “Thánh Đế Đệ Nhất Nghĩa” vi diệu, nó làm phải làm trái con Người mù tịt không nắm bắt được, nó làm ngược rồi làm xuôi cả loài Trời thông minh trí tuệ cách mấy cũng không hiểu nổi. Bát Nhã thật ra là cái không tên không tuổi, không xuất xứ, phi phàm phi thánh, phi hữu phi vô, phi tà phi chánh, phi tướng phi vô tướng…Thể Tánh thì thường trụ, không sinh diệt…là cái rốt ráo tuyệt đối, nên có thể gọi là “Một” hay “Chơn Nhất”. Vì cái Một hay Chơn Nhất này biến hóa ra tất cả Càn Khôn vũ trụ trong Tam Giới : “Một là tất cả, Tất cả là Một”. Bát Nhã cũng có nhiều tên như : Niết Bàn, Chân Như, Như Lai Tàng, Thực Tướng, Hư Không, Chân Không, Phật Tánh, Tự Tánh, Bản Tế…Cái Thể của Ma Ha Bát Nhã không thể nhìn thấy,nhưng sự Dụng lại vô cùng : ứng cơ thì có muôn ngàn phương tiện, giáo hóa thì có vạn ức pháp vị, hiện vật thì đủ thứ kỳ hình, biến hóa thì có đủ tướng hiện , tạo tác thì tinh vi hoàn mỹ, thị hiện sanh mà vô sanh, thị hiện tướng mà vô tướng, thị hiện thân mà vô thân, vô tri mà tri vô sở bất tri, suy lường mà chẳng lường, thường biết mà chẳng biết, vô vi mà vi vô sở bất vi, vô tướng mà lập tướng , vô tâm mà lập tâm phi tâm, vô danh mà lập danh phi danh, vô vật mà tạo vật vô lượng vật…giống như trong gương tỏa ngàn tượng nước hiện muôn sắc, trong bóng mà tạo hình vũ trụ Càn Khôn, biển nổi ngàn sóng, vô vi biến hóa : “Không tức thị Sắc”. Tuy là hiện tướng sum la vạn tượng đầy ắp trong Hư Không, nhưng tất cả đều lấy Vô Trụ làm Gốc, Vô Tướng làm Thể, Tâm làm Tông Chỉ và Cửa Không làm Cửa Pháp… Rỗng Rang trong suốt đồng với Hư Không : “Sắc tức thị Không”. 

          *Trong Pháp hội Linh Sơn, Thế Tôn giơ Cành Hoa Sen lên chỉ cho đại chúng. Lúc đó đại chúng đều im lặng ngơ ngác, không biết chuyện gì, chỉ có Tôn Giả Ca Diếp mĩm cười, chứng ngộ Bát Nhã . Thế Tôn bảo :

          -“Ta có Chánh Pháp Nhãn Tạng Niết Bàn Diệu Tâm Thực Tướng Vô Tướng Vi Diệu Pháp Môn , Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự nay truyền cho Ca Diếp ”. 

                                     “Niêm khởi hoa lai

                                       Vĩ ba dĩ lộ

                                       Ca Diếp phá nhan

                                       Nhân thiên võng thố”.

                                      (Vừa giơ cành hoa

                                      Cái đuôi đã lộ

                                      Ca Diếp cười xòa

                                      Trời người thất thố).   

          Trời và Người đều mù mắt ,mù trí điên đảo vọng tưởng ,không nhận ra cái yếu chỉ khi Thế Tôn giơ Cành Hoa Sen lên .Trời và Người chấp vào cái tướng sinh diệt của Hoa Sen ,khởi niệm phân biệt ,suy đoán cái dụng ý của Thế Tôn khi giơ Cành Hoa Sen nên lạc vào thần thức vọng tưởng .Trong khi tôn giả Ca Diếp đang ở trong trạng thái “Vô Niệm” . Khi Thế Tôn giơ Cành Hoa Sen lên ,tức khắc trong một sát na chợt nhận ra cái Ánh Rõ của Bát Nhã hiện ra nơi Cành Hoa Sen rồi trùm khắp cả Hư Không cũng trong cái sát na ấy. Thế là Hư Không sụp đổ và toàn thể là Ánh Rõ của Ma Ha Bát Nhã và Ca Diếp đã ngộ nhập vào Bát Nhã nên mĩm cười , trong khi Người và Trời ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra .Cành Hoa Sen chỉ là phương tiện nhỏ mà Thế Tôn tạm dùng ngay lúc ấy để chỉ Đạo ,chỉ thẳng Bát Nhã. 

          Thế Tôn có thể dùng ngón tay để chỉ Mặt Trăng ,cây gậy để chỉ Mặt Trăng, ở đây Thế Tôn dùng Cành Hoa Sen để chỉ Mặt Trăng và chỉ thẳng, chỉ trực tiếp Bát Nhã . 

          Thật ra ngón tay ,cây gậy hay Cành Hoa Sen đều là Pháp mà cũng không phải là Pháp, chỉ là phương tiện để đạt đến bờ bên kia .Thế Tôn không muốn chúng sanh cố chấp vào Pháp để sinh bệnh .Ngài đến trước Tháp Đa Tử  gọi Ca Diếp đến chia cho nửa tòa ngồi, lấy y Tăng Già Lê quấn vào mình Ca Diếp rồi nói kệ phó Pháp : 

                                     “Pháp bổn Pháp vô Pháp

                                       Vô Pháp Pháp diệc Pháp

                                       Kim phó vô Pháp thời

                                       Pháp Pháp hà tằng Pháp”. 

                                      (Pháp gốc của Pháp không phải là Pháp

                                       Pháp không Pháp cũng là Pháp

                                       Nay khi trao cái không Pháp

                                       Mọi Pháp đâu từng là Pháp).  

          Pháp mà Thế Tôn trao cho Ca Diếp không phải là những tàng Kinh đầy văn tự hay ngôn thuyết mà là Kinh Vô Tự không lời , Kinh này là cả một Bầu Trời Rõ, bầu trời chân không “Rỗng Thênh Không Thánh”. Kinh nầy là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa . Cũng ý này ,Thiền Sư Huệ Sinh ứng kệ chỉ Đạo cho vua Lý Thái Tông :

                                     “Pháp bản như vô Pháp

                                       Phi Hữu diệc phi Vô

                                       Nhược nhân tri thử Pháp

                                       Chúng sinh dữ Phật đồng

                                       Tịch tịch Lăng Già Nguyệt

                                       Không Không độ hải chu

                                       Tri Không Không giác Hữu

                                       Tam Muội nhậm thông chu”.

                                      (Pháp gốc như không Pháp

                                       Chẳng có cũng chẳng không

                                      Nếu người biết Pháp ấy

                                      Chúng sanh cùng Phật đồng

                                      Trăng Lăng Già vắng lặng

                                      Thuyền Bát Nhã rỗng không

                                      Biết không không giác có

                                      Chánh định mặc thong dong). 

          Thuyền Bát Nhã rỗng không nên nó chứa tất cả vũ trụ Càn Khôn với ba ngàn thế giới .Nó làm phải làm trái loài Người mù tịt không hiểu nổi. Nó làm ngược rồi  làm xuôi cả loài Trời cũng không biết đâu là manh mối .

         Bát Nhã như một nhà ảo thuật đại tài biến hóa ra Càn Khôn vũ trụ muôn loài , nó thật là minh , nó thật là diệu . Loài Người và loài Trời như khán giả hiếu kỳ trẻ con càng quan sát càng thấy lạ lùng bí hiểm đã huyền hoặc lại thêm huyền hoặc .

          Thí dụ điển hình những gì Bát Nhã làm ra mà loài Người - những nhà Khoa Học thông thái nhất hay loài Trời –những Người Hành Tinh (Aliens) siêu đẳng nhất cũng không hiểu nổi hay hoàn toàn bất lực. Các nhà Khoa Học của Địa Cầu thế kỷ 20 đã khám phá ra nguyên thủy của vũ trụ là một “Dị Điểm” (singular point) cách đây khoảng 15 tỷ năm với kích thước vô cùng nhỏ d= 10-33 cm (10 lủy thừa trừ 33 centimet) trong vụ nổ Big Bang. Năng lượng ban đầu biến thành các hạt cơ bản quarks rồi electrons ,protons, neutrinos… để thành lập nguyên tử vật chất đầu tiên nhỏ nhất và nhẹ nhất là Hydrogen (H) và Helium (He ). Tuy là nhỏ nhất nhẹ nhất, mắt thường không trông  thấy được , nhưng đứa con đầu lòng : nguyên tử vật chất Hydrogen cũng lớn hơn mẹ của nó tới 10 triệu tỷ tỷ lần .Rồi thì hàng trăm tỷ đám mây khí nầy (Nebulae) sinh sinh hóa hóa bành trướng ra rộng lớn ra thành hàng trăm tỷ thiên hà (galaxy) . Mỗi thiên hà lại có hàng trăm tỷ Hệ Mặt Trời (Solar System) . Riêng Hệ Mặt Trời của chúng ta có 9 Hành Tinh trong đó có Địa Cầu (Earth) mà chúng ta đang sống. Các nhà Khoa Học thực không thể hiểu nổi tại sao cái trứng vũ trụ ban đầu (cosmic egg) vô cùng nhỏ lại sinh ra một lượng vật chất vô cùng lớn như vũ trụ hiện hữu ? Đúng là một trò ảo thuật bí hiểm !Thật ra điều nầy cách đây hơn 500 năm Thiền Sư Chân Nguyên  chứng Bát Nhã đã nói ra rồi không phải đợi đến thế kỷ 20 các nhà Bác Học mới khám phá ra được bằng dụng cụ khoa học :  

                                     “Nhất điểm Hư Vô thể bổn không,

                                       Vạn ban Tạo Hóa giá cơ đồng

                                       Bao la thế giới Càn Khôn ngoại

                                       Trạm tịch hàn quang sát hải trung”.  

          Hay Thiền Sư Đạo Hạnh đời Lý cũng nói : 

                                     “Tác hữu trần sa hữu

                                      Vi không nhất thiết không ”.

                                      (Hạt bụi nầy có thì thế giới nầy có

                                       Hạt bụi nầy không thì cả vũ trụ nầy cũng không ).

Các loài Trời hay Người Không Gian (Aliens) dù có thông minh thông  thái gấp ngàn lần người Địa Cầu ,dù cho họ có chế tạo được đĩa bay hay UFO đi nhanh bằng vận tốc ánh sáng cũng bất lực hoàn toàn không thể đi ngang dọc trong Thiên Hà Milky Way (Dải Ngân Hà) của chúng ta. Càng không thể xuyên vũ trụ với hàng trăm tỷ thiên hà khác, cách  chúng ta hàng chục tỷ năm ánh sáng, trừ khi họ có tuổi thọ hàng tỷ năm ?...Trong khi đó đối với các Chư Phật 10 phương thì vũ trụ nằm trong lòng bàn tay của các Ngài. Bởi vì các Ngài đã chứng Bát Nhã ,ngộ nhập Bát Nhã, toàn thể vũ trụ vạn hữu và Hư Không vô biên cũng  chính là Pháp Thân của các Ngài. Do đó các Ngài không cần đi đâu cả mà vũ trụ Càn Khôn hiện hữu trước mặt các Ngài.

          Kinh Hoa Nghiêm có nói :

           Trong một hạt bụi tôi thấy vô số cõi Phật, mỗi cõi Phật có các đấng Như Lai với hào quang quý báu”.

          Thật là lãng mạn khi nhà thơ William Blake đã ảnh hưởng Phật Pháp như thế nào khi nói ra 4 câu thơ :

                                     “Nhìn vũ trụ trong một hạt cát

                                       Cả Trời Đất thiên đường trong một bông hoa dại

                                       Thâu gọn  không gian vô biên trong lòng bàn tay

                                       Và thời gian vô tận trong một giờ”.

                                      (To see the World in a grain of sand

                                       And a Heaven in a wild flower

                                       Hold  Infinity in a palm of your hand

                                       And Eternity in an hour).

         * Thuyền Bát Nhã rỗng không nhưng ứng cơ sanh ra vạn pháp, ứng cơ sinh ra Càn Khôn vũ trụ .Nó chuyên chở hay tích chứa Càn Khôn vũ trụ vì nó rộng lớn vô biên, không thể nghĩ bàn  .Còn tất cả Càn Khôn vũ trụ hay sum la vạn tượng thật ra chỉ là cái Bóng của Bát Nhã .

         Bát Nhã cũng gọi là Tự Tánh ,Chân Như hay Như Lai Tạng …..Khi Lục Tổ Huệ Năng chứng ngộ Bát Nhã với sự khai thị của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Ngài tự thốt lên: 

                                     “Không ngờ Tự Tánh vốn tự thanh tịnh

                                      Không ngờ Tự Tánh vốn chẳng sanh  diệt

                                      Không ngờ Tự Tánh vốn tự đầy đủ

                                      Không ngờ Tự Tánh vốn chẳng lay động

                                      Không ngờ Tự Tánh hay sanh muôn Pháp”.

Tự Tánh cũng gọi là Bát Nhã cũng gọi là Pháp Thân, hay sanh muôn Pháp là do tùy duyên cơ mà ứng hiện. Có vị tăng hỏi Thiền Sư  Huệ Hải :

         Thanh thanh thúy trúc tổng thị Pháp Thân ,uất uất hoàng hoa vô phi Bát Nhã”?

         (Trúc biếc xanh xanh đó có phải là Pháp Thân  hay không? Hoa vàng mịt mịt đó có phải là Bát Nhã hay không ? )

         Ngài trả lời :

         Pháp Thân vô tượng ứng thúy trúc dĩ thành hình, Bát Nhã vô tri đối hoàng hoa nhi hiển tướng .

          (Pháp Thân không có tướng ,ứng trúc biếc hiện ra hình ,Bát Nhã vô tri đối hoa vàng hiện ra tướng ).

         Trong Kinh cũng có nói :

         -   “Chân tượng Pháp Thân do nhược Hư Không , ứng vật tùy hình như thủy trung nguyệt”.

         (Tướng chân thật của Pháp Thân giống như Hư Không ,ứng vật hiện ra hình giống như Trăng lồng bóng nước ).

         Pháp Thân hay Bát Nhã hay Tự Tánh đã sẵn có từ nguyên thủy ,không sinh không diệt ,không đến không đi:

         Pháp Thân vô khứ vô lai trụ tịch oai nghi bất động , Đức tướng phi không phi hữu ,ứng tùy cơ dĩ hằng châu”.

         (Pháp Thân không đến không đi ,đứng yên oai nghi bất động, Đức tướng không phải không cũng không phải là có ,ứng tùy cơ sanh ra vạn pháp).

         * Như vậy Pháp Thân hay Bát Nhã hay Tự Tánh , hay Tánh mà Lục Tổ Huệ Năng đã chứng ngộ vốn thanh tịnh ,vô sanh ,đầy đủ ,bất động lại hay sanh muôn Pháp ,và Bát Nhã chính là Bản Thể của vũ trụ hiện hữu bao gồm cả tam giới và sum la vạn tượng .

         Nhưng Kinh Kim Cang lại nói :

         Tam Giới duy Tâm, vạn Pháp duy thức”.

         Vậy Bát Nhã sinh ra vạn Pháp hay Tâm sinh ra vạn Pháp?

         Thật ra Tâm (ở đây là Chân Tâm) chỉ là cái Ánh Sáng hay cái Rõ do Bát Nhã chiếu ra như viên ngọc phát ra ánh sáng tự nhiên . Ánh sáng đó không phải là viên ngọc nhưng không rời viên ngọc. Ánh sáng này không phải là ánh sáng năng lượng vật chất ( sóng hạt photon ánh sáng) do phản ứng nhiệt hạch từ lòng Mặt Trời hay các thiên hà chiếu ra, mà là cái Linh Quang hay cái Ánh Rõ vi diệu của Bát Nhã. Bát Nhã thì Rỗng,Trong, không có một vật, nhưng lại có cái Ánh Rõ linh và diệu.Vì viên ngọc quá lớn ,trùm khắp nên ánh sáng đó thay vì chiếu ra ngoài lại chiếu vào bên trong viên ngọc .Như vậy ở đâu có ánh sáng viên ngọc hay là Tâm ,thì ở đó có sự hiện hữu của viên ngọc hay là Bát Nhã .Nói ngược lại ở đâu có Bát Nhã thì ở đó có Tâm .Nhưng Ma Ha Bát Nhã thì trùm khắp Hư Không vô biên ,do đó Tâm cũng trùm khắp Hư Không vô biên và nói cho cùng chính Hư Không vô biên cũng chính là Tâm hay Bát Nhã tùy theo mức độ chứng ngộ của hành giả .

         Bát Nhã là Tánh hay là TỰ TÁNH . Như vậy ,nhận biết được TÁNH là nhờ ánh  sáng của TÁNH phát  ra tức là TÂM.TÂM ở đây tức là Chân Tâm tức là cái Ánh sáng  hay Ánh Rõ của Bát Nhã hay Tánh chiếu ra .

         Ánh Rõ của Bát Nhã chính là Chân Tâm hay là cái Tâm Gốc lại chiếu ra cái Bóng của nó sinh ra vũ trụ và thế giới như  Kinh Kim Cang có nói: “Tam giới duy Tâm” hay “Nhất thiết duy Tâm tạo”. Chân Tâm hay (Gốc Tâm) lại sinh ra vô số (Ngọn Tâm) với vô số (Cành Lá Tâm) như là sum la vạn tượng tràn ngập trong Hư Không và sơn hà đại địa với đủ mọi sắc thái vạn vật chúng  sinh. Như vậy quả thật Tâm là một nhà ảo thuật đại tài nơi Hư Không, tùy sức ảo thuật biến hóa ra đủ thứ hình tượng. Người Mê tưởng rằng hằng sa tinh tú, Trời Đất, sơn hà, đại địa trong Hư Không là do Thượng Đế hay một Thần Linh nào đó tạo ra với nhiều phép lạ, nên ra sức cầu xin cúng tế để được ban ân. Họ không ngờ rằng chính Tâm làm ra tất cả, ngay cả hiện ra Phật, ra ma, hay quỷ thần…Cho nên có người niệm Phật thì Phật hiện, niệm Tăng thì Tăng hiện, do đó tưởng rằng huyền cơ linh ứng. Sự thật là phi Phật phi phi Phật mà hiện nơi Phật, phi Tăng phi phi Tăng mà hiện nơi Tăng. Vì người niệm có Tâm hy vọng được hiện nên bất giác tự Tâm hiện ra Phật hay hiện ra Tăng. Nhà Phân Tâm Học người Áo: Sigmund Freud có phân chia cái Tâm người ra làm 3 phần: Id (Bản Năng hay Bản Ngã), Ego (Tự Ngã), và Superego (Siêu Ngã). Trong giấc ngủ, không bị cái Ego và Superego kiềm chế, nên cái Id (Bản Ngã) được tự do thao túng hiện ra cái tướng vọng sinh ra giấc mơ (dream) để thỏa mãn cho cái ngã, hay cái bản năng ham muốn, cái dục vọng, lời cầu xin ao ước, hay cái tâm niệm hành trì hằng ngày. Do đó cái thấy, cái được, cái cảnh trong giấc mơ hay trong một lúc ảo giác nào đó chỉ là vọng tưởng. Tâm từ gốc ra cành lá và ngọn tâm thì năng động và biến hóa ra đủ thứ vọng tưởng tài tình, lạ kỳ lúc ngược lúc xuôi, muôn hình vạn trạng. Cho nên Kinh có nói: Tâm như nhà ảo thuật, ý như người phụ tá, ngũ thức là bạn bè, vọng tưởng là người xem”.

         Đại Sư Tăng Triệu luận giải trong Bửu Tạng Luận như sau:“Ví như có người tự làm khuôn hình nơi lò đúc, vuông tròn lớn nhỏ tùy theo ý muốn, vàng chảy vào khuôn làm ra hình tượng, hình tượng tùy theo ý muốn mà thành, kỳ thực bản thể của vàng ròng phi tượng phi phi tượng mà hiện nơi tượng, kẻ niệm Phật, niệm Tăng cũng vậy. Người đúc vàng dụ cho đại trí của Như Lai; khuôn hình dụ cho Pháp Thân của chúng sanh, vì trong Tâm mong cầu thấy Phật, nên nhờ nhân duyên niệm Phật, được hiện ra đủ thứ thân tướng, mà chẳng biết Pháp Thân phi tướng phi phi tướng. Sao gọi phi tướng? Vốn chẳng có tướng nhất định vậy. Sao gọi phi phi tướng? Vì có chư tướng duyên khởi. Pháp Thân phi hiện phi phi hiện, lìa Tánh và vô Tánh, phi hữu phi vô, chẳng tâm chẳng ý, chẳng thể so đo suy lường. Phàm phu tùy theo vọng tưởng cho là thấy Phật, xưa nay chấp thật ngoài Tâm có Phật, chẳng biết do tự Tâm vọng hiện mà có; hoặc nói ngoài Tâm chẳng Phật, ấy là phỉ báng chánh pháp. Nên Kinh nói: “Cảnh giới của bậc thánh lìa phi hữu phi vô, chẳng thể đo lường, nếu chấp thật có thật không, tức lọt vào nhị biên, cũng là tà vọng. Tại sao ?  Vì vọng sanh nhị kiến, sai trái với Chân Lý vậy”.

         Có người ở trong kho vàng chỉ thấy vàng, biết vàng, biết tất cả các tướng đều là vàng mà không để ý tới các hình tướng vàng đã đúc sẵn với đủ mọi hình thù tướng mạo lạ kỳ đẹp xấu, không bị mê hoặc bởi cái tướng vàng, mà chỉ luôn nhìn thấy duy nhất cái bản thể là vàng nên lìa khỏi hư vọng, hòa hợp làm một, khế hợp Chân Nhất – đây là cái thấy của bậc Thánh. Có người chỉ chú ý đến cái tướng vàng với đủ mọi hình thù xinh đẹp, phân biệt tốt xấu, lớn nhỏ giá trị, cân nặng…làm mất tánh vàng chỉ thấy sắc tướng, mê muội bản tánh, chấp kiến điên đảo, vọng tưởng nghi hoặc, hình tướng phân biệt ngăn cách – đây là cái thấy của phàm phu. Cái thấy của phàm phu thì Tâm và Cảnh phân biệt trên Tướng nên là hư vọng mê hoặc, trôi lăn theo lục đạo luân hồi. Còn cái thấy của bậc Thánh thì Tâm và Cảnh nhất Như trên Tánh, khế hợp với Chơn Nhất nên được giải thoát.

Tánh sinh ra Tâm hay vạn pháp thì vẫn thanh tịnh, vẫn không lay động, không tăng không giảm, vẫn tự đầy đủ, sanh như huyễn sanh, tức là sanh mà coi như Không sanh, tức vô sanh. Lục Tổ Huệ Năng đã từng chứng ngộ được điều này: “ Không ngờ Tự Tánh hay sanh muôn Pháp”. Tuy hay sanh ra muôn Pháp, “nhưng vốn chẳng lay động,…vốn tự đầy đủ…vốn tự thanh tịnh…”

         Tứ Tổ Đạo Tín khi truyền Chánh Pháp Nhãn Tạng cho Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn cũng từng nói kệ về cái sanh sanh mà vô sanh này của Tự Tánh:  

                                     “Hoa chủng hữu sanh Tánh,

                                       Nhân Địa, hoa sanh sanh.

                                       Đại duyên dữ tín hiệp

                                       Đương sanh sanh bất sanh”. (Tổ Đạo Tín)

                                      (Giống hoa có Tánh sống,

                                       Nhân Đất, hoa nảy mầm.

                                       Duyên lớn cùng tín hợp,

                                       Chính sanh, sanh chẳng sanh).

         Tâm sinh ra Tâm hay vạn pháp thì ngược lại: lay động sinh diệt, tăng giảm giống như “Mẹ sanh”, khác với “Huyễn sanh” của Tánh. Nghĩa là phải bị mất đi một phần máu thịt tế bào trong cơ thể, hoặc phải biến dịch, thay đổi, tăng giảm lớn nhỏ…Thí dụ “Dị Điểm” Big Bang sinh ra vũ trụ thì phải TÁC động, biến dịch và bành trướng từ nhỏ đến lớn…Thực vật sinh ra cây con thì phải mất một phần hạt giống hay một phần rễ cành nhựa sống khi chiết ra cây con….Nguyên Tử sinh ra Phân Tử vật chất: Đất Nước Gió Lửa thì phải Tác động, hóa hợp, hấp dẫn, xúc tác, kết nạp…

         Cái “Thân” của Tâm như một tàng cây to, có cái Gốc Rễ thì vững chắc bất động, chẳng sinh diệt (có những cây cổ thụ sống cả ngàn năm), rồi phân chia ra nhánh và  nhiều cành  cho tới cái ngọn vô số lá cây. Cành và lá so với Gốc Rễ thì sinh diệt, mỗi năm lá rụng rồi tái sinh ra cành lá mới. Cành và lá thì chuyển động theo chiều gió, còn Gốc Rễ thì hầu như bất động. Tâm cũng vậy, Gốc Tâm hay Chân Tâm thì bất động, chẳng sinh diệt chính là cái Ánh Sáng của Tánh, hay cái Ánh Sáng của “viên ngọc Ma Ni” là cái Ánh Rõ của Bát Nhã, cũng gọi là Mặt Trăng thứ hai. Chứng ngộ đến Mặt Trăng thứ hai xem như đạt đến Vô Sanh, đụng tới Tánh, tuy chưa phải là triệt ngộ. Còn vô số cành lá của Tâm, là ngọn Tâm thì chuyển động, sinh diệt, luân hồi…được xem là Tâm Mê của chúng sanh. Như vậy muốn đi tìm Chân Lý Giải Thoát để đạt đến Vô Sanh thì phải phăng ngược về cái Gốc của Tâm, tức là phăng về cái Rõ của Tự Tánh, cái Vô Vi để thấy Tánh, ngộ nhập vào Tánh thành Phật. Còn chúng sanh Mê với cành lá và ngọn Tâm vì chấp ngã, chấp tướng, bị Vô Minh che mờ, nên lại đi ngược đường ra cái ngọn Tâm, cứ sinh sinh diệt diệt mãi mãi như những chiếc lá ở ngọn cây, không có đường giải thoát. Cứ chạy theo 6 trần của thế gian, bị thế gian cuốn hút tức là đang đi ra cái ngọn Tâm. Vì chấp ngã chấp thân chấp tướng nên Chiếc tưởng rằng cái “Tướng Lá” chính là thân mình và mình có sinh tử ; còn cái Thân Cây, Gốc Cây có cái tướng khác mình chắc không phải là mình nên bỏ qua không để ý tới. Nếu Chiếc biết tư duy phăng tìm mãi cái Thân thật của mình là gì, đi ngược về Gốc không mãi mê trụ nơi cái Ngọn, thì dần dần sẽ phát hiện ra: chính ta không có cái ngã của Chiếc Lá, mà Thân Cây là ta rồi tiến tới Gốc Cây là ta, cũng không trụ nơi đây; Đất Nước Gió Lửa nuôi dưỡng cây là ta, cũng không trụ nơi đây, vượt qua luôn hình tướng vật chất, chính cái Hư Không hay cái Không Rốt Ráo này là ta. Khi đó chợt hiểu ra ta không phải là Chiếc cũng không phải là cái Thân Cây cổ thụ to lớn, cũng không phải là Đất mà chính là cái Hư Không, cái Không Rỗng Rang vi diệu, không sinh diệt, nên không còn phải lo lắng việc sinh tử mà đã thức tỉnh và an lạc. 

                                     “Nhân nhân tận thức Vô Vi lạc,

                                       Nhược đắc Vô Vi thủy thị Gia”.

                                      (Người người tận biết Vô Vi lạc,

                                       Nếu được Vô Vi mới là Nhà).

         Biết đến tận gốc là cái Vô Vi hay cái Không rốt ráo này chính là Nhà mình thì đã an lạc rồi, không còn sợ sệt việc sinh tử. Tuy nhiên, biết rõ vấn đề chưa đủ, cần phải ngộ nhập được cái Vô Vi hay cái Không này rồi mới thật sự là đã về Nhà.

         Tuy vũ trụ và thế giới chúng sanh là cái Bóng do Chân Tâm hay cái RÕ của Tánh, của Bát Nhã biến chiếu ra, nhưng chúng sanh lại nhìn thấy nó Như Thật, có Sắc Tướng có Vật Thể cứng chắc. Đó là cái thấy của Nghiệp Thức chúng sanh, đứng ở trong Nghiệp thì nhìn thấy có Sắc Tướng, có Vật Thể Như Thật, nhưng đứng về phía Tánh hay Bát Nhã nhìn ra thì thấy nó Không, chỉ là cái Bóng giả tạo không có thật. Chẳng hạn như trong giấc chiêm bao thấy có Thân thật, có Thế Giới thật, nhưng khi thức dậy, tất cả đều biến mất, không có một dấu vết. Ngay cả cái nhìn ở trong Nghiệp với nhau cũng có sự khác biệt. Chẳng hạn như Bức Tường, người thường thì nhìn thấy nó đặc cứng liền lạc, nhà Bác Học với kính hiển vi thì thấy nó rỗng rang rời rạc, chỉ có các hạt năng lượng cấu kết với nhau, nhưng Chư Phật thì nhìn thấy nó là Không ( không có cả những hạt năng lượng).

         TÁNH là BẢN THỂ  ví như MẶT TRĂNG “MỘT”, TÂM  là HIỆN TƯỢNG ví như BÓNG TRĂNG hiện ra vô số trên mặt nước sông hồ .Nói ngắn gọn TÁNH là THỂ còn TÂM là DỤNG của TÁNH. Nhờ DỤNG mà biết được THỂ. Thấy DỤNG là biết được  có THỂ .Vì chúng sanh không biết được THỂ cho nên phải qua DỤNG  mới biết được THỂ, hay là phải qua TÂM mới biết được TÁNH. Cho nên Bồ Đề Đạt Ma nói : “Trực chỉ nhân Tâm, kiến Tánh thành Phật ” . TÂM người với Tâm của vũ trụ hay Hư Không là MỘT. TÂM thì có TƯỚNG ,nhỏ như hạt bụi ,lớn như hòn núi ,Mặt Trời, Mặt Trăng hay trùm khắp như Hư Không ,còn TÁNH thì VÔ TƯỚNG bất động .

         Ánh sáng hay Ánh Rõ do Tánh hay Bát Nhã chiếu ra thì MINH và DIỆU (Bản Giác Minh Diệu, Kinh Lăng Nghiêm).  MINH nên nó rõ ràng chân thật và DIỆU nên nó sanh ra vạn pháp huyền hoặc khó hiểu nhưng tài tình lạ kỳ. Còn Ánh Sáng của TÂM thì lại DIỆU và MINH (Tánh Giác Diệu Minh, Kinh Lăng Nghiêm).  DIỆU nên nó sinh ra vạn pháp và chúng sinh với cái Tánh Giác “biết” ít hay nhiều là tùy Nghiệp, gọi chung là Tâm năng động. Loài động vật, thực vật cây cỏ cũng có cái Tánh Giác “biết”. Ngay cả vật chất cũng vậy, như các hạt electrons “biết” chuyển động quay tròn chung quanh một Nhân để sinh ra một nguyên tử vật chất; một tế bào trứng đơn độc (egg cell) với bộ “Gene” chứa phân tử DNA,  “biết” cấu trúc tạo ra một cơ thể  người, động vật hay thực vật với đầy đủ các cơ quan tinh vi có chức năng riêng biệt. Những sự kiện này thật là Diệu, tuy nhiên đó là do bàn tay của Nghiệp lực nắn tạo ra. Còn cái Minh của chúng sinh  thông qua sáu căn rồi mới Minh, thì cái Minh này không còn Minh nữa mà đã bị điên đảo. Chẳng hạn như Ánh Sáng Mặt Trời ( giả dụ cho cái Ánh Rõ Bát Nhã) có đầy đủ năng lực, nhưng đã chạm vào Mặt Trăng ( giả dụ cho Thân Tâm chúng sinh), rồi Mặt Trăng phản chiếu về Trái Đất, thì cái Ánh sáng của Mặt Trăng này hết năng lực, không còn có thể mồi để lấy Lửa được nữa, bị mê mờ vì Nghiệp chướng, vọng tưởng che phủ ,cho nên cái MINH của cành lá hay ngọn TÂM bị mù tối vẫn đục. Bởi vì từ Mặt Trăng nhìn về Trái Đất hay từ Thân Tâm chúng sinh nhìn ra Sự Vật qua 6 căn ( thấy nghe hiểu biết xúc chạm…) rồi mới Minh thì Ánh Sáng “Minh” này đã  đi qua cái “Thấu Kính Nghiệp” của từng loài chúng sinh nên đã bị “Khúc Xạ” theo Nghiệp, và “nhìn ra” cái Ngọn Tâm, chứ không “nhìn ngược về” cái Gốc Tâm, nên cái nhìn này bị méo mó, sai lệch, điên đảo, xa  rời Chân Lý. Muốn trở về cái Gốc Tâm, thì không “nhìn ra” Sự Vật của Thế Gian nữa, tức là không “nhìn xuôi” theo Nghiệp Thức  với cái “Thấu Kính Nghiệp”  là cái nhìn của Lục Căn ra Lục Trần, cái nhìn theo chiều của Ánh Sáng từ Mặt Trăng về Trái Đất hay theo chiều của Thân Tâm “nhìn ra” Sự Vật của Thế Gian; mà nhìn “ngược trở lại”, tức “nhìn vào” Thân Tâm chính mình để phăng tìm cái Ánh Sáng từ Mặt Trời chiếu về Mặt Trăng, hay cái Ánh Rõ của Bát Nhã chiếu vào Thân Tâm để nhận ra Tự Tánh. Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã chỉ cái “nhìn vào” này:  “Trực chỉ Nhân Tâm, kiến Tánh thành Phật”.

         Vì chỉ “nhìn xuôi” theo Nghiệp Thức, tức “nhìn ra” cái Ngọn Tâm, nên cái Minh của TÂM chúng sinh với cái “Tánh Giác Diệu Minh” trong lục đạo luân hồi bị bức màn Vô Minh làm cho điên đảo nên không còn MINH nữa, do đó không thấy được sự thật hay Chân Lý. Nghiệp báo ,nhân quả ,vọng tưởng làm cho TÂM mê mà sinh ra thế giới tức Y Báo và chúng sinh mọi loài tức là CHÁNH BÁO.

         Chúng sinh “người” mang cặp mắt kính nghiệp “người ” sống trong Y Báo: “thế giới loài Người” thì thấy và hiểu biết theo “ thức nghiệp người”. Chúng sanh loài “thú” mang cặp kính nghiệp “thú” sống trong Y Báo : “thế giới loài thú” thì thấy và hiểu theo “thức nghiệp thú”. Chừng nào cởi bỏ hết Cặp Kính Nghiệp Vô Minh, không nhìn ra cái ngọn nữa mà nhìn ngược trở lại cái Gốc trở về cái “CHÂN TÂM” trong sáng ( tức Ánh Sáng Mặt Trời, hay cái Ánh Rõ Bát Nhã) thì mới thấy được Sự Thật hay Chân Lý. 

Như vậy TÂM mê thì sanh ra thế giới vạn hữu ,TÂM  ngộ thì trở về TÁNH hay BÁT NHÃ.  Ngộ nhập BÁT NHÃ thì vạn hữu biến mất ,ngay cả nguồn TÂM  cũng biến mất nhập vào TÁNH thành PHI TÂM . 

                                     “Mộng lý minh minh hữu lục thú

                                      Giác hậu không không vô đại thiên”.      

                                                       (Thiền Sư Huyền Giác). 

                                      (Trong mộng lao xao bày sáu nẻo

                                      Tỉnh ra bằng bặt chẳng ba nghìn).

         TÁNH và TÂM liên đới không rời ,những gì TÂM làm ra thì cũng giống như TÁNH làm ra .TÁNH  hay Ma Ha Bát Nhã sinh ra vạn pháp thì vẫn uy nghi bất động ,vẫn tự đầy đủ, sanh ra mà như không sanh tức “Huyễn sanh”. Còn TÂM sinh ra vạn pháp thì tăng giảm lớn nhỏ, biến dịch, sinh diệt giống như là “Mẹ sanh”. Xét  cho cùng thì thật ra TÂM cũng không có ,chỉ là cái Bóng của TÁNH. TÂM đã không thì thế nào lại còn hỏi TÂM sanh hay TÁNH sanh ? Tuy nhiên về mặt Dụng của pháp thế gian thì xem như Tâm sanh. Còn về mặt Thể của pháp Tánh thì xem như Tánh sanh, nhưng sanh mà không sanh, tức vô sanh. Vì “ Tự Tánh vốn tự thanh tịnh nhưng hay sanh muôn pháp”. Như vậy mới đầy đủ cái năng lực của Tự Tánh bao gồm cả hai mặt Thể và Dụng như một cái Thân có đủ hai cánh tay Mặt và Trái: Chân Không và Diệu Hữu.

         *Sự khám phá đường TÂM đến tận Gốc hay Chân Tâm là trở về cái Ánh Rõ do Bát Nhã hay Tự Tánh chiếu ra .Đi tuyệt cùng đường Tâm cho tới tận Gốc là Chân Tâm là đang tới cửa BÁT NHÃ, cửa NIẾT BÀN ,cửa TỰ TÁNH ,cửa TÁNH, cửa Vô Vi hay cửa Không .Còn một bước nhảy vọt qua cửa  hay đầu sào trăm trượng là vào đất Như Lai ,ngộ nhập BÁT NHÃ ,thấy được TỰ TÁNH.  

                                     “Tranh tự Vô Vi Thực Tướng môn,

                                       Nhất siêu trực nhập Như Lai Địa”.

         Sở dĩ gọi là cửa Không  vì trong đó phi Tâm , phi Phật ,phi vật, phi phàm, là  cái “Rỗng Thênh Không Thánh” mà Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã khai thị cho Vua Lương Võ Đế . Thật tội nghiệp cho Lương Võ Đế ngơ ngác không hiểu gì cả ,còn các Thiền Tăng khắp nơi nhảy không qua cửa nầy bị Tổ Bồ Đề Đạt Ma cho một đao chết tươi. Lương Võ Đế thường đắp cà sa giảng kinh Phóng Quang Bát Nhã cảm được Hoa Trời .Nhà vua ra chiếu cho dân chúng, cất chùa độ Tăng ,hiển đạo thờ Phật ,y Kinh tu hành người đời còn gọi là Phật Tâm Thiên Tử .Võ Đế thường cùng các Cao Tăng ,thái tử Chiêu Minh luận bàn về chân đế ,tục đế như Kinh nói: Chân đế để rõ phi hữu ,tục đế để rõ phi vô ,chân tục không hai tức là Thánh Đế Đệ Nhất Nghĩa”. Đây là chỗ cực diệu cùng huyền của giáo lý, dám đem ra để thách đố hỏi Tổ: “Thế nào là Thánh Đế Đệ Nhất Nghĩa”. Tổ cũng lòng từ bi vô hạn trả lời đến chỗ tột cùng tột lý để khai thị: “Rỗng Thênh Không Thánh”. Ngay trong câu nầy mà Võ Đế thấu được thì đã ngồi trong căn nhà BÁT NHÃ rồi: “ Nhất cú liễu nhiên siêu bách ức”. Vua đã điên đảo bối rối chưa tỉnh lại còn chấp nhân ngã hỏi lại: “Đối Trẫm là ai ?”. Tổ thật tâm lão bà quá lớn, kiên nhẫn khai  thị một lần nữa. Tổ nói: “Chẳng biết”.

         Võ Đế sững sốt hoàn toàn, không biết đâu là manh mối, lời khai thị ngắn gọn cũng là chỗ tột cùng rốt ráo. Tiếc thay Võ Đế chết đứng nơi ấy đến nỗi Hòa Thượng NGHĨA ĐOÀN phải làm bài tụng tiếc dùm cho Lương Võ Đế.

                                     “Nhất tiễn tầm thường, lạc nhất điêu,

                                       Cánh gia nhất tiễn, dĩ tương thiêu

                                       Trực qui Thiếu thất, phong tiền tọa,

                                       Lương chúa, hưu ngôn, cánh khứ chiêu”.

                                      (Tầm thường một mũi, lạc chim điêu,

                                       Mũi nữa bồi thêm, đốt cháy tiêu.

                                       Trực chỉ Thiếu m, ngồi vách đá,

                                       Vua Lương thôi chớ, thỉnh cùng kêu).

         *Cái cửa “Không” Rỗng Thênh Không Thánh ấy thay vì khai thị bằng lời như Tổ Bồ Đề Đạt Ma ,Thiền Sư Diệp Huyện Quy Tỉnh dùng vật giống như Thế Tôn dùng Cành Hoa Sen để chỉ cái Ánh Rõ của Bát Nhã. Thiền Sư khai thị cho vị tăng chỉ giọt mưa rơi trên thềm nhà làm yếu chỉ để chỉ cái rốt ráo của đường Tâm qua cái Ánh Rõ của giọt mưa rơi làm cho vị tăng hoát nhiên đốn ngộ nhận ra Bát Nhã và thốt lên bài kệ: 

                                     “Thiềm đầu thủy đích

                                       Phân minh lịch lịch

                                       Đả phá Càn Khôn

                                       Đương hạ Tâm tức”.

                                      (Giọt mưa trên thềm

                                      Rõ ràng rành rẽ 

                                      Đập nát Càn Khôn

                                      Liền đó Tâm dứt).

         Ngộ nhập Bát Nhã tức thời Càn Khôn vũ trụ hiện tượng đều sụp đổ, cả nguồn Tâm cũng biến mất . 

         - Sở dĩ cái cửa “Không” đó cũng gọi là cửa “Vô Vi” như Thiền Sư Huyền Giác đã chỉ, vì “Vô Vi” ở đây là cái Diệu Vô hay cái “Vô” vi diệu vượt trên cả Hữu và Vô ,cái Rỗng suốt mà vi diệu .Ngài Huyền Giác đã học cái tuyệt cùng của Vô Vi tức cái Rõ ,cái ánh sáng của Bát Nhã chiếu ra và Ngài đã chứng quả trở thành một Đạo Sư nhàn hạ.  

                                     “Tuyệt học VÔ VI nhàn đạo nhân

                                       Bất trừ vọng tưởng bất cầu chân

                                       Vô Minh thực Tánh tức Phật Tánh

                                       Ảo hóa không thân tức Pháp Thân” .

         Vô Vi ở đây là Vô Vi của Phật pháp , khác với Vô Vi của Ngoại đạo, cũng khác với Vô Vi của Lão tử.

         * Đối với Lão Tử hành động của Đạo được diễn tả bằng “Vô Vi” là không làm nhưng vì thế không có một việc gì phải bỏ qua: “Bất hành nhi hành”.

         Tự nhiên Vô Vi, tự nhiên không làm gì cả làm tôn chỉ của Đạo .Còn cái Tâm của Lão Tử không phải là Tâm nhân nghĩa của Nho giáo ,không phải là cái Tâm trục lợi của Pháp gia cũng không phải là Chân Tâm hay Tâm Tánh của nhà Phật ,mà là “Hư Tâm” .Cái gọi là “Hư Kỳ Tâm” là khử tri, khử dục. Vô tri thì không sanh ra lừa dối khéo léo .Vô dục thì không sinh ra tranh giành dục vọng cầu lợi .Đó là phương pháp làm cho Tâm bất loạn. 

         Như vậy, “Hư Tâm” của Lão Tử không phải là con đường rốt ráo  đi đến cửa “Vô Vi” theo ý nghĩa nhà Phật là giải thoát sanh tử mà chỉ là an dân, ổn định xã hội dành cho quốc gia nhỏ bé ít dân.

         Còn “Vô Vi” của Lão Tử  trên phương diện nhập thế chỉ áp dụng cho những quốc gia nhỏ , dân chúng sống đơn giản về vật chất giống như những bộ lạc ít dân như trước đời nhà Chu ,Trung Quốc có hàng vạn chư hầu gọi Hậu. Ngay thời Lão Tử , từ nhà Chu thế kỷ thứ 6 trước Tây lịch, các Hậu cũng đã thống nhất dần thành quốc gia lớn hơn có vài trăm nước ,đến đời Tần chỉ còn 7 nước và nhà Hán thống nhất thiên hạ còn lại duy nhất một Đại Quốc .Sách lược trị quốc bằng “Vô Vi”của Lão Tử chủ trương thành lập những quốc gia nhỏ bé ít dân, không trọng dụng nhân tài ,không chuộng món hàng quý để “Hư cái Tâm” ấy, khiến cho người dân không còn lòng tham để dễ trị nước .Điều nầy rất khó áp dụng vì Trung Quốc đã trở thành quốc gia lớn đông dân, không thực tế bằng Nho giáo.

         Kể từ đời hậu Hán (năm  147-167) Trương Đạo Lăng lấy Đạo Đức Kinh của Lão Tử pha trộn với thuyết thần quái của các phương sĩ thời Lưỡng Hán cùng với Hư Vô chủ nghĩa và Phá Hoại chủ nghĩa của Lão Tử lên núi Hộc Minh Sơn làm ra  Bộ Đạo Thư 24 thiên lập ra Đạo giáo tôn Lão Tử lên làm Tổ với cái tên Thái Thượng Lão Quân .Con cháu là Trương Hoành, Trương Lỗ ,Trương Thịnh tiếp tục  phát triển  Đạo giáo cho đến ngày nay.

         * Thật ra người sau không hiểu triết lý về “Đạo” của Lão Tử lại thêm nhiều tư tưởng khác lạ, làm cho triết lý  “Đạo” của Lão Tử  bị lu mờ và lạc lỏng .

         Trong tam giáo đồng nguyên Phật Khổng Lão ,phạm trù “Đạo” của Lão Tử đã hòa quyện cộng sinh trong Phật giáo và Nho giáo .Chính Phật giáo cũng mượn phạm trù “Đạo” của Lão Tử xem như đồng nghĩa với Phật pháp , khi giác ngộ giải thoát người ta cũng nói là thấy Đạo, đạt Đạo  ,chứng Đạo .

Phạm trù “Đạo” của Lão giáo có thể so sánh với phạm trù Bát Nhã, Chân Như hay Như Lai Tạng của Phật giáo.

         Lão Tử  bác bỏ Thượng Đế , ông cho Đạo là trên hết ,là sự thật duy nhất ,là nơi phát xuất của thế giới vạn hữu . “Sự thật cuối cùng nầy” được Lão Tử - vì không tìm được danh từ tương ưng - tạm gọi là “Đạo”:  

                                     “Đạo khả Đạo - phi thường Đạo ,

                                       Danh khả Danh - phi thường Danh”.

                                      (Đạo mà ta có thể gọi được, không phải là Đạo thường còn,

                                       Danh mà ta có thể gọi được, không phải là Danh thường còn).

Lão Tử chỉ để lại một quyển “Đạo Đức Kinh” với 5000 chữ ,quá ít so với Kinh Tạng đồ sộ của Đức Phật .Tuy nhiên phạm trù “ĐẠO” của Lão Tử có ý nghĩa sâu sắc ,Phật giáo cũng mượn từ nầy để diễn đạt Phật pháp .

         Có một vị quan hỏi Thiền Sư Bổn Tịnh :

         -Phật và Đạo nghĩa ấy thế nào ?

         Sư bảo :

         -Nếu muốn cầu Phật: tức Tâm là PHẬT .Nếu muốn hội Đạo: không Tâm là ĐẠO.

         Một vị tăng khác hỏi Thiền Sư Bổn Tịnh về “ĐẠO” :

         -Phật với ĐẠO đều là giả danh ,12 phần giáo cũng chẳng phải thật vì sao các hàng Tôn Túc từ xưa đều nói có tu ,có ĐẠO?

         Sư đáp :

         -Đại Đức lầm hội ý Kinh; Đạo vốn không tu Đại Đức cưỡng tu, Đạo vốn không tác Đại Đức cưỡng tác, Đạo vốn không sự  Đại Đức cưỡng sanh đa sự, Đạo vốn không biết  ở trong ấy cưỡng biết ,thấy hiểu như thế cùng Đạo trái nhau .Tôn Túc từ xưa không như thế, tự Đại Đức không hội, xin suy gẫm lại.

         Như vậy phạm trù “ĐẠO” của Lão Tử có ý nghĩa tương đương phạm trù “Bát Nhã” trong Phật pháp. Và từ “Đạo” đã thấm sâu vào trong máu của Phật pháp hòa làm một ,và Phật pháp cũng soi sáng triết lý “ĐẠO” của Lão Tử thêm phần phong phú.

         Lão Tử cho Đạo là “Mẹ nhiệm mầu” là huyền tẩn của vạn vật ,là nguồn gốc của tất cả hiện hữu và “Đạo” cũng là nơi vạn vật quy tụ .“ĐẠO” không thể nhìn bằng mắt ,nghe bằng tai, nó là cái hình trạng của cái không hình trạng . Xem mà không thấy nên gọi là DI ,lắng mà không nghe nên gọi là HI ,bắt mà không nắm được nên gọi là VI .Ba cái DI, HI, VI không thể tách rời vì nó hỗn hợp làm một.

         Trong quá trình tạo hóa muôn loài LÃO TỬ nói : ĐẠO sanh nhất , nhất sanh nhị , nhị sanh tam ,tam sinh ra vạn vật . “ĐẠO” tương đương với BÁT NHÃ hay còn gọi là TÁNH, nhất nhị tam có thể xem tương đương với TÂM của Phật pháp.

Cái gọi là “Nhất” là trạng thái hỗn mang chưa phân ra ranh giới trước khi vật chất hình thành ,từ “Nhất” sinh ra “Nhị” tức là sanh ra Trời Đất âm dương ,Trời Đất âm dương giao hòa sanh ra “Tam” ,tức xung khí .Sau đó mới sinh ra vạn vật ,Đạo trở thành bản nguyên của vạn vật .

         ĐẠO tuy không thấy ,không nắm bắt được nhưng sự tồn tại của nó là xác thực. Để mô tả tính thực tồn của “ĐẠO”, Lão Tử viết :Đạo chi vi vật ,duy hoảng duy hốt ,hốt hề hoảng hề ,kì trung hữu tượng. Hoảng hề hốt hề , kì trung hữu vật ,yểu hề minh hề, kì trung hữu tinh, kì tinh thậm chân , kì trung hữu tín , tự cổ cập kim, kì danh bất khứ, dĩ duyệt chúng phủ. Ngô hà dĩ tri chúng phủ ,chi trang tai. Dĩ thử.”

(Đạo là cái gì mờ ảo ,chợt bừng tỉnh mường tượng ra thì nó hiện ra hình bóng, chợt suy nghĩ ra thì nó giống như một vật .Nó e ấp kín đáo bên trong chứa đựng cái tinh hoa hoàn mỹ .Cái tinh hoa kỳ diệu của nó rất chân thật .Trong đó chứa  đựng niềm tin cho đến bây giờ .Tên của nó còn nguyên vẹn như xưa .Có trải qua nhiều thì mới biết được ,ta không làm sao lấy sự hiểu biết để diễn tả được ,đành phải vậy thôi).

         Để mô tả ĐẠO và khái niệm Hữu Vô, Lão Tử viết :

         Vô danh thiên địa chi thủy, hữu danh vạn vật chi mẫu ,cố “Thường Vô” dục dĩ quan kỳ diệu .  “Thường Hữu” dục dĩ quan kỳ kiếu , thử lưỡng giả đồng xuất nhị dị danh, đồng vị chi huyền ,huyền chi hựu huyền ,chúng diệu chi môn”. (Cái gọi là “” là khởi thủy của Trời Đất ,cái gọi là “Hữu” là mẹ của vạn vật ,vì cái “Thường Vô” là muốn thấy cái kỳ diệu của nó ,cái “Thường Hữu” là muốn thấy cái phạm vi của nó .Hai cái nầy cùng xuất hiện ,nhưng lại khác tên gọi .Hai cái đồng là huyền hoặc cả . Hai cái đã huyền hoặc lại thêm huyền hoặc ,nhưng lại là nơi xuất phát của những điều kỳ diệu).

Quan niệm HỮU VÔ của Lão Tử cũng đi gần với Phật giáo . Hữu cũng đều cùng xuất hiện nhưng lại khác tên gọi , cái “Vô” là để chỉ cái khởi thủy của Trời Đất : “thiên địa chi thủy”.Cái “Hữu” là chỉ mẹ của vạn vật: “vạn vật chi mẫu” .Đạo là sự thống nhất của HỮU và VÔ .Nó tồn tại u ẩn vô hình là cái  trạng thái không có trạng thái: “vô trạng chi trạng” . Đã huyền hoặc lại thêm huyền hoặc : “huyền chi hựu huyền”. Là cái bí hiểm không thể nhận ra bằng giác quan của con người cho nên có thể giọi là “VÔ”. Đạo tuy huyền bí nhưng bên trong lại có hình ảnh:  “kì trung hữu tượng”,  cũng có vật chất :“kì trung hữu vật” ,có chứa đựng cái tinh hoa hoàn mỹ: “kì trung hữu tinh” và cái tinh hoa kỳ diệu của nó rất chân thực : “kì tinh thậm chân” cho nên cũng có thể gọi là “HỮU”. Hữu và Vô là hai mặt đối lập trong “ĐẠO” về mặt hình tướng ,tuy nhiên cùng thống nhất trong ĐẠO và không thể tách rời như hình với bóng .(Phỏng theo Triết Học Phương Đông  của Trương Lập Văn).

Hữu và Vô của Lão Tử cũng giống như SẮC và KHÔNG hay TÂM và TÁNH trong hệ thống BÁT NHà trong Phật pháp. Phạm trù “Đạo” của Lão Tử đi gần sát với “BÁT NHÔ trong Phật pháp, tuy nhiên chưa đi đến rốt ráo như BÁT NHà vì bên trong “ĐẠO” của Lão Tử còn có hình bóng:“kì trung hữu tượng”,còn có vật: “kì trung hữu vật”.Trong khi Bát Nhã hay Tự Tánh hay Tánh trong Phật pháp thì “Bổn lai vô nhất vật”: không có một vật.

                                     “Phi sắc phi tâm phi hạnh nghiệp

                                       Đàn chỉ viên thành bát vạn môn”.

         Bát Nhã hay Tự Tánh hay Chân Như hay Niết Bàn hoàn toàn “Rỗng  Thênh Không Thánh” và chỉ một cái búng tay, một sát na hay một tia điện chớp là các Chư Tổ hay các Thiền Sư chứng “ĐẠO” từ cái cửa Không của Thiền Sư Huệ Khai hay cái “Vô Vi” của Thiền Sư Huyền Giác để vào căn nhà BÁT NHÃ .

Con đường “Vô Vi” -“bất hành nhi hành”- không làm nhưng không gì mà chẳng làm của Lão Tử còn có vật ,còn chướng ngại cho nên chưa rốt ráo để đạt đến Chân Lý Giải Thoát. Hậu thế  biến cái “ĐẠO” của Ông sau nầy thành tu Tiên hay Thiên Đạo ,hoặc tu để được trường sanh bất lão , hoán vũ đăng Tiên, cầu cơ xuất hồn với nhiều pháp thuật lạ kỳ.

          Tóm lại Lão Tử, Trang Tử đắm đuối lẽ “Không” tức “Vô Vi”; Khổng Tử , Mặc Tử lại câu chấp vào lẽ  “Có” tức “Hữu Vi”; trong khi đó Phật Pháp lại chẳng kể “Có” hay “Không”, Sắc hay là Không, “Vô Vi” hay là “Hữu Vi”: 

                                     “Sắc thị Không, Không tức  Sắc

                                      Không thị Sắc ,Sắc tức Không

                                      Sắc Không câu bất quản

                                       Phương khế đắc Chân Tông”. ( Ỷ Lan ).

          Bồ Tát Long Thọ,Tổ Thiền Tông thứ 14 cũng bác bỏ luôn cả “Hữu Vi” và  “Vô Vi”. Ngài luận giải : Không có tướng sanh trụ diệt ,do đó không có pháp Hữu Vi. Pháp Hữu Vi đã không có làm sao có pháp Vô Vi để đối đãi với Hữu Vi?

          Tổ Long Thọ nói : không có tướng sinh hay pháp sinh.

                                     “Sinh phi sinh dĩ sinh

                                      Diệc phi dị sinh sinh

                                      Sinh thời diệc bất sinh”.

          Nghĩa là : Tướng sinh chẳng phải sinh rồi mà sinh,cũng không phải chưa sinh mà sinh , khi đang sinh cũng không sinh.

          Ngài nói tiếp :

                                     “Nhược pháp chúng duyên sinh

                                      Tức thị tịch diệt tướng

                                      Thị cố sinh sinh thời

                                      Thị nhị câu tịch diệt”.

          Nghĩa là :Mọi pháp duyên sinh đều tịch diệt, tức không có tự tính, tức Tánh Không . Vì thế sinh khởi và đang sinh khởi, cả hai đều tịch diệt, cho nên không thể nói đang sinh là có sinh . Cũng không có tướng trụ hay pháp trụ.

          Ngài nói: 

                                     “Bất trụ pháp bất trụ

                                       Trụ pháp diệc bất trụ

                                       Trụ thời diệc bất trụ

                                       Vô sinh khứ hà trụ”.

          Nghĩa là :

                                      (Pháp không trụ thời không trụ

                                      Pháp trụ cũng không trụ

                                      Pháp đang trụ cũng không trụ

                                      Vì  không sinh làm sao có trụ).

          Cuối cùng cũng không có tướng diệt hay pháp diệt.

          Ngài nói :

                                     “Pháp bất tự tướng diệt

                                       Tha tướng diệc bất diệt

                                       Như tự tướng bất sinh

                                       Tha tướng diệc bất sinh”.

Nghĩa là :

                                      (Pháp không tự tướng diệt

                                       Cũng không do tướng khác diệt

                                       Giống như tự tướng không tự sinh

                                       Tha tướng cũng không sinh).

          Và Tổ kết luận:

                                     “Sinh trụ diệt bất thành

                                       Cố vô hữu Hữu Vi

                                       Hữu Vi bất vô cố

                                       Hà đắc hữu Vô Vi”?

          Nghĩa là :

                                     (Tướng sinh ,trụ, diệt không có

                                      Nên không có pháp Hữu Vi

                                      Pháp Hữu Vi không có  

                                      Sao có pháp Vô Vi)?

         Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật có nói đến pháp Hữu Vi và Vô Vi như sau:

                                      “Nơi Chân Tánh, Hữu Vi là không

                                        Vì duyên sinh nên giống như huyễn

                                        Vô Vi thời không sanh không diệt

                                        Chẳng thật như hoa đốm giữa Hư Không

                                        Nói cái Vọng để tỏ cái Chân

                                        Vọng Chân ấy cả hai đều Vọng”.   

          Theo chân đế ,vì duyên sinh nên các pháp Hữu Vi không có thật, như các trò huyễn thuật “Vô Vi” chỉ đối với Hữu Vi mà thành lập .Hữu Vi đã không có thì Vô Vi cũng không có .Khi nói Hữu Vi là Vọng là để chứng tỏ Vô Vi là Chân. Vọng và Chân ấy cả hai đều là Vọng .Vì Vọng Chân ấy vẫn nằm trong Nhị Nguyên đối đãi.

 

Trong khi đó chữ “ trong Phật giáo vượt trên Nhất Nguyên ,là cái “MỘT” cùng tột ,cũng là cái “Không” cùng tột .Chữ “Vô” của Phật giáo vượt lên khỏi cái “Vô Vi” của Lão Trang và cái “Hữu  Vi” của Khổng Mạnh. Trong Chứng Đạo Ca, Thiền Sư Huyền Giác đã học cái tột cùng của “Vô Vi” mà chứng “Đạo”: “Tuyệt học Vô Vi nhàn đạo nhân” .  “Vô Vi” của Thiền Sư Huyền Giác là “Vô” mà vi diệu, là cái Không rốt ráo: Rỗng mà linh ,Không mà diệu, phi nhân ,phi Phật ,phi vật,phi phàm:

                                     “Liễu liễu kiến vô nhất vật

                                       Diệc vô nhân diệc vô Phật

                                       Đại thiên sa giới hải trung âu

                                       Nhất thiết thánh hiền như điện phất”.

                                      (Ngộ rồi thấy  không  có một vật,

                                      Cũng không người cũng không Phật,

                                      Đại thiên thế giới như bọt nước lao xao bể tan nát

                                      trở về Hư Không. Tất cả thánh hiền như làn điện chớp

                                      xảy ra trong một sát na  rồi cũng mất về Không).

           Cái cửa “VÔ VI” của Thiền Sư Huyền Giác cũng là cái cửa “VÔ” của Thiền Sư Triệu Châu hay cái “ Cửa không Cửa ” Vô Môn Quan của Thiền Sư Huệ Khai. 

          Tham cứu cái cùng tột là cái “VÔ VI” cũng là đi mút đầu nguồn Tâm nhảy qua đầu sào trăm trượng của Thiền Sư Cảnh Sầm ngộ nhập căn nhà Bát Nhã . 

          Cái cửa “VÔ” vi diệu đó là cái “Rỗng Thênh Không Thánh”  mà Tổ Sư Đạt Ma đã khai thị cho Lương Võ Đế, hay cái “Bổn lai vô nhất vật” của Lục Tổ Huệ Năng ,cũng là cái cửa Ca Diếp: “niêm hoa vi tiếu”  mà Đức Phật khai thị cho Tổ Ca Diếp ở Pháp hội Linh Sơn.

          Cái cửa ‘VÔ” đó rõ ràng là cái cùng huyền ,cực lý vi diệu là chỗ chứng ngộ của  biết bao nhiêu Thiền Sư ngoại hạng như: Lâm Tế, Mã Tổ,Hoàng Bá,Hoài Nhượng ,Đơn Hà,Tông Nhất ,Quế Sâm ,Văn Ích ,Đạo Giai, Bổn Tịnh ,Đức Sơn ,Triệu Châu, Cảnh Sầm ,Đại Huệ …v…v… 

                                     “Đệ nhất Ca Diếp thủ truyền đăng

                                       Nhị thập bát đại Tây thiên ký

                                       Pháp đông du ,nhập thử thổ

                                      Bồ Đề Đạt Ma vi Sơ Tổ

                                       Lục đại truyền y thiên hạ văn

                                       Hậu nhân đắc đạo hà cùng số”.

                                      (Thoạt tiên Ca Diếp đèn Tâm truyền

                                       Hăm tám đời Tổ Sư Tây thiên

                                       Pháp sang Đông vào Trung thổ

                                       Bồ Đề Đạt Ma là Sơ Tổ

                                       Sáu đời y bát thiên hạ nghe

                                       Người sau đắc đạo nhiều vô số).

          Người sau đắc đạo nhiều vô số vì đã bước đi đúng vào dấu chân của Phật ,của Tổ mà đi ,không đi theo dấu vết tà ma ngoại đạo .Độc hành độc bộ mà đi và đi với chánh pháp : 

                                     “Thường độc hành , thường độc bộ

                                       Đạt giả đồng du, Niết Bàn lộ”.

          Phải mồi lửa đuốc trí tuệ của Phật của Tổ để soi đường dẫn lối .Đi với cái Tâm “Không” tương ứng với cái Cửa Không Bát Nhã mà Ngài Huyền Giác đã chứng ngộ ,hay cái Cửa Vô của Triệu Châu đã khai ngộ cho biết bao nhiêu thiền sinh đi đến bờ giác như Ngài đã từng nói :

          “Các ngươi cứ tham cái “Không” vi diệu nầy trong 5 năm, 10 năm, 20 năm, 30 năm nếu không ngộ sẽ chặt cái đầu ta.

         Bàng Long Uẩn trước khi ngộ và sau khi ngộ vẫn sống với cái Không vi diệu nầy , Ngài vịnh thơ về cái Không :  

                                      “Lão Bàng không cần gì  trong thế gian

                                        Tất cả đều không ,một chỗ ngồi cũng không

                                        Cái không rốt ráo ngự trong nhà ông

                                        Không tất cả vì không tài sản

                                        Khi Mặt Trời lên ông đi trong không

                                        Khi Mặt Trời lặn ông ngủ trong không

                                        Ngồi trong không ca bài ca không

                                        Vài bài ca không vang dội trong không

                                        Đừng kinh ngạc vì cái không rất không

                                        Vì cái không là chỗ ngồi của Chư Phật

                                        Nếu bảo rằng không có không

                                         Tức là hủy báng Chư  Phật”.

         Long Thọ, Tổ Tây Trúc thứ 14 trong “Luận Đại Trí Độ” có nói:

          “ Niết Bàn thành hữu tam môn sở vị : Vô ,Vô Tướng ,Vô Tác”.

          Nghĩa là thành Niết Bàn có 3 cửa : cửa Vô, cửa Vô Tướng ,cửa Vô Tác. Cũng nói tới cái cửa Không vi diệu đó.

          Trong khi Chư  Phật, Chư Tổ và Thiền Sư chú ý tới cái Không, trân trọng nó, sống chết với nó để khám phá Chân Lý, thì phàm phu lại chê bai, bỏ rơi nó. Ngay đến những nhà Bác Học không gian cũng chỉ khám phá cái Không Gian -Space, còn cái Hư Không Rỗng Rang -Emptiness lại bị họ bỏ qua. Ở đây nên phân biệt cái Không Gian-Space và cái Hư Không Rỗng Rang-Emptiness mà thường khi gọi lầm lẫn Không Gian Hư Không hoặc Hư KhôngKhông Gian hoặc đồng hóa Hư KhôngKhông Gian là một. Thí dụ có 2 vụ nổ Big Bang ở 2 “Dị Điểm” (singular point) cách nhau rất xa . Dị Điểm A nổ trước, cách đây 15 tỷ năm sinh ra vũ trụ A và hiện thời ở thời điểm năm 2010 bành trướng ra rộng tới 15 ngàn tỷ tỷ tỷ kilômét khối. “Dị Điểm” B nổ sau, cách đây 1 tỷ năm sinh ra vũ trụ B và hiện thời ở thời điểm năm 2010 nở rộng ra được 1 ngàn tỷ tỷ tỷ kilômét khối. Hai Không Gian AB của 2 vũ trụ này mới đầu bằng hạt bụi vô cùng nhỏ, giãn nở lớn ra nhanh chóng như hiện tại và còn bành trướng ra đến vô biên và A lớn hơn B (A>B). 

Không Gian A có màu xanh lơ ( blue), nhiệt độ lạnh, ánh sáng truyền đi với vận tốc  300.000 kilômét/giây. Không gian B có màu hồng nhạt (rose), nhiệt độ nóng, ánh sáng truyền đi với vận tốc 100.000 kilômét/giây. Các Không Gian AB khác nhau về vị trí, kích thước, đặc tính vì vật chất cấu tạo nên 2 vũ trụ A và B khác nhau về nồng độ đậm đặc, lực hút, từ trường, điện trường, bức xạ..v..v…Như vậy, Không gian thì có giới hạn lớn nhỏ tăng giảm, di động ,có sinh diệt, có đặc tính riêng biệt và tùy thuộc vào sự vật. Trong khi đó, cái “Hư Không Rỗng Rang-Emptiness” chứa cả 2 vũ trụ và 2 Không Gian AB thì trống rỗng, bất động, bình đẳng, không tăng giảm lớn nhỏ, không sinh diệt và trùm khắp. Các nhà Bác Học không gian chỉ nghiên cứu trên cái “Sự Vật” mà không nghiên cứu trên cái “ Phi Sự Vật”, họ chỉ quan sát trên cái “Tướng” mà không quan sát trên cái “ Vô Tướng” nên bị mất hết một con mắt, chỉ nhìn bằng con mắt “Hữu” bị chướng ngại, còn con mắt “” không chướng ngại thì bị mù, giống như người mù sờ voi nên chẳng bao giờ đạt được  Chân Lý. Các nhà Bác Học của thế gian có thể đúng, hoặc có thể tìm ra một góc cạnh nào đó của Chân Lý, nhưng chỉ đúng theo “Nghiệp thức của chúng sanh Người”  còn đối với “Nghiệp thức của chúng sanh loài khác” thì lại sai, hoặc đối với Chân Lý thực sự thì lại sai. Cho nên cái tri thức của thế gian là tri thức theo Nghiệp Tướng, cục bộ nếu không muốn nói là điên đảo. Thí dụ như trong giấc chiêm bao, thế giới loài Người hiện ra với đầy đủ nhà cửa, cầu đường, núi sông , Mặt Trời ,Mặt Trăng, và Hư Không. Các nhà Bác Học trong thế giới chiêm bao dù có dùng kính hiển vi  hay ống kính thiên văn cực kỳ tối tân cũng chỉ nhìn thấy những sự vật giả tạo – chỉ là cái Bóng của Thân Tâm đang nằm ngủ mê trên giường biến chiếu ra. Họ không thể nào nhìn thấy được cái Thân Thật đang nằm trên giường mà trong giấc mộng là Hư Không Rỗng Rang, bởi vì họ chỉ dùng con mắt Hữu Tướng của thế gian mộng – con mắt Nghiệp trong Nghiệp Mộng. Có thể nói các nhà Bác Học đang “ mò Trăng đáy nước” cho nên không thể nào thấy được Mặt Trăng thật mà chỉ thấy Bóng Trăng thôi.  

                                       “Tác hữu trần sa hữu

                                         Vi không nhất thiết không ,

                                         Hữu không như thủy nguyệt,

                                         Vật trước hữu không không”.(Thiền Sư Đạo Hạnh-VN).

                                       (Có thì có tự mảy may

                                        Không thì cả thế gian này cũng không

                                        Vừng trăng vằng vặc in sông

                                        Chắc chi có có, không không mơ màng).

          Tại sao con mắt Hữu Tướng của thế gian lại điên đảo và bị giới hạn không thể thấy Chân Lý? Bởi vì sự hiện hữu của chúng sanh là do Nghiệp. Nghiệp sanh ra Chánh Báo là loài chúng sanh và Y Báo là thế giới của loài chúng sanh đó sinh sống. Chính Nghiệp Thức che đậy Chân Lý, ngay cái Chân Lý Khoa Học của thế gian hay cái tri thức tuyệt vời của thế gian cũng do Nghiệp mà ra. Cái vũ trụ với những định luật khoa học xem như bất biến mà các nhà Bác Học của thế gian khám phá ra được cũng do bàn tay của Nghiệp Lực nắn tạo ra. Cõi Người nghiệp lực khác, cõi A Tu La nghiệp lực khác, cõi Trời nghiệp lực khác, cõi ngạ quỷ nghiệp lực khác.Y Báo, Chánh Báo hay những định luật khoa học trong các cõi đó cũng hoàn toàn khác nhau và đều là vô thường cả.  

          Một giới hạn khác của con mắt Hữu Tướng của thế gian là sự giới hạn về vật lý. Định luật về vận tốc của vũ trụ hiện hữu mà nhà Bác Học Albert Einstein khám phá ra là vận tốc tối đa trong không gian hiện hữu là 300.000 kilômét/giây và chỉ có hạt-sóng photon ánh sáng, hạt electron điện tử, sóng vô tuyến, sóng điện từ là đạt được. Giả sử vào thời điểm năm 2010, người Địa Cầu đang quan sát chúng sanh đang sống ở Hành Tinh A cách Địa Cầu 1 tỷ năm ánh sáng. Người Địa Cầu dùng kính thiên văn cực kỳ tối tân qua trung gian và sự truyền đi của sóng-hạt photon ánh sáng. Vì sóng ánh sáng này mang tin tức hình ảnh của Hành Tinh A phải mất đi 1 tỷ năm truyền đi trong Không Gian để đến Địa Cầu, cho nên người Địa Cầu chỉ nhìn thấy chúng sanh ở Hành Tinh A cách trước thời điểm 2010 tới 1 tỷ năm. Còn chúng sanh ở thời điểm năm 2010 ở Hành Tinh A, người Địa Cầu phải đợi 1 tỷ năm sau mới có thể nhìn thấy được. Người Địa Cầu muốn gọi điện thoại vô tuyến cho chúng sanh ở Hành Tinh A thì phải đợi 1 tỷ năm sau chúng sanh ở Hành Tinh A mới nhận được cú điện thoại của năm 2010. Cũng vậy, giả sử người Địa Cầu chế được phi thuyền không gian  bay nhanh bằng vận tốc ánh sáng và muốn thăm viếng Hành Tinh A, phi thuyền phải bay mất 1 tỷ năm sau mới đến được Hành Tinh A. Nhưng đời người chỉ sống có 100 năm, do đó con người bị bất lực hoàn toàn: muốn thấy cái hiện tại cũng không có thể thấy, muốn nghe cái hiện tại cũng không có thể nghe, muốn đến cái hiện tại cũng không có thể đến. Thế giới Hữu Vi, Hữu Tướng của thế gian là như vậy, bị giới hạn và nhiều ngăn ngại, trong khi cái Chân Không Vô Tướng thì dung thông vô ngại. Chư Phật có thể nhìn thấy quá khứ và hiện tại khắp 10 phương; có thể đến đi nghe thấy khắp 10 phương trong 1 sát na; vì toàn thể vũ trụ, 3 cõi , 10 phương chính là Pháp Thân của các Ngài. Các Ngài không cần phải đi đâu vì cả tam thiên đại thiên nằm trong lòng bàn tay của các Ngài. 

Thi Sĩ Tô Đông Pha thời nhà Tống, vào cuối đời, khi nghe Thiền Sư Thường Tổng thuyết về: “ Vô tình thuyết pháp” đã đại ngộ, làm ra bài kệ:

                                     “Khê thanh tiện thị quảng trường thiệt,

                                       Sơn sắc phi thanh tịnh thân.

                                       Dạ lai bát vạn tứ thiên kệ,

                                       Tha nhật như hà cử tự nhân”.

                                      (Suối reo chính thật lưỡi rộng dài

                                       Màu non quả là Thân thanh tịnh

                                       Đêm nghe tám vạn bốn ngàn kệ,

                                       Sáng dậy làm sao nói với người ).

             Tiếng suối reo lưỡi rộng dài, âm thanh đồng loạt trùm khắp cả tam thiên đại thiên không ngăn ngại. Thân không còn ngã sở, đã hòa nhập trong vạn hữu và Hư Không, trùm khắp cả sơn hà đại địa, bình đẳng với mọi vật. Đêm nghe tiếng chúng sanh loài vô tình, loài hữu tình tràn đầy khắp Hư Không rõ ràng dung thông vô ngại. Sáng dậy làm sao nói cho người biết được, nếm được cái hương vị chứng ngộ vi diệu này. Đó là cái thấy, cái nghe vô tướng, cái chạm xúc vô tướng của Pháp Thân khắp 10 phương không chướng ngại, không thể dùng ngôn ngữ hay văn tự thế gian để diễn tả được, khác với cái thấy nghe hiểu biết, chạm xúc bị chướng ngại và điên đảo của thế gian hay cái thấy,nghe, chạm xúc bị chướng ngại của người Địa Cầu với Hành Tinh A.

           Tóm lại, phàm phu chỉ quan sát trên cái Hữu, cái sắc tướng vật chất để tìm Chân Lý. Còn Chư Phật, Tổ và Thiền Sư thì để ý tới cái , cái Không, cái Chân Không rỗng rang vô tướng, không có một vật để thấy. Tuy là Không nhưng lại siêu việt, cực huyền diệu lý, là cái Một rốt ráo nguyên thủy của Càn Khôn vũ trụ. Trong việc khám phá ra nguyên thủy của vũ trụ là một “Dị Điểm” vô cùng nhỏ trong vụ nổ Big Bang cách đây 15 tỷ năm, các nhà Bác Học không gian đã đụng tới cái Gốc của sự vật, là chỗ giao điểm giữa cái và cái KHÔNG, cái HỮU và cái , đụng tới Bức Tường Mẹ Chân Không Rỗng Rang, cái (Rỗng Không-Emptiness), cái Không, cái , cái Vô Vi sinh ra Big Bang nhưng lại bỏ qua, chỉ nghiên cứu cái Không Gian nhỏ nhoi, bị giới hạn và cái năng lượng vật chất chứa trong hạt bụi Big Bang. Bức Tường Mẹ Chân Không Rỗng Rang đó là Chân Không, là Bát Nhã, là Như Lai Tạng, là Bản Thể, là Thực Tướng, là Tánh. Còn hạt bụi trong vụ nổ Big Bang sinh sinh hóa hóa, trùng trùng duyên khởi sinh ra vũ trụ Càn Khôn với hàng trăm tỷ thiên hà là Diệu HữuPháp Giới, là Hiện Tượng, là Dụng hay là Tâm

                                     “Tâm Tâm Tâm

                                       Nan khả tầm

                                       Khoan thời biến Pháp Giới,

                               Trách giã bất dung châm”. (Bồ Đề Đạt Ma).

                              (Tâm Tâm Tâm, khó thể tìm, tung ra thì trùm cả pháp giới,

                               Càn Khôn vũ trụ, rút lại chẳng đầy mũi kim).

           Bức Tường Mẹ Chân Không Rỗng Rang đó là Mặt Trăng thật, biến chiếu thành vô số Bóng Trăng trên mặt nước sông hồ. Các nhà Bác Học của thế gian chỉ quan sát, nghiên cứu cái Bóng Trăng bỏ quên đi Mặt Trăng thật, cho nên bị điên đảo, không bao giờ biết được Mặt Trăng thật là gì? Hạt bụi Big Bang sinh ra vũ trụ là Tâm, là một Niệm Vô Minh khởi lên giữa Đất Như LaiNhư Lai biến chiếu ra Càn Khôn vũ trụ: “ Không tức thị Sắc”. Cũng như mặt biển Chân Như đang thanh tịnh, ngôi nhà Bát Nhã đang lặng yên, Pháp Thân Như Lai đang vắng lặng, bỗng một Hòn Đá Vô Minh rơi xuống chỗ Như Lai biến chiếu, Bát Nhã ứng cơ, Chân Như duyên khởi, làm cho Hư Không dậy sóng nổi lên 3 ngàn thế giới, khiến cho Chân Không nổi bọt và sóng hiện ra Tướng thế gian.

           Kinh Kalacakra (Tiếng Hán là Thời Luân -The wheel of Time) mà Phật giáo Tây Tạng thường dùng để nói về vũ trụ quan cùng với Kinh A Tì Đạt Ma, nói rằng: trước khi thành hình, bất cứ một hệ thống vũ trụ nào cũng trải qua một thời kỳ trống rỗng, không có vật, nhưng có cái rất vi tế dưới dạng tiềm năng gọi là “Hạt Không Gian”.Thế giới được cấu tạo bởi 5 nguyên tố: Nguyên tố nền là Không Gian và 4 nguyên tố cơ bản là : Đất, Nước, Lửa, Khí (Tứ Đại). Khi Nghiệp lực chúng sanh chín muồi, các “Hạt Không Gian” vi tế kết tụ lại theo tiến trình: Khí, Lửa, Nước, Đất. Khi vũ trụ vật chất bắt đầu tan rã trở về Không thì tiến trình ngược lại: Đất, Nước, Lửa, Khí.

          Thật ra Đức Phật nói về vũ trụ quan này chỉ ở trên phương diện tổng quát. Ngày nay các nhà Bác Học đã tìm ra được đến 110 nguyên tố vật chất từ Hydrogen(H) nhẹ nhất với nguyên tử số là 1, đến Unununium (Un ) nặng nhất với nguyên tử số là 110. Có lẽ Đức Phật không muốn phân tích quá chi tiết một cách không cần thiết nên đã đơn giản hóa thành 4 nguyên tố rất logic, dể hiểu và nói lên được tướng mạo và tính chất của sự vật như : chất cứng cợm là Đất, chất lỏng là Nước, chất khí là Gió, và năng lượng là Lửa.

Cái Rỗng Không mà Kinh Kalacakra gọi là Không Gian chính là Bản Thể, còn Hiện Tượng là các Hạt Không Gian hội tụ lại theo một cách nào đó (có thể như vụ nổ Big Bang chẳng hạn ?) để duyên khởi thành 4 nguyên tố : Khí, Lửa, Nước và Đất tạo thành vũ trụ vật chất sơn hà đại địa.

          Bản Thể và Hiện Tượng này cũng có thể gọi là Thể và Dụng, Tánh và Tâm, hay Chân Không và Diệu Hữu…Chân Không thì rỗng rang vô tướng mạo, còn Diệu Hữu thì có tướng vật chất, sinh sinh hóa hóa một cách vi diệu tạo ra càn khôn vũ trụ và chúng sanh muôn loài. Từ Chân Không sinh ra cái Diệu Hữu, và cái Diệu Hữu này thật đúng là Kỳ Diệu. Chẳng hạn dưới con mắt của “Hữu Tướng” của thế gian: Từ một “ Dị Điểm” vô cùng nhỏ Big Bang “trùng trùng duyên khởi” sinh ra vũ trụ với hàng trăm tỷ thiên hà. Từ một nguyên tử Hydrogen đơn giản, “trùng trùng duyên khởi” sinh ra vô lượng vật chất sơn hà đại địa. Từ một tế bào đơn giản có chứa bộ “Gen” với phân tử DNA (deoxyribonucleic acids) “trùng trùng duyên khởi” sinh sản ra con người và vô số chúng sanh đủ loại : “ Một là tất cả, Tất cả là Một ”.

          Chân Không thì thể là “Không”, vô tướng mạo, bất động, không sinh diệt, không thăng giảm…cũng chính là Niết Bàn, là Như Lai, là Bát Nhã, là Pháp Thân…Diệu Hữu thì thể là “Có”, có sự vật hiện hữu, có tướng mạo, có tác động, có sinh diệt, có thăng giảm lớn nhỏ, duyên khởi sinh sinh hóa hóa ra vạn pháp muôn loài và Càn Khôn vũ trụ.

          Trong luận Đại Trí Độ, Tổ Long Thọ có nói : “ Thành Niết Bàn có 3 cửa: cửa Vô, cửa Vô Tướng, cửa Vô Tác”. Thành Niết Bàn cũng chính là Bát Nhã, là Chân Không, là Bản Thể hay Thực Tướng. Ở đây Tổ Long Thọ nói về mặt THỂ. Còn về mặt DỤNG, ta có thể kết hợp luận giải của Tổ với quan điểm khoa học để phân tích phần hiện tượng và cho rằng Diệu Hữu sinh ra vũ trụ vật chất có 3 cửa ngược lại là: Hữu, Hữu Tướng, Hữu Tác. Từ ( Chân Không: Vô, Vô Tướng, Vô Tác) ứng cơ sinh ra cái (Diệu Hữu: Hữu, Hữu Tướng, Hữu Tác) từ cái Tự Tánh nầy lại  “Hay sanh muôn Pháp”, giống như hai cánh tay Phải và cánh tay Trái của Một Thân duy nhất. Đứng trên quan điểm khoa học kết hợp với Phật học để phân tích phần Diệu Hữu tạo ra thế giới Hữu Vi từ nguyên tử cho đến vũ trụ. Thoạt tiên từ Chân Không, do Vô Minh hay Nghiệp Thức tác động, các hạt năng lượng vi tế mà Kinh Kalacakra gọi là Hạt Không Gian bị dấy động  kết tụ lại thành các Hạt Cơ Bản mà các nhà Bác Học gọi là quarks. Có hai loại hạt quan trọng tạo thành nguyên tử vật chất là proton và electron. Ba hạt quarks khác loại  (2downs+1up) hợp thành 1 hạt electron (âm điện tử). Ba hạt quarks khác (2ups+1down) hợp thành 1 hạt proton (dương điện tử). Ngoài ra còn hàng trăm hạt vi tế khác vô cùng nhỏ hiện diện trong nhân nguyên tử như: Neutrino, Meson, Pion, Kaon, Hadron, Eta, Cascaden, Omega…Một hạt proton mang điện tích dương(+) kết hợp với một số hạt vi tế khác thành lập một nhân cứng ; nhân cứng này kết hợp với một hạt electron mang điện tích âm(-) quay chung quanh nhân tạo thành nguyên tử vật chất đầu tiên là Hydrogen(H) có số nguyên tử số là 1. Tương tự, một nhân khác chứa 2 protons kết với 2 electrons quay chung quanh nhân tạo thành nguyên tử thứ 2 Helium(He) có nguyên tử số 2. Một nguyên tử xem như rỗng không, có nhân là gốc chiếm hầu như toàn bộ khối lượng của nguyên tử, nhưng lại rất nhỏ chỉ bằng 1/100.000 toàn thể nguyên tử và tỉ trọng thì cực lớn. Vật chất đầu tiên Hydrogen và Helium này ở thể KHÍ thành hàng trăm tỷ đám mây KHÍ (Nebulae) khổng lồ bành trướng và di chuyển trong Hư Không thành vô số các Vì Sao. Các phản ứng nhiệt hạch (Thermonuclear Reaction ) trong lòng các Vì Sao thành lập các nguyên tử nặng hơn như: Đồng (Cu), Chì (Pb), Sắt( Fe), Kẽm ( Zn), Uranium (U),… cho đến Unununium (Un) với nguyên tử số là 110. Từ thể KHÍ, thể LỬA, nguội dần thành thể LỎNG rồi thể ĐẶC thành đất đá sơn hà đại địa, vô số Hành Tinh -- một vũ trụ thành hình.

          Từ nguyên tử cho đến vũ trụ, tất cả đều “TÁC mà hiện hữu. Ngoại Đạo Bà La Môn cũng có nói đến điều này: “Điệu vũ của Thần Shiva tạo ra thế giới”. Nghĩa là từ nguyên tử cho đến vũ trụ tất cả đang “nhảy múa” quay tròn (luân vũ) đồng bộ và đồng hành với nhau trong khi cả vũ trụ di chuyển bành trướng rộng ra trong Hư Không vô biên với vận tốc cao. Các hạt Không Gian  TÁC thành 12  hạt cơ bản chính yếu tạo nên nguyên tử là 6 hạt quarks (up, down, strang, charm, bottom, top ) và các đối hạt, 6 hạt leptons và các đối hạt. Ngoài 12 hạt cơ bản và các đối hạt, là chất liệu cơ bản của nguyên tử vật chất còn có 6 hạt bosons làm trung gian (photon, gluon, W+, W-, Z0 và graviton). Sáu hạt bosons này lại TÁC trên tất cả các hạt khác tạo ra 4 lực tương tác: tương tác trọng trường, tương tác yếu, tương tác mạnhtương tác điện từ. Chẳng hạn như lực tương tác mạnh chỉ xảy ra trong nhân nguyên tử với các hạt glutons ( cũng gọi là gluons) dán chặt các hạt quarks với nhau, cột chắc các hạt protons (dương điện tử) không cho những hạt này đẩy nhau ra xa, làm cho nhân nguyên tử vô cùng cứng chắc. Nhân nguyên tử cứng đến nỗi phải dùng những hạt Trung Hòa Tử ( Neutrons) nặng hơn bắn mạnh vào với một động năng rất lớn làm bể Hạt Nhân và khi đó lại phóng thích một năng lượng lớn khủng khiếp với công thức của nhà Bác Học Albert Einstein: E= mc( E= m nhân với c bình phương) dùng để chế tạo Bom hạt nhân (cũng gọi là Bom nguyên tử), hay dùng để chế tạo Điện hạt nhân hay Điện nguyên tử…với nguyên tử Uranium ( thật đúng là Diệu Hữu !).

          Còn lực tương tác điện từ lại là một điều lạ lùng do chính các hạt quang tử “photon” ánh sáng phi khối lượng TÁC với các hạt khác, làm cho vật chất có tính cứng chắc, giống như liên tục, liền lạc hay đậm đặc. Vật chất thì trống rỗng chỉ là mạng lưới các hạt cơ bản thưa thớt cấu kết nhau, nếu không có lực tương tác điện từ thì chúng ta có thể đi xuyên qua bức tường hoặc đi xuyên vào thân của nhau, không thể xây dựng được cầu đường, nhà cửa vì vật chất có thể đi xuyên vào nhau và bị “chìm” vào ruột Quả Đất. Có lực tương tác điện từ này làm cho vật chất cứng chắc và liên tục, không thể xuyên vào nhau được, đây có thể là đặc tính riêng biệt của cõi Ta Bà tùy theo nghiệp lực, khác với các cõi Thiên hoặc A Tu La ? Nhưng điều lạ là lực tương tác này lại do  chính ánh sáng (hạt photon) làm ra. Một lý do khác khiến cho vật chất trở nên cứng chắc là do các hạt electrons quay chung quanh nhân ở quỹ đạo càng thấp, gần nhân hơn thì chúng quay càng nhanh với vận tốc ước độ 900 km/giây. Với vận tốc lớn như vậy, mặc dù là rỗng không, nguyên tử có mặt như một hình cầu cứng rắn, không thể bóp nhỏ lại được. Nếu nguyên tử có thể bóp nhỏ lại được hoặc làm lớn ra trong cái rỗng không này, thì con người có thể rút lại bằng hạt bụi hoặc “thần thông biến hóa” ra bằng quả núi. Đây cũng có thể là một “Nghiệp Lực” của cõi Ta Bà khác với các cõi khác?

          Các hạt electrons mang điện tích âm(-) lại TÁC với nhân cứng chứa protons mang điện tích dương(+) bởi lực hút  Âm – Dương gọi là Độ Âm Điện sinh ra các nguyên tử vật chất Hydrogen và Helium đầu tiên. Nhân nguyên tử tuy rất nhỏ so với toàn bộ nguyên tử (tỉ lệ = 1/100.000) nhưng rất đậm đặc có tỉ trọng  rất lớn chứa hàng trăm hạt vi tế. Các hạt vi tế này cũng TÁC với nhau tạo nên một nhân bền vô cùng cứng chắc, làm căn bản cho vật chất. Các hạt quan trọng trong nhân cứng này là protons và neutrons cũng TÁC: chúng di chuyển “nhảy múa”với vận tốc khoảng 60.000km/giây. Rồi 3 nguyên tử Helium TÁC với nhau kết hợp thành Carbon ( C ), 4 nguyên tử Helium TÁC với nhau kết hợp thành Oxygen( O ) ….cho đến Unununium là 110 nguyên tử vật chất. Các nguyên tử này cũng TÁC với nhau sinh ra những phân tử vật chất  (molecules) từ đơn giản như phân tử nước (H2O), phân tử Tartaric (H2C4H4O6), đến phức tạp như phân tử Phytoplanktan với 108 gốc Carbon (C) nối tiếp nhau  (C108H266N16O109P) và vô cùng phức tạp như các đại phân tử DNA (deoxyribonucleic acids ) với chuỗi dài hàng chục ngàn phân tử Amino Acids nối tiếp nhau với gốc Carbon (C) thành các nhiễm sắc thể  (chromosomes) của các Bộ Gene người, Gene thực vật, Gene động vật thành ra đủ các loài chúng sanh động vật thực vật cây cỏ. Các phản ứng hóa học (chemical reactions) sinh ra các phức hợp phân tử thành ra đủ các hình tượng vật chất sinh ra vỏ trái đất và các Hành Tinh tràn ngập trong Hư Không. 

          Các Hành Tinh trong vũ trụ cũng TÁC với nhau mà hiện hữu. Các Hành Tinh đang “nhảy múa”  quay tròn (luân vũ) và kết chặt với nhau như các nguyên tử “nhảy múa”. Chẳng hạn Mặt Trăng và Trái Đất TÁC với nhau với lực hút F=Km1m2/d2 và Mặt Trăng (luân vũ) quay tròn quanh Trái Đất một vòng là 30 ngày. Trái Đất cùng TÁC với Mặt Trời với lực hút F, tự quay tròn một vòng là 24 giờ và quay tròn quanh Mặt Trời theo quỹ đạo một vòng là 365 ngày. Mặt Trời cùng  TÁC với thiên hà ( galaxy) và quay chung quanh tâm thiên hà một vòng là 250 triệu năm. Thiên hà chứa hàng trăm tỷ Hệ Mặt Trời cũng TÁC: vừa tự quay tròn vừa di chuyển trong Hư Không với một vận tốc rất lớn, có thiên hà di chuyển gần bằng vận tốc ánh sáng. Vũ trụ chứa hàng trăm tỷ thiên hà cũng TÁC: đang bành trướng rất nhanh và rộng lớn vô cùng trong Hư Không.

          Cái vũ điệu quay tròn (luân vũ) này thật là lạ lùng: từ Nguyên Tử với các hạt electrons cho tới các Vệ Tinh (moons) rồi Hành Tinh (planets) và các Hệ Mặt Trời (solar systems), các Thiên Hà (galaxies), các Thiên Tòa (clusters) rồi Đại Thiên Tòa (super clusters) cho đến cả vũ trụ (universe) đều đồng hành ( di chuyển với vận tốc rất lớn trong Hư Không), đồng bộ (cùng quay tròn). Tất cả đang nhảy múa lăng xăng, quay tròn. Tất cả đều luân vũ hay đây chính là dấu hiệu của Cõi Luân Hồi hay cái Vòng Luân Hồi của từng loài chúng sanh và cả cái vũ trụ vô thường: “Thành, Trụ, Hoại, Không” này? Hay đây là một cái Tâm Mê khổng lồ đang dấy động  “ngao du” giữa Hư  Không? Hay là vũ trụ này chỉ hiện ra trong cái Tâm Mê của tất cả chúng sanh có cùng một “Cộng Nghiệp” để nhìn thấy nó? Nó có thật hay là giả?

          Dù thật hay là giả thì từ chúng sanh cho đến vũ trụ với tất cả hành tinh đều không thoát khỏi “Luật Vô Thường” : Sinh, Trụ, Dị, Diệt hay Thành, Trụ, Hoại, Không. Từ cái “Thành” với một Dị Điểm vô cùng nhỏ trong vụ nổ Big Bang sinh ra hàng trăm tỷ đám mây khí Hydrogen rồi vô số các Ngôi Sao hay hành tinh sinh ra trong những đám mây này. Rồi tới cái “Trụ” : các Ngôi Sao sống được một thời gian dài nhiều tỷ năm; đến cái “Hoại”: các Sao hoại trong một tiểu kỳ hay đến một đại kỳ chung cuộc, vật chất biến thoái cùng cả vũ trụ sụp đổ đồng loạt trở về cái “Không”: Big Crunch. Từ Big Bang đến Big Crunch là một vòng luân hồi của vũ trụ: Thành, Trụ, Hoại, Không. Tới đây theo suy luận của các nhà Bác Học không gian, biết đâu lại có một hay nhiều Big Bang mới xuất hiện để cho ra một hay nhiều vũ trụ mới. Đây có thể là tiếp tục một vòng “Đại Luân Hồi” theo cái  “Đại Nghiệp Quả” của tất cả chúng sanh sống trong vũ trụ trước. Điều này cũng do Tâm chúng sanh trong toàn thể vũ trụ trước tạo ra: một Đại Tâm Mê  với một Đại Nghiệp Mộng hay Đại Cộng Nghiệp là Nhân để thành Quả là do nhân duyên đủ để hình thành một vũ trụ mới là Y Báo với loài chúng sanh mới hiện hữu là Chánh Báo. Trong Kinh Kalacakra Đức Phật có nói khi Nghiệp Lực chúng sanh chín muồi thì các Hạt Không Gian vi tế hội tụ lại thành Khí Lửa Nước và Đất (Tứ Đại) để thành lập vũ trụ.

           Một hành tinh hay một Ngôi Sao như Mặt Trời trong Thái Dương Hệ có sinh có tử trong cái vòng luân hồi này. Chẳng hạn như “Cái Sinh” của một Ngôi Sao như Mặt Trời hay hàng trăm tỷ Sao đồng loạt hay lần lượt cái này trước cái kia sau trong một Thiên Hà (galaxy). Từ cái “Thành” sau vụ nổ Big Bang, bành trướng ra hàng trăm tỷ đám mây khí gọi là Nebulae được xem như cái “Buồng Trứng” khổng lồ chứa bụi và khí Hydrogen. Sức hút trọng trường của vật chất (gravity) kéo số lượng khí và bụi khổng lồ  này gần với nhau, đậm đặc dần và bắt đầu chuyển động quay tròn thành một hay nhiều lốc xoáy. Ở tâm mỗi lốc xoáy vật chất ( khí Hydrogen và bụi) càng kéo về đậm đặc và áp suất tăng dần. Những nguyên tử Hydrogen đụng nhau liên tục làm tăng nhiệt độ. Ở trung tâm có thể lên tới 15.000.000 độ C(Celcius) hay 27.000.000 độ F và thành lập một cái lõi Sao hay cái ruột Sao (core of star). Cái lõi Sao mới sinh ra và khi nhiệt độ và áp suất lõi Sao cần và đủ, phản ứng nhiệt hạch xảy ra trong nhân các nguyên tử Hydrogen để biến thành nguyên tử Helium và phóng thích một năng lượng khổng lồ, Ngôi Sao bùng cháy và phát sáng: một Mặt Trời hay một Ngôi Sao vừa mới sinh ra (newborn star). Nhịp tim của Mặt Trời mới sinh bắt đầu đập liên hồi: tức phản ứng nhiệt hạch trong ruột Sao hoạt động liên tục đốt cháy khí Hydrogen biến thành khí Helium và Mặt Trời bắt đầu thở: với tiếng sôi sục như pháo nổ (solar fireworks) của các tia lửa khí ( fiery jets of gas) thành các gai nhọn (spicules) nhảy lên cao tới 9.000 cây số, những hào quang (Corona) trải rộng ra cả triệu cây số tỏa ra không gian, những cánh tay lửa (Prominences) dài tới 400.000 cây số và hơn hết thảy là cái ánh sáng nhiệm mầu tỏa khắp không gian, là cái nguồn sống cho tất cả chúng sanh từ thực vật, động vật cho đến con người trên quả Địa Cầu. Như vậy cái Sống, cái Sinh Ra của một Mặt Trời có liên quan tới cái Sống của tất cả chúng sinh trên quả Địa Cầu, tức là cùng tương duyên tương tức với nhau hay cùng một Nghiệp Quả. Hay có thể nói ngược chính vì có cái Sống cái Sinh ra của chúng sanh trên quả Địa Cầu mà Mặt Trời phải có cái Sinh và cái Sống xuất hiện trước để (trải thảm đỏ) lót đường chuẩn bị tiếp đón chúng sanh cùng Nghiệp Quả đến sau !?

           Còn “Cái Chết” hay “Cái Tử” của một Ngôi Sao hay một Mặt Trời thì có nhà Bác Học người Ấn Độ Subrahmanyan Chandrasekhar nhận giải Nobel về vật lý năm 1983 khám phá ra. Một Ngôi Sao có hai cách chết: cách chết hiền lành, âm thầm, nhẹ nhàng và cách chết hung bạo, dữ dội, ác hiểm. Những Ngôi Sao nào nhỏ hơn 1,44 lần Mặt Trời thì có tuổi thọ lâu hơn và chết nhẹ nhàng. Chẳng hạn như cái chết của Mặt Trời trong Thái Dương Hệ là cái chết nhẹ nhàng, tự tại. Mặt Trời đang sống và thở ra cái ánh sáng nhiệm mầu giúp cho sự sống của muôn loài  trên Địa Cầu là do phản ứng nhiệt hạch (thermonuclear reaction) xảy ra trong ruột (core) biến đổi nguyên tử khí Hydrogen thành nguyên tử khí Helium phóng thích một năng lượng hạch tâm rất lớn làm cho Mặt Trời phát ra ánh sáng. Còn 5 tỷ năm nữa cái “nhiên liệu” khí Hydrogen này sẽ cạn đi và khi đó phản ứng nhiệt hạch dừng lại, Mặt Trời không còn phát ra ánh sáng mạnh như trước mà lu mờ dần. Kế đó Mặt Trời sẽ tự giãn nở rộng phình ra như chiếc bong bóng thành Anh  Khổng Lồ Đỏ ( Red Giant), hành tinh ở gần Mặt Trời như Thủy Tinh (Mercury) sẽ bị nóng chảy, nhiệt độ Địa Cầu có thể tăng lên vài trăm độ C, tất cả sự sống ở Địa Cầu đều hủy diệt theo cái chết của Mặt Trời. Sau đó lớp ngoài giãn nở tới mức độ tự tan vỡ và trôi đi ngoài không gian thành đám mây khí (một loại Nebulae), Mặt Trời chỉ còn lại cái Lõi nhỏ bên trong và biến thành một Ngôi Sao nhỏ, gọi là Chú Lùn Trắng (White Dwarf) sức nóng đủ để vừa phát sáng, rồi từ từ nguội dần và ánh sáng này tắt hẳn, trở thành Chú Lùn Đen (Black Dwarf). Ở giai đoạn này xem như Mặt Trời chết hẳn: Black Dwarf chỉ là một Ngôi Sao chết.

          Đối với những Ngôi Sao lớn hơn 1,44 lần Mặt Trời thì có tuổi thọ ngắn hơn và có một Cái Chết dữ dội và thật hung bạo. Khi hết “nhiên liệu” Hydrogen, phản ứng nhiệt hạch trong ruột SAO ngưng lại, Sao lu mờ dần nhưng lại bành trướng thể tích, giãn nở lớn ra như chiếc bong bóng đang phình trương ra thành Anh Khổng Lồ Đỏ (Red Giant). Như là có sức “thần thông” vô hạn SAO tiếp tục phình “Bụng” thi tài biến hóa to thêm, to thêm mãi thành Anh Siêu Sao Khổng Lồ Đỏ (Red Supergiant). Như là một vị Thần nóng nảy và hung dữ dùng hết sức thần thông để phình “Bụng” ra, trong ruột (core) nhiệt độ lên tới 170.000.000 độ C (306.000.000° F), không may sức “thần thông” có giới hạn SAO nổ tung tan xác và phát ra ánh sáng khủng khiếp gấp cả 100.000 lần Mặt Trời gọi là Supernova. Nếu phần ruột (core) còn lại lớn nó sẽ tự sụp đổ trở thành Hố Đen (Black Hole) đầy bí ẩn và hiểm hóc, không cho cả ánh sáng đi qua. Nếu phần ruột nhỏ thì SAO sụp đổ thành một SAO tí hon đường kính chỉ có khoảng 30 cây số, nhưng rất đậm đặc, tỉ trọng vô cùng lớn, gọi là Sao Trung Hòa (Neutron). Đó là cái “hóa kiếp”, cũng là “Cái Tử” của những Siêu Sao lớn hơn Mặt Trời.

Như vậy việc sinh tử không phải chỉ có ở thực vật, cây cỏ, muông thú và con người mà ngay cả vũ trụ bao la với vô số các vì sao lớn nhỏ như cát sông Hằng đều phải chịu chung những vòng luân hồi hay Nghiệp Báo. Chúng sanh và vũ trụ có liên quan mật thiết trong Nghiệp nên có sự tương giao. Thật ra cái thân Tứ Đại (Đất, Nước, Gió, Lửa) của tất cả chúng sanh bao gồm con người, thực vật và muông thú với cái thân Tứ Đại (Đất, Nước, Gió, Lửa) của cả vũ trụ vật chất với vô số các hành tinh, ngôi sao, Mặt Trời, Mặt trăng, đất đá, núi sông…đều giống nhau và có cùng cái gốc và cùng ở trong cái gốc ban đầu trong cõi Mê là cái hạt Bụi, thậm chí còn nhỏ hơn hạt Bụi nhiều tỷ tỷ lần là cái “Dị Điểm” Big Bang. Kinh Hoa Nghiêm đã từng  nói : “Trong một hạt Bụi tôi thấy vô số các cõi Phật, mỗi cõi đều có các Đức Như Lai với hào quang quý báu”. Đây cũng là một niệm Vô Minh sinh ra thế giới Mê và dù là Sinh hay Tử hay là bất cứ ở giai đoạn nào trong cái vòng Luân Hồi: “Sinh, Trụ, Dị, Diệt” hay “Thành, Trụ, Hoại, Không”. Từ cái “Thành” bắt đầu với cái “Dị Điểm” Big Bang TÁC ĐỘNG trùng trùng duyên khởi sinh ra vũ trụ thế giới và chúng sanh. Rồi đến cái “Trụ” cũng TÁC ĐỘNG trùng trùng biến hóa ra muôn màu, muôn sắc, muôn vẻ trong cuộc sống hay trong cái HỮU. Cái “Hoại” cũng TÁC ĐỘNG duyên khởi  theo chiều hướng suy thoái để trở về cái Không. Cái Không theo đường Mê của thế giới Mê là “Ngoan Không” để tiếp tục luân hồi trở lại cái Có hay cái Hữu; còn cái Không theo đường Giác mới chính là cái “Chân Không”  là cái Gốc thật sự cắt đứt vòng luân hồi đi đến Giải Thoát và khi đó không còn phải TÁC nữa. 

           Rõ ràng là có TÁC thì mới (có nguyên tử, có vật chất và có vũ trụ) tức có cái Hữu, và khi đó có cái Tướng (của nguyên tử, của vật chất và của vũ trụ).  Còn VÔ TÁC thì trở về  bản thể của Vô (không có nguyên tử, không có vật chất, không có vũ trụ) và Vô Tướng tức không có cái Tướng (của nguyên tử, của vật chất và của vũ trụ). Tuy vũ trụ bành trướng rộng lớn khủng khiếp như vậy nhưng chẳng thấm vào đâu, chỉ là một cụm mây trắng nhỏ nhoi so với cái Hư Không Rỗng Rang-Emptiness dài vô tận. Một Thiền Sư đã nói: Hư Không dài mặc tình mây trắng bay. Thiền Sư Tuyết Phong cũng nói:  “Khi thế giới dài một thước thì gương xưa dài một thước, khi thế giới rộng một trượng thì gương xưa rộng một trượng. Vũ trụ vật chất gồm  hàng trăm tỷ Thiên Hà to lớn khủng khiếp như vậy, nhưng lại sinh ra từ một hạt bụi vô cùng nhỏ cách đây 15 tỷ năm. Thật đúng là Diệu Hữu! Các nhà Bác Học của

thế gian không thể nào hiểu nổi lý lẽ này với những thông số khủng khiếp và ngược đời mà họ đã tìm ra: khối lượng riêng của hạt bụi Big Bang là d= 1094g/cm3. Nghĩa là cả vũ trụ vật chất vô cùng lớn làm sao có thể nén lại trong 1 điểm vô cùng nhỏ với đường kính chỉ có D=10-33cm. Các nhà Bác Học lại điên đảo với sự khám phá này, nhưng đối với Thiền Sư thì lại thông suốt nó, xem như chuyện bình thường: 

                                      “Càn Khôn tận thị mao đầu thượng

                                        Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung”. 

                                      (Cả Càn Khôn vũ trụ nhét vào đầu sợi lông,

                                       cả Mặt Trời, Mặt Trăng nhét vào hạt cải,

                                       mà tất cả vẫn dung thông,  vô ngại).  

            Trong khi đi ngược dòng thời gian phăng về cái gốc để tìm hiểu căn nguyên của vũ trụ là gì, các nhà Bác Học không gian đã khám phá ra cái “Dị Điểm” Big Bang vô cùng nhỏ nổ ra cách đây 15 tỷ năm ở thời điểm Planck T= 10-43 giây và khi đó họ đã đụng tới Bức Tường Mẹ Rỗng Rang-Emptiness cũng là cái “Rỗng Thênh Không Thánh” mà Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma khai thị cho Vua Lương Võ Đế: là cái cửa Vô, cửa Vô Vi, cửa Không…cái Chân Không (Vô, Vô Tướng, Vô Tác), là mẹ đẻ của cái “Dị Điểm” Big Bang sinh ra vũ trụ, nhưng lại bị bỏ qua. Thời điểm T0 =0 giây là chỗ huốt, chỗ giao điểm giữa cái “Dị Điểm” Big Bang và cái Rỗng Rang-Emptiness, giữa Có và Không, giữa Sắc và Không, Hữu Vi và Vô Vi, Chân Không và Diệu Hữu. Ở cái thời điểm T0 =0 này, các phương trình toán học của thế gian không áp dụng được, các dụng cụ quan sát khoa học không nhìn thấy được, nghĩa là không thể nhìn bằng con mắt “Hữu” bị giới hạn theo Nghiệp Thức thế gian. Còn trước thời điểm T0 =0 tức T-1 = -1 giây (hay trước T0 một sát na) thì hoàn toàn là cái Rỗng Rang-Emptiness, không có một vật để thấy, không có gì để quan sát hay nghiên cứu cho nên các nhà Bác Học phải bỏ qua. Ở thời điểm  T0 =0 và trước đó, phải dùng con mắt “Vô”, con mắt “Bát Nhã”, nhìn bằng “Tâm” chứ không nhìn bằng “Vật” hay dụng cụ khoa học, và phải đi huốt đường Tâm như Bồ Đề Đạt Ma đã chỉ: “Trực chỉ nhân Tâm kiến Tánh thành Phật”. Cái “Dị Điểm” Big Bang nhỏ hơn hạt “Bụi” nhiều tỷ tỷ lần, vậy mà lại sinh ra cái vũ trụ “động”: (Hữu, Hữu Tướng, Hữu Tác) vô cùng lớn, với vô lượng vật chất, vô lượng Mặt Trời, Mặt Trăng, và các hành tinh, thật là Diệu Hữu, không ngờ lại do cái Chân Không,( Vô, Vô Tướng, Vô Tác) hay cái Rỗng Rang – Emptiness làm ra! Cái Chân Không, cái Rỗng Rang – Emptiness hay cái Rỗng Thênh Không Thánh này cũng là Bát Nhã, là Niết Bàn, là Như Lai hay Tự Tánh…là cái mục tiêu tối thượng của Chư Phật và Thiền Sư nhắm tới: là cái chứng Ngộ của Chư Phật và Thiền Sư. Trong khi đó thế gian Mê trong sáu cõi luân hồi thì không biết, không cần phải để ý tới, ngay chính các Nhà Tri Thức tuyệt vời, các nhà Bác Học đại tài hay các Tôn Giáo Thần Quyền nổi tiếng của thế gian cũng bỏ đi. Một câu chuyện ngụ ngôn trong Kinh A Hàm, Đức Phật kể chuyện giữa con Rùa và con Cá:

          Con Cá hỏi con Rùa:

          - Chào anh Rùa. Anh đi đâu mà lâu quá chúng tôi không gặp?

          - Tôi đi du lịch trên Đất Khô.

          Con Cá ngạc nhiên hỏi:

          - Ủa. Sao lạ vậy? Có Đất Khô hay sao?

          Con Cá thắc mắc hỏi tiếp:

          - Đất Khô có ướt không?

          - Không. Đất Khô không ướt.

             - Đất Khô có trong suốt để ánh sáng Mặt Trời xuyên qua không?

          - Không. Đất Khô không trong suốt và ánh sáng Mặt Trời cũng không  xuyên qua được.

          - Vậy chớ Đất Khô có dẻo để tôi có thể lội trong đó dễ dàng không?

             - Không. Đất Khô không dẻo và anh cũng không có thể lội trong đó.

             - Vậy chớ Đất Khô có chảy thành thác hay suối không?

             - Không .Đất Khô không có thể chảy thành thác hay suối được.

          - Đất Khô có thể nổi lên thành sóng bạc đầu không?

          - Không. Đất Khô cũng không có thể nổi lên thành sóng .

             Nói đến đây, con Cá tỏ ra thất vọng và hằn học với con Rùa: 

          - Thôi anh Rùa à, đừng có lừa chúng tôi. Làm gì có Đất Khô? Tôi hỏi để so sánh những gì tương đương có trong thế giới Nước của chúng ta, anh đều trả lời là “không”! Đừng có bịp chúng tôi nhé!

          Con Rùa vội đính chính:

          - Tôi không bịp anh. Chính tôi từ Đất Khô vừa mới trở về. Tôi không biết diễn tả cách nào để anh tin rằng có Đất Khô, vì Đất Khô hoàn toàn khác với thế giới Nước của chúng ta. Nếu sau này có ai giải thích cho anh hiểu rõ là có Đất Khô, thì khi đó anh mới biết rằng anh hiện giờ chỉ là con Cá “Ngóc”.

Thật rất tiếc cho các nhà Bác Học thế gian đi tìm Chân Lý, vừa đụng tới cái “Không-Rỗng Rang-Emptiness” thì họ bỏ đi, chỉ tìm Chân Lý trên sự vật, giống như con Cá chỉ biết thế giới ƯỚT của NƯỚC. Các nhà Bác Học thế gian không ngờ rằng sự vật chỉ là cái Bóng của cái Không này, đi tìm Chân Lý nơi sự vật cũng giống như đi “mò Trăng đáy nước”, không bao giờ thấy được Mặt Trăng thật. Tất cả cái nhìn, cái thấy, cái nghe, cái hiểu biết, cái quan sát…của thế gian “Hữu Tướng” đều bị giới hạn hay ngăn ngại bởi Nghiệp.

           Nói như thế không phải là phủ định tất cả những công trình khoa học của các nhà Bác Học xưa nay đã giúp ích rất nhiều cho cuộc sống và nền văn minh nhân loại. Nhờ khoa học mà con người bớt lao động cực nhọc, tăng tuổi thọ, cuộc sống thoải mái với nhiều tiện nghi hiện đại, nhanh chóng, tiện lợi và tối cần thiết cho nhu cầu xã hội. Nhờ khoa học mà một số tôn giáo bắt buộc phải canh tân, sửa đổi, bớt mê tín và cuồng tín ; giải thoát con người khỏi sự nô lệ với những giáo điều mù quáng lạc hậu. Điều rất quan trọng là cũng nhờ khoa học mà Phật Pháp càng sáng tỏ, chứng minh được nhiều điều mà Chư Phật, Tổ và Thiền Sư đã khai thị trong Tàng Kinh hoặc Ngôn Thuyết. Chẳng hạn như nếu không có kính hiển vi thì làm sao chứng minh được lời nói của Phật là : trong nước có vi trùng ; không có kính hiển vi điện tử và máy gia tốc hiện đại thì làm sao chứng minh được lời nói của Phật là : vật chất do duyên hợp không có tự tánh ; không có kính thiên văn Hubble thì làm sao chứng minh được lời nói của Phật trong Kinh Hoa Nghiêm là : có vô số Thế Giới hay Thiên Hà với đủ mọi hình thù như hình sông, hình bánh xe, hình xoáy, hình hoa nở, hình cái quạt…v..v… Tuy nhiên Phật Pháp đi trước khoa học một đoạn đường rất xa mà không cần phải dùng dụng cụ khoa học và còn vượt qua “đầu sào trăm trượng” nhảy thẳng vào đất Như Lai, tức cái Chân Không Diệu Hữu với Chân Lý Tuyệt Đối. Trong khi khoa học gặp những chướng ngại trên Hình Tướng và Sự Vật nên chỉ đạt một phần nào cái Chân Lý Tương Đối hạn hẹp theo Nghiệp Thức. Ngoài ra khoa học còn là con dao hai lưỡi : vừa trao chuốt đời sống văn minh, tiện nghi hiện đại vừa hủy diệt nhân loại. Chẳng hạn Bom Nguyên Tử có thể giết hàng triệu, thậm chí hàng tỷ con người chỉ cần một cái nhấn nút. Con người với lòng tham không đáy : Tham, Sân, Si, sẵn sàng gây chiến tranh tàn sát lẫn nhau không thương tiếc như các cuộc chiến tranh Tôn Giáo đẫm máu ở Châu Âu và Trung Đông thời Trung Cổ (Crusaders) hay Đệ Nhất và Đệ Nhị Thế Chiến trong thế kỷ 20… Văn Minh Khoa Học cũng để lại những hậu quả tai hại khủng khiếp như : ô nhiễm môi trường sống, làm mất quân bình sinh học khiến thời tiết thay đổi bất thường gây tai họa hạn hán, sa mạc hóa đất đai, lũ lụt, bão tố, cuồng phong, động đất, sóng thần…biết bao nhiêu tai họa khủng khiếp đang rình rập ngày đêm trong cuộc sống nhân loại không có gì là an toàn cả.Tầng lớp khí quyển Ozon (O3) bảo vệ Trái Đất khỏi bị tia cực tím (ultraviolet) từ Mặt Trời bị con người phá thủng nhiều mảng lớn làm cho nhiệt độ Trái Đất nóng lên, băng tuyết ở Nam Cực và Bắc Cực tan ra, nước biển sẽ dâng cao làm ngập chìm nhiều đồng bằng thấp, kho lương thực của nhân loại sẽ bị Biển cướp đoạt, nhân loại sẽ không có đủ lương thực để sống…Ngoài các tai họa về giao thông đường hàng không, đường bộ, chiến tranh khủng bố, chiến tranh nguyên tử, động đất, sóng thần, bão lụt, cuồng phong…còn có cái tai họa về Không Gian cũng rất khó lường mà khoa học khó có thể chế ngự được. Chẳng hạn như hiện có khoảng trên 2000 vẫn thạch (asteroids) và sao chổi (comets) loại lớn mà quỹ đạo của chúng đi ngang qua quỹ đạo của Trái Đất, không biết lúc nào chúng sẽ đụng Trái  Đất, cũng như một sao chổi lọt vào quỹ đạo của hành tinh  Jupiter trong Thái Dương Hệ vào năm 1992 đụng hành tinh này rồi bể ra làm nhiều mảnh, tiếp tục du hành thêm một vòng quanh Jupiter và vòng thứ hai đụng toàn phần và tan rã trên hành tinh này vào năm 1994. Nếu không phải đụng vào Jupiter mà đụng vào Trái Đất vào năm 1994 thì liệu Trái Đất có bị hủy diệt sự sống như cách đây 65 triệu năm tiêu diệt hết sự sống của loài Khủng Long (Dinosaurs) hay không? Cuộc sống của nhân loại nhờ khoa học mà đem lại nhiều tiện nghi hiện đại và xem ra một phần nhân loại cũng đang sống trong cái hạnh phúc vật chất tuyệt vời ấy, có nhiều người còn mơ mộng đây chính là cõi Thiên Đàng, chưa bao giờ nếm mùi khổ lụy. Liệu một trong những tai họa kia có né tránh những con người đang ngủ mê này hay không ? Và liệu họ có trường sanh bất tử để thụ hưởng đời đời những ân sủng tuyệt vời này hay không ? Họ là những người Thực Tế hay là lời cảnh giác của Đức Phật về luật “Vô Thường” và “Sinh, Lão, Bệnh, Tử”  là Thực Tế. Đức Phật từng cảnh giác rằng : Chúng sanh đang sống trong căn nhà lửa, lửa sẵn sàng thiêu đốt chúng sanh bất cứ lúc nào. Có một câu chuyện kể rằng: Có hai vị Thiền Sư đi qua sông, gặp một chiếc thuyền chài đang lưới cá. Mẻ lưới đầy ắp cá đang được kéo lên thuyền. Trong đó có một con cá ra sức vùng vẫy, nhảy thoát khỏi lưới, rớt trở lại sông, bơi lội tung tăng, có vẻ mừng rở, vì mới thoát nạn. Vị Thiền Sư thứ nhất nói: “Con cá giỏi thiệt, chỉ phóng một cái, thoát ra khỏi lưới!” . Vị Thiền Sư thứ hai bèn nói: “Nếu con cá giỏi thiệt, sao lại để bị lưới?.  Chúng sanh cũng vậy, đang ở trong “Căn Nhà Lửa”, mà cứ tưởng đang vui hưởng ngũ dục. “Căn Nhà Lửa” chính là cái Thân Tứ Đại của mình, đang bị lửa thời gian thiêu đốt từng giây, bị lửa tham lam, lửa sân hận, lửa si mê, thiêu đốt với từng cơn Mê. Chúng  sanh bị lưới ngũ dục của thế gian vây chặt không lối thoát, nhưng vẫn tung tăng vẫy vùng bơi lội trong màn lưới Mê mờ đó lại lấy làm thỏa thích vô cùng! Vì mê muội thiển cận chỉ biết cái “Tiểu An” mà bỏ quên cái “Đại An” , chỉ thấy có một kiếp nhân sinh ngắn ngủi như  “bóng câu qua cửa sổ” mà không thấy được vô số kiếp phải bị Nghiệp Quả trói buộc vào vòng luân hồi. Cái hạnh phúc hay Chân Lý mà thế gian hay khoa học đem lại hay khám phá được rất là nhỏ nhoi so với cái hạnh phúc an lạc và cái Chân Lý mà Đức Phật đã tìm ra và chỉ đường cho chúng sanh. Có nhiều lúc khoa học đi đồng hành với Phật Pháp nhưng cuối cùng lại rẽ sang hướng khác, thí dụ như tìm ra Dị Điểm Big Bang và đụng tới cái Chân Không Rỗng Rang-Emptiness rồi lại quay  đầu trở ra cái Ngọn. Khoa học không thể nào kéo dài đời sống con người từ 100 năm dài ra tới 1000 năm hay hơn nữa, do đó phải biết tìm một con đường nào khác, hay một dạng sống nào khác để thoát khỏi cái định luật 100 năm ngắn ngủi này. Nhìn ra không gian rộng lớn, nghĩ rằng có thể có rất nhiều nền văn minh khác với những chúng sanh có thể có đời sống lâu hơn từ 1.000 năm, 20.000 năm, 100.000 năm…tùy thuộc vào đặc tính vật lý và quỹ đạo hành tinh hay đúng ra là tùy thuộc vào Nghiệp Tướng của chúng sanh đó. Cũng như con muỗi nếu chỉ sống có 7 ngày, thì nó phải trải qua tới 5.200 kiếp mới chỉ bằng một kiếp người, loài Người lại nhạo báng nó rằng : Đời sống ngắn ngủi như thế sống để làm gì thật vô ích chỉ để làm thức ăn cho những con vật khác ! Con người cũng chẳng khác gì con muỗi. Có một câu chuyện trong Phật Pháp. Vào một buổi sáng ở một cõi Trời, một cung nữ đi hái hoa vào buổi sáng sớm bị trúng sương nằm bất tỉnh. Thần thức nhập vào cõi Ta Bà và đầu thai sinh ra trong một gia đình khá giả, lớn lên lấy chồng và sinh ra được sáu người con. Một hôm ra đồng vào một buổi sáng sớm lại bị trúng sương nằm bất tỉnh, vừa khi tỉnh dậy chợt nhớ ra mình không phải là người ở Trần gian liền nín thở trở về lại cõi Trời. Vị Vua Trời mừng rỡ cho biết rằng nàng đã ngất xỉu bất tỉnh hết nửa tiếng đồng hồ. Vị cung nữ cũng kể lại : Khi bất tỉnh nằm mơ thấy xuống cõi Ta Bà sinh ra rồi lớn lên lập gia đình và có sáu người con và đã 40 tuổi đời. Một hôm bị trúng cảm và sực nhớ đang sống ở cõi Trời liền định hồn trở lại cõi Trời. Nàng cũng cho biết ở cõi Ta Bà,loài Người chỉ sống có 100 năm. Vị Vua Trời thắc mắc hỏi vị cung nữ : Nếu đời sống quá ngắn ngủn như thế, chắc loài Người ở cõi ấy biết lo Tu và thuần đức lắm thì phải ? Vị cung nữ khua tay : Không đâu, trái lại là đàng khác ! Cõi ấy loài Người vẫn mê muội đủ thứ Tham, Sân, Si thậm chí còn gây chiến, tranh quyền, đoạt lợi, giết hại đồng loại rất thảm khốc, tạo nhiều Nghiệp ác, u mê bám víu vào cảnh Trần rất nặng, khó thoát khỏi số kiếp của họ.

Nếu như nhà Thiên Văn Học Frank Drake ước tính số lượng nền văn minh của chúng sanh khác hiện diện chỉ trong Thiên Hà Milky Way theo công thức : 

                        N=R* FP NE FL FI FC L

          (R* =Tỉ  lệ Sao sinh ra trong Thiên Hà, FP = Tỉ  lệ Sao có hành tinh quay chung quanh, NE =Phần trăm của hành tinh có môi trường sống, FL =Hành tinh với sự sống, FI =Số hành tinh mà sự sống thông minh phát triển, FC = Số hành tinh mà sự sống thông minh có thể truyền đạt, L=Khoảng cách đời sống của những nền văn minh truyền đạt, nền văn minh đó dài bao lâu).

          Với công thức này thì Dải Ngân Hà (Milky Way) của chúng ta có từ 100 đến 100 triệu nền văn minh. Cả vũ trụ có khoảng 200 tỷ Thiên Hà. Như vậy toàn thể vũ trụ có khoảng từ 20.000 tỷ đến 20 tỷ tỷ chúng sanh với nền văn minh khác nhau, nhưng người Địa Cầu không liên lạc được với họ vì ở quá xa, ngoài khả năng của người Địa Cầu. Như vậy cái Văn Minh Khoa Học của chúng ta giống như bị giam hãm trong cái ốc đảo ngục tù hẻo lánh và không chừng có những nền văn minh cao hơn chúng ta gấp trăm  gấp ngàn lần. Tuổi thọ của người Không Gian hay loài Trời có thể cao hơn chúng ta rất nhiều. Điều này trong Kinh Phật có nói đến vô số thế giới và có những loài Trời sống lâu cả 100.000 năm hay hơn nữa so với người Địa Cầu. Tuy nhiên tất cả đều là Mê kể cả loài Trời vẫn bị luân hồi trong sáu cõi : (Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh, Nhân, A Tu La, và Thiên) và tất cả vẫn nằm trong Nghiệp Lực. Loài Trời và loài Người đều nhìn về hình tướng Sự Vật để tìm Chân Lý thì cũng giống như : mò Trăng đáy nước. Tuy loài Trời có văn minh, sống lâu vì có nhiều phước báu hơn loài Người , nhưng vẫn còn Mê nơi Sự, nơi Cảnh và tham Dục hưởng thụ, chưa có Công Đức tu hành nên vẫn bị luân hồi. Ngay cả cái Chân Lý mà loài Trời khám phá ra được tuy vượt loài Người rất xa, nhưng cũng chỉ là cái Chân Lý theo Nghiệp Tướng của loài Trời vẫn còn là Mê và chỉ là ảo tưởng. So với loài Trời thì cái Văn Minh Khoa Học và cái Chân Lý Khoa Học của người Địa Cầu tìm ra lại càng ấu trĩ và nhỏ bé biết là bao. Như vậy nếu chấp vào khoa học để được cái Tiểu An, cái Tiểu Văn Minh hay cái Chân Lý ảo vụn vặt mà để Cảnh Trần và Gió Nghiệp cuốn trôi vào sáu cõi luân hồi thì quả thật là quá Mê và không có trí tuệ. Cả  cái vũ trụ bao la với vòng luân hồi : Thành, Trụ, Hoại, Không. hay cái sinh cái tử của một Ngôi Sao, của một Mặt Trời, cái cách chết của một Siêu Sao cho đến cái Dị Điểm Big Bang để sinh ra vũ trụ, rồi đến cái Đại Thời Kỳ chung kết Big Crunch vật chất tan rã và vũ trụ trở về cái Không, tất cả đều do cái  Ma Ha Bát Nhã làm ra. Nó làm phải làm trái con người mù tịt, nó làm ngược rồi làm xuôi cả loài Trời cũng không biết nổi :

                                     “Hoặc thị hoặc phi, Nhân bất thức

                                       Nghịch hành thuận hành, Thiên mạc trắc”.

          Tóm lại, muốn tìm cái Chân Lý thực sự thì phải tìm nơi cái: “ Vô Tướng” tức là nơi cái Không, cái Rỗng Rang - Emptiness, cái Rỗng Thênh Không Thánh mà Chư Phật, Chư Tổ và Thiền Sư đã tìm ra và chỉ đường cho chúng sanh hậu thế.

                                     “Diệu Tánh Hư Vô bất khả phan,

                                       Hư Vô Tâm Ngộ đắc hà nan.

                                       Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận,

                                       Liên phát lô trung thấp vị càn”. (Thiền Sư Ngộ Ấn-VN)

                                     (Diệu Tánh Rỗng Không chẳng thể vin,

                                      Rỗng Không Tâm Ngộ việc dễ tin.

                                      Tươi nhuần sắc ngọc trong núi cháy,

                                      Lò lửa Hoa Sen nở thật xinh.)

          Thiền Sư Linh Thảo cũng vậy, ngộ nơi cái Hư Không với cái ý chỉ Bồ Đề  Đạt Ma từ Tây Thiên đến, cho nên vác gậy quơ ngang chỉ cái Hư Không: “Rỗng Thênh Không Thánh”:

                                     “Phóng khước ngưu thằng tiện xuất gia

                                      Thế trừ tu phát trước cà sa

                                      Hữu nhân vấn ngã Tây lai ý

                                      Trụ trượng hoành khiêu la lí la”.

                                     (Vứt bỏ dây chăn rồi xuất gia

                                      Cạo râu cạo tóc khoác cà sa

                                      Có ai hỏi ý từ Tây đến

                                      Vác gậy quơ ngang la lí la.)

          Nếu các nhà Bác Học thế gian bỏ quên cái Gốc ( là Hư Không) chỉ chú ý tới cái Ngọn( là Sự Vật) để tìm Chân Lý, nghĩa là chỉ nghiên cứu trên Sự Vật suông và trụ nơi Sự Vật cũng giống như đi mò Trăng đáy nước và trụ nơi cái Bóng Trăng dưới nước tưởng là Mặt Trăng thật thì không bao giờ gặp được Chân Lý. Người biết Đạo và đi tìm Đạo, biết dựa vào tấm bản đồ chỉ đường của Chư Phật, Tổ và Thiền Sư, nhìn Bóng Trăng biết chắc là có Mặt Trăng thật, không chấp, không trụ nơi Bóng Trăng, nhưng biết nương vào Bóng Trăng phăng tìm ra Mặt Trăng thật. Rất tiếc cho các nhà Bác Học thế gian nhìn thấy Bóng Trăng, quan sát nó, phân tích nó một cách tỉ mỉ, hiểu biết về nó, rồi lại trụ vào nó, chấp vào nó, cho là  Chân Lý thì đây chỉ là cái Chân Lý ảo mà thôi. Chính Đức Phật, Tổ và Thiền Sư trao tấm bản đồ chỉ đường chính xác, hay biết bao nhiêu Tàng Kinh đồ sộ phân tích Đạo Lý cao siêu, cùng huyền cực lý chỉ rõ Chân Lý mà các Ngài vẫn cho biết đó chỉ là “ngón tay” để chỉ Mặt Trăng, không phải là Mặt Trăng thật, nhưng phải nương vào đó để truy tìm Mặt Trăng thật. Tấm bản đồ và Tàng Kinh của Phật, Tổ và Thiền Sư chỉ ngay cái Gốc để tìm Chân Lý. Tuy nhiên chúng sanh nhiều căn cơ, nhiều trí tuệ, nhiều nghiệp chướng sâu dầy khác nhau cho nên Phật, Tổ bất đắc dĩ phải chỉ ở cái Ngọn nhưng lại hướng về Gốc. Trong khi các nhà Bác Học từ Ngọn lại hướng ra cái Ngọn, nghĩa là từ Sự Vật lại hướng ra Sự Vật, chứ không hướng về cái Gốc Chân Không-Rỗng Rang-Emptiness sinh ra cái Dị Điểm Big Bang mà họ cho là cái cuối cùng: nguồn gốc của vũ trụ. Các nhà Bác Học “nhìn ra” cái Ngọn Tâm, từ Sự Vật ra Sự Vật trùng trùng duyên khởi vô lượng vô biên Sự Vật, giống như vào Biển đếm cát, không thể nào xong việc và đạt đến Chân Lý. Chẳng hạn như ở thế kỷ 19, các nhà Bác Học cho rằng Dải Ngân Hà ( Milky Way) là Vũ Trụ vì nó quá rộng lớn chứa hàng trăm tỷ Hệ Mặt Trời. Qua thế kỷ 20, nhờ có kính thiên văn Hubble rất tối tân, con người quan sát kỹ hơn thì thấy Milky Way không phải là Vũ Trụ mà chỉ là một Thiên Hà (Galaxy) nhỏ bé, Vũ Trụ còn rộng lớn hơn thế nữa với hàng trăm tỷ Thiên Hà giống như Milky Way do một Dị Điểm Big Bang nổ ra. Bây giờ người ta lại còn nghĩ rằng không phải chỉ có một Dị Điểm Big Bang mà có thể có vô số Dị Điểm Big Bang hay vô số Vũ Trụ (thuyết đa Vũ Trụ)!...Trong khi cái Thái Dương Hệ bé nhỏ của chúng ta (ví như hạt bụi so với Vũ Trụ bao la) với 8 hành tinh và 1 quả Địa Cầu mà chúng ta đang sống, các nhà Bác Học không gian đang mò mẫm giống như người Mù đi trong bóng đêm; bây giờ càng nhìn ra sự vật, sự vật lại hiện ra trùng trùng với hàng ngàn hàng tỷ tỷ những “bí ẩn” khác làm cho con người điên đảo, mù tịt và hoàn toàn bất lực. Những cái “bí ẩn” này là do ‘‘Ma Ha Bát Nhã’’ làm ra, do cái Gốc Rỗng Rang-Emptiness làm ra, nó là nhà ảo thuật đại tài, biến hóa ra muôn hình, muôn sắc, muôn tượng : “Không tức thị Sắc” . Do đó, nếu không thể bạo dạn: “Thẳng tận đầu nguồn phăng dấu Phật”, như Thiền Sư Huyền Giác đã chỉ, mà đang ở nơi Ngọn nhưng biết hướng về Gốc và phải dò tìm, truy cứu, tham cứu, phăng cho tới tận Gốc thì cũng đến được Chân Lý và khi đó mới chợt hiểu ra rằng : “Sắc bất dị Không-(Sắc chẳng khác với Không). Tuy nhiên biết “Không” vẫn chưa đủ, còn phải nhập “Không”  mới là về tới nhà. Vì biết “Không”  dù cao siêu cách mấy thì vẫn còn ở trên đầu lưỡi hay văn tự suông mà cần phải nhập Tâm cho đến rốt ráo tận đầu nguồn Tâm :

                                      “Rõ ràng trên giấy Trương Công Tử,

                                        Tận lực to lời, gọi chẳng ừ”.(Bích Nham Lục).

          Do đó Kiến Giải vẫn là Kiến Giải, chỉ là văn tự suông nó chỉ thực sự có lợi ích khi nhận ra cái Không và ngộ nhập vào Không mới là chỗ đến cuối cùng và khi đó liền đạt đến vô sanh, xong hết mọi việc và mọi sự đều rõ ràng, sống an nhiên, tự tại :

                                     “Kiến Giải trình Kiến giải,

                                       Tự niết mục tác quái.

                                       Niết mục tác quái liễu,

                                       Minh minh thường tự tại”. (Tuệ Trung Thượng Sĩ).

                                       (Kiến Giải trình Kiến Giải,

                                       Tự dụi mắt làm quái.

                                       Dụi mắt làm quái xong,

                                       Rõ ràng thường tự tại).

         Một khi đã “Rõ ràng thường tự tại” đạt tới vô sanh thâm nhập căn nhà Bát Nhã rồi thì không còn nhiễm ô bởi Sáu Trần dù cho “gót chân” có dính đất của Sáu Trần, Hoa Sen vẫn nở và vẫn tươi trong lửa đỏ.

Minh minh thường tự tại,
  Diệc niết mục tác quái.
  Kiến quái bất kiến quái,
  Kỳ quái tất tự hoại”.
(Vua Trần Thánh Tông)

(Rõ ràng thường tự tại
 Cũng dụi mắt làm quái
 Thấy quái chẳng thấy quái
 Quái ấy ắt tự hoại).

          Cái Rõ ràng thường  tự tại này đến nhanh hay chậm còn tùy thuộc nơi hành giả và con muỗi muốn cắn Trâu Sắt sẽ không có chỗ để cắm mỏ, do đó cần phải có tấm bản đồ chỉ đường  của Chư Phật, Tổ và Thiền Sư. Hoặc vừa có tấm bản đồ vừa có sự chỉ dạy hướng dẫn và khai thị trực tiếp của một vị thầy ngộ Đạo. Tuy nhiên có được tấm bản đồ là một lẽ, còn tùy cách nhìn vào bản đồ và phải có cái Tâm tương ưng cùng tần số để nhận ra Đạo. Cũng vì lẽ đó mà Cư Sĩ Bàng Long Uẩn phải thốt ra : “Nan nan nan, thập tạ du ma thọ thượng thang”- (Khó khó khó, mười tạ dầu mè trên cây vuốt !). Khoa Học thì nhìn về Gốc rồi lại bỏ Gốc nhìn ra cái Ngọn, Phật Pháp thì nhìn vào Thân Tâm xem như là Gốc (phản quang tự kỷ), vì Thân cũng chính là Tâm. Nhưng Tâm không phải chỉ  là Thân mà là trùm khắp từ hạt bụi, từ nguyên tử cho đến tàng cây, đám mây, sơn hà đại địa, cả hư không và vũ trụ bao la. Do đó phản quang tự kỷ lại còn là nhìn ra Sự Vật và cái nhìn vềGốc Tâm lại dường như là nhìn ra Sự Vật hay nhìn ra Ngọn Tâm giống như các nhà Khoa Học. Tuy nhiên không phải vậy, vì nhà Khoa Học chấp vào Sự Vật để phân tích khám phá Chân Lý nơi Sự Vật về Hình Tướng ; còn Phật Pháp hình thức thì cũng giống như nhìn ra Sự Vật, nhưng không chấp không dính nơi Hình Tướng Sự Vật mà nương nơi Sự Vật  để nhận ra cái Rõ, cái Ánh Bát Nhã ẩn hiện nơi Sự Vật, tức là cái tuyệt cùng ở nơi Sự Vật hay cái Vô Vi, cái Gốc Tâm ẩn nơi Sự Vật ; như vậy theo đúng nghĩa lại là nhìn về hay nhìn vào Gốc Tâm. Vì nhận ra được cái Ánh Rõ nơi Sự Vật này mà Bà Bàng Long Uẩn lại nói : Dị dị dị, bách thảo thượng đầu Tổ Sư ý- (Dễ dễ dễ, trên đầu trăm cỏ ý Tổ Sư). “Nhìn ra” như nhà Khoa Học để nhận ra Chân Lý tương đối của Khoa Học thì rất chậm có khi dài cả thế kỷ hay hơn, “nhìn vào” như Phật Pháp thường tình thì cũng khá chậm vì phải quán chiếu, tư duy, dò tìm, truy tầm và nhanh hay chậm còn tùy theo căn cơ của chúng sanh. Trong  khi sự khai thị đột biến của Chư Phật và  Thiền Sư hay tự nơi hành giả khi gặp một cơ duyên bất chợt nào như khi nghe một tiếng động, nhìn một cành hoa, thấy một cái bóng dưới nước, chợt té ngã…v…v…  thì lại có cái “nhìn tắt” nghĩa là không nhìn ra mà cũng không nhìn vào hay nhìn về, cái nhìn này nhanh gọn ở ngay trên sự vật hoặc ngay nơi âm thanh hay tiếng động, sáu căn không kịp hay không khởi một niệm nào cả và chỉ trong một sát na là xong việc : Sắc tức thị Không. Ngay đó nhận Tự Tánh hay Bát Nhã. Ngay đó nhận ra cái Gốc Tâm, thấy Tánh thành Phật.   

                                     Vạch tét cửa mặt

                                       Che đậy Càn Khôn

                                       Hẳn phải tiến lấy

                                       Vượt khỏi căn trần”.( Thiền Sư Quế Sâm).

          Ở đây không đề cập tới ngũ nhãn (nhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn, pháp nhãn và Phật nhãn), vì hành giả là người đang tìm Đạo chưa có thể có cái nhìn của thiên nhãn hay Phật nhãn…mà chỉ nhìn bằng nhục nhãn tức con mắt của phàm phu. Nhưng thông qua nhục nhãn mà có một cách nhìn khác, giống như nhà Khoa Học cũng dùng con mắt phàm phu nhưng thông qua kính hiển vi hay kính thiên văn thì lại có kết quả khác siêu việt hơn nhiều. Cái nhìn bằng Trí, cái nhìn bằng Tâm có khác hơn là cái nhìn chỉ duy nhất chấp vào Nhục Nhãn. Cái nhìn với “con mắt Hữu” chấp vào Hình Tướng của Sự Vật, khác với cái nhìn của “con mắt Vô” nhìn trên cái “Vô Tướng” của Sự Vật. Do đó cái nhìn tuy là phàm phu nhưng “nhìn ra bằng mắt trong khi tập trung cả sáu căn” như khi đọc hay tham cứu một đoạn Kinh hay một Luận Thuyết. Chẳng hạn như Thiền Sư Liễu Quán thắc mắc với câu: “Vạn pháp qui Nhất, Nhất qui hà xứ”-(Vạn vật qui về Một, Một qui về đâu?). Ngài cố gắng hỏi vị  Sư Huynh, nhưng không được trả lời hay giải thích. Ngài lên núi tìm nơi vắng vẻ ở một mình. Mãi tới chín năm sau, khi tham cứu sách Bích Nham Lục, lúc đọc được tới câu: “Vạn pháp qui Nhất, Nhân qui hà xứ”-(Vạn vật qui về Một, Người  qui về đâu?), tức thì liễu ngộ. Hoặc nhìn “bằng lỗ tai” như Thiền Sư Trí Nhàn, đang cuốc đất, lượm một hòn sỏi liệng vào gốc tre, khi nghe tiếng dội ra, tức thì liễu ngộ. Hoặc  “nhìn thong thả, nhẹ nhàng với tư thế thoải mái, thả lỏng sáu căn” vào một đám mây, một ngọn núi, một tàng cây…tuy nghỉ ngơi nhàn hạ nhưng có một chút để Tâm nhè nhẹ vào chỗ Như Như Tịch Tịch, giống như người đi câu đang đợi cá đớp mồi, tuy lặng yên nhưng nếu nghe thấy mồi  động mạnh thì liền đó giật câu. Ngồi thả lỏng sáu căn “nhàn khán” vào Sự Vật tuy là nhìn ra Ngọn Tâm nhưng biết đâu cái Gốc Tâm lại ẩn nơi cái Ngọn Tâm là Sự Vật! Chính nơi Sự Vật, cái Ánh Bát Nhã tức cái Rõ hay Gốc Tâm, Chân Tâm đang ẩn nấp lẫn lộn trong cái Thấy ngay trên Sự Vật. Khi Thân Tâm lặng yên tương đồng cùng tần số với cái Rõ nơi Sự Vật, giống như Sóng Nghiệp, Sóng Vô Minh hay Sóng Vọng Tưởng lặng yên hoàn toàn trong Thân Tâm, trở về với Thân Không, Tâm Không (khác với Tâm vô ký hay ngoan không) cũng như Sóng lặng yên trở về Nước, tức thì Gương Sáng hay Phật Tánh hiện bày nơi Thân Tâm. Khi Sóng đang yên dần nhưng còn vi tế chưa hẳn là Nước, chưa hẳn là Gương nhưng nó bắt đầu phản chiếu: tức là cái Ánh Rõ từ từ hiện ra trên Sự Vật rồi tức thì trùm khắp Hư Không, tức thì cả một Bầu Trời Rõ hiện ra, cả Thân Tâm ngộ nhập vào đó và thẳng luôn vào Tánh hay Bát Nhã. Nếu chỉ dừng lại nơi Bầu Trời Rõ thì chỉ là đang ở nơi Mặt Trăng thứ hai, chưa phải là Triệt Ngộ nhưng cũng đã đạt tới Vô Sanh, nếu thẳng luôn vào Tánh, thì mới là Triệt Ngộ . Cũng như Chiếc Máy Truyền Hình bắt đúng chính xác Tần Số Bát Nhã thì Bát Nhã tức thì hiện ra nơi Màn Ảnh hay Tâm Thức; còn như tần số gần sát nhưng chưa chính xác thì còn bị rè hay mờ, tức là chỉ nhìn thấy được cái Ánh Rõ của Bát Nhã. Ngay khi đó Cánh Cửa Bát Nhã hay Cửa Vô Vi đang mở ra, liền nhảy thẳng vào Đất Như Lai:

                                     “Tranh tự Vô Vi Thực Tướng môn,

                                       Nhất siêu trực nhập Như Lai Địa”. (Thiền Sư Huyền Giác).

                                      (Sao bằng tự cửa Vô Vi ấy,

                                       Một nhảy thẳng liền Đất Như Lai).

           Hay như cái “nhìn nhàn rỗi lặng yên” vào bất cứ Sự Vật gì như nhìn làn khói nhỏ trên núi Côn Lôn, Tâm vọng đến rồi tự đi mặc kệ không cần để ý tới, chẳng cần niệm Phật hay ngồi Thiền gì cả như cái nhìn của Tuệ Trung Thượng Sĩ. Hoặc “nhìn bao quát không chú ý vào một điểm nào và lặng yên” như Triệu Biện, một vị quan đang ở công đường trong lúc rảnh rỗi nghỉ ngơi, cả sáu căn lặng yên như dòng suối trong đang ngưng đọng, bỗng nhiên nghe tiếng sấm nổ, tức thì liễu ngộ. Thật ra tất cả cái nhìn này phải có cái Tâm tương ưng : tức phải thực Tâm khao khát muốn đi cầu Đạo Giải Thoát, phải trực Tâm, thuần đức, tinh khiết, thiêng liêng, cùng một tần số mới có thể nhập vào Đạo. Và khi đã liễu ngộ rồi thì lại có cái nhìn khác.Chẳng hạn có một hành giả đi tìm Đạo, khi chưa biết một chút gì về Đạo thì nhìn thấy: “núi sông là núi sông”. Khi cùng Thiện Hữu Tri Thức học Đạo được 30 năm rồi thì thấy: “núi sông không phải là núi sông”. Và bây giờ khi Liễu Đạo rồi thì thấy: “núi sông vẫn là núi sông”. Đây là cái nhìn hay cái thấy: “Pháp nhĩ như thị” của người ngộ Đạo. Cái nhìn của thi sĩ Tô Đông Pha khi ngộ Đạo rồi cũng vậy: 

 “Lô Sơn yên tỏa Triết Giang triều
   Vị đáo sanh bình hận bất tiêu
   Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự
   Lô Sơn yên tỏa Triết Giang triều”.

 (Khói tỏa non Lô, sóng Triết Giang
  Khi chưa đến đó luống mơ màng
  Đến rồi, hóa cũng  không gì khác!

  Khói tỏa non Lô, sóng  Triết Giang).

        Cái “nhìn tắt” của Chư Phật hay Thiền Sư, không kể Ngọn hay là Gốc, vì với con mắt Bát Nhã: Ngọn cũng là Gốc: ngay trên Sự Vật, không nhìn ra, không nhìn vào, mà “nhìn ngang” tức nhìn tắt ngang, cái nhìn tắt, nhìn thẳng , nhìn trực tiếp, là cái nhìn của Tổ Bồ Đề Đạt Ma có ẩn giấu điều gì bí mật: “Trực chỉ Nhân Tâm, kiến Tánh thành Phật”. Cái gọi là “Trực chỉ Nhân Tâm” tức là chỉ thẳng Tâm Người và Tâm Người ở đây không chỉ là ở trong Thân mà ở cả ngoài Thân, đi hết đường Tâm đến cái rốt ráo từ hạt bụi cho đến Sự Vật ngoài Thân cũng chính là Tâm Người, Tâm Người và Tâm của Sự Vật, Tâm của cả Vũ Trụ và Hư Không là bình đẳng, là Một. Cũng vậy, Thân Người, Thân của Sự Vật, Thân của cả Vũ Trụ và Hư Không là bình đẳng, là Một, chính là Pháp Thân. Khi Lục Tổ Huệ Năng thấy cơ duyên độ sanh hoằng dương Phật Pháp đã tới, liền đến một ngôi chùa để xuất gia, thấy hai vị Tăng đang cải nhau về Lá Phướn trên cây cột cờ: một vị thì cho rằng: Lá Phướn động”, vị khác lại cho là: “Gió động. Trong Pháp hội Tổ tiến đến nói với hai vị Tăng: Không phải Gió động, không phải Phướn động, Tâm nhơn giả động. Vì Tâm của hai vị Tăng động nên mới cải nhau về Lá Phướn, Phướn động hay Gió động thì mặc kệ, tại sao phải dính vào Cảnh để động Tâm. Đó là Tâm Mê chạy theo Cảnh. Phướn, Gió và Tâm của hai vị Tăng đều động, tại sao Tổ nói chỉ có Tâm của hai vị Tăng là động, còn Phướn và Gió đều không động? Thật ra hai vị Tăng với Tâm Mê đang động nên chỉ thấy trên cái “Tướng động” của Phướn và Gió mà không thấy cái “Tướng không động” của Phướn và Gió. Cái “Tướng không động” này của Phướn và Gió cùng  Cái “Tướng Chân Thật” của Tâm hai vị Tăng là Một. Tổ chẳng phải trách móc hai vị Tăng có Tâm động, mà Tổ muốn khai thị:  Chính Lá Phướn và Gió là Tâm của hai Vị và nó thực sự không “động”, vi` Tâm của hai Vị  đang “Mê” nên “động” và thấy nó “động””. Tâm của hai vị Tăng và Lá Phướn là Một, thấy Lá Phướn là Lá Phướn và thấy nó động thì chỉ thấy trên Hình Tướng và cái “Tướng động” của Lá Phướn là cái thấy của người Mê. Phải thấy cả hai mặt Thể và Dụng của Sự Vật mới là cái thấy rốt ráo, chấp Dụng mà bỏ Thể thì cũng giống như  chỉ nhìn Bóng Trăng mà quên đi Mặt Trăng thật. Nước động thì Bóng Trăng trên mặt nước động, còn Mặt Trăng thật thì “không động”. Trong Kinh Lăng Nghiêm khi Phật khai thị cho Tổ A Nan về Tâm với ba cái thấy: Cái thấy: “Tâm và Cảnh phân biệt” của phàm phu, cái thấy Tâm và Cảnh phi đồng phi dị của người mới hiểu Đạo, và cái thấy: Tâm và Cảnh Nhất Như của Chư Phật và Bồ Tát. Tâm của hai vị Tăng và Lá Phướn là Nhất Như, là Một. Nhưng cả hai vị Tăng không Ngộ trên cái lý lẽ này mà vẫn ở trong Mê với cái Tâm Mê đang “động”: “Đa Sự nơi Tâm, Đa Tâm nơi Sự”. Còn cái thấy của Lục Tổ là cái thấy rốt ráo của con mắt Bát Nhã, thấy tức thì: “Sắc tức thị Không”, Sắc tức Chân Tâm,  Sắc tức Chân Không, Sắc tức cái Rõ, Sắc tức Bát Nhã, Sắc tức Pháp Thân  bình đẳng và bao trùm cả Hư Không. Nhìn Hư Không (ngoài Sự Vật) thì cũng vậy: “Không tức thị Sắc”, Không tức Chân Sắc, Không tức cái Rõ, Không tức Bát Nhã, Không tức Pháp Thân  không Thân, bình đẳng và trùm khắp. Đây là Cánh Cửa Thiền vi diệu mà Thiền Giả phải nhảy qua khi Phật, Tổ và Thiền Sư khai thị đột biến; hay chính nơi Thiền Giả gặp một cơ duyên đột biến nào đó trong một sát na : Cửa Tâm và Cửa Bát Nhã cùng mở ra một lượt, ngộ nhập làm Một. Qua được Cửa là Ngộ, qua không lọt là vẫn còn Mê.

                                     “Tranh tự Vô Vi Thực Tướng môn,

                                       Nhất siêu trực nhập Như Lai Địa”. (Thiền Sư Huyền Giác).

                                      (Sao bằng tự cửa Vô Vi ấy,

                                       Một nhảy thẳng liền Đất Như Lai).

          Như vậy, nếu chưa sẵn sàng để nhìn tắt : Sắc tức thị Không, đang ở  nơi Ngọn mà chưa có thể nhận ngay nơi Ngọn là Gốc Tâm thì phải biết cách truy tìm : ngay trên Ngọn Tâm mà không nhìn ra Ngọn Tâm “nhìn về” Gốc Tâm; ngay trên Sự Vật mà không nhìn ra Sự Vật, “nhìn về” Gốc Sự Vật; ngay trên cái Dị Điểm Big Bang mà không nhìn ra vũ trụ, “nhìn về” cái Gốc sinh ra Big Bang; ngay nơi nguyên tử  mà không nhìn ra vật chất, “nhìn về” cái Gốc sinh ra nguyên tử thì chắc chắn phải gặp Đạo Lý Giải Thoát hay Chân Lý.

         Thật ra Đạo Lý Giải Thoát bao trùm từ Vật Chất cho tới Hư Không vô tận, từ Sắc tới Không, từ Không tới Sắc, từ hạt không gian vi tế vô cùng nhỏ, hạt quark, hạt electron, tới nguyên tử, phân tử cho tới các hành tinh, thiên hà và vũ trụ bao la. Chẳng hạn như lấy một nguyên tử là vật chất nòng cốt tạo ra vũ trụ, vì nó là một tế bào căn bản của vũ trụ. Vũ trụ là một tập hợp của tất cả nguyên tử hiện hữu trong Hư Không: VT=∑(nguyên tử), [Sigma nguyên tử].Do đó chỉ cần thấy được Đạo Lý Giải Thoát trong một Nguyên Tử là có thể thấy được Đạo Lý Giải Thoát của cả vũ trụ. Một nguyên tử là một vũ trụ nhỏ, một thế giới nhỏ mà các hạt electron (âm điện tử) được xem như những cá thể Người sống trên quỹ đạo của cuộc đời, quay quanh một nhân cứng chứa những proton mang điện tích dương được xem như là Nghiệp. Thân Báo và Nghiệp Báo hút nhau bởi lực âm-dương giữa Thân và Nghiệp hay giữa các electrons và nhân nguyên tử. Các electrons này bị cột chặt với nhân theo quỹ đạo nhất định, không thể nào thoát ra được cũng như chúng sanh bị Nghiệp trói chặt. Định Nghiệp này cũng áp dụng cho electron bắt buộc phải quay chung quanh nhân mãi mãi với bán kính không đổi theo công thức: Rn=h2n2/me2Z  (h: hằng số Planck, n: chỉ số quỹ đạo electron, m: khối lượng, e: điện tích electron, Z: số hiệu nguyên tử). Đức Phật có nói đến hạt vi tế (hay nguyên tử) chia ra làm 7 phần. Có lẽ đây là cách nói khái quát? Hay Đức Phật muốn nói đến 7 lớp vỏ, 7 lớp quỹ đạo electron? Trong cái Pháp giới duyên khởi Cõi Ta Bà, vật chất đầu tiên là nguyên tử Hydrogen duyên khởi sinh ra các tướng nguyên tử khác để thành lập vật chất sơn hà đại địa, các nhà Bác Học nguyên tử cho đến thời điểm đầu thế kỷ 21 đã tìm thấy được 110 nguyên tố: từ Hydrogen có 1 electron đến nguyên tố Unununium có 110 electrons; là vật chất nặng nhất; có 7 lớp vỏ. Con số 7 này có lẽ đặc biệt dành cho Quả Địa Cầu và chúng sanh tại đây. Có thể ở Cõi nào khác, nguyên tử vật chất có nhiều hơn hoặc ít hơn 7 lớp vỏ. Thật ra nguyên tử vật chất ở Địa Cầu và trong Không Gian hiện tại có từ 1 đến 7  lớp “quỹ đạo electron” chính bao quanh một “nhân” cứng vô cùng nhỏ, giống  như “nhân” nguyên tử “mặc” tới 7 lớp “áo” quỹ đạo, hay 7 lớp “vỏ” quỹ đạo. Chỉ số quỹ đạo này từ vật chất nhẹ nhất là nguyên tử  Hydrogen chỉ có 1 lớp quỹ đạo: n=1 với hình trạng electron (electron configuration) là (1s1 ); Lithium(Li) nguyên tử số là 3, có 2 lớp quỹ đạo: 1s22s1;…Sodium(Na) nguyên tử  số là 11, có 3 lớp quỹ đạo: Neon[Ne]3s1…Những nguyên tử nặng bắt đầu từ Francium(Fr) với nguyên tử số là 87 , hình trạng electron là: Radon[Rn]7s1;…Uranium(U) nguyên tử số 92 với [Rn]7s25f36d1;…cho tới nguyên tử nặng nhất là Unununium(Un),  nguyên tử số là 110 với [Rn]7s25f146d8  tất cả đều có 7 lớp quỹ đạo chính với n =1 tới 7; mỗi tầng quỹ đạo chính còn có 4 phụ tầng: s,p,d,f  xác định rõ cấu trúc và số electrons hiện hữu trong  mỗi quỹ đạo. Những electrons vòng trong gần nhân hơn, lực hút với nhân càng lớn, giống như Nghiệp càng nặng thì càng khó giải thoát. Những vòng tròn quỹ đạo cố định này như là những vòng luân hồi và sự có mặt của nguyên tử là thế gian là đời sống của các electrons, do nhân duyên và Nghiệp lực tương ứng giữa nhân nguyên tử  (Nghiệp) và electrons (chúng sanh người). Nếu không có một “nhân duyên lớn” nào tác động thì các electrons vẫn mãi mãi chịu luân hồi theo những vòng quỹ đạo của Nghiệp lực định sẵn. Tuy nhiên nhờ một “năng lượng đặc biệt” thâm nhập vào Thân Tâm, bản thân electron nhảy qua những quỹ đạo vòng ngoài ít trói buộc hơn với nhân,  nghĩa là năng lượng cao hơn với quỹ đạo tương ứng với công thức: En= -me4Z2/2h2n2. Khi tiếp nhận những năng lượng En này đến mức độ cần và đủ thì electron tách rời khỏi nhân, tức rời khỏi Nghiệp, được giải thoát thành dòng điện đầy năng lực (electron thành electricity) thành điện năng, quang năng, cơ năng, động năng, hóa năng…thần thông diệu dụng tùy cơ biến hóa ra âm thanh, sắc tướng, muôn màu, muôn vật hoặc trở thành photon ánh sáng, hoặc thành sóng điện từ tung hoành trong khắp không gian vũ trụ bao la, hoặc trở thành các hạt không gian vi tế hòa vào Bản Tế Chân Không. Với chúng sanh cũng vậy, khi tiếp thu được năng lượng Phật Pháp hay năng lượng Bát Nhã cần và đủ, là Giải Thoát sinh tử, ngộ nhập Chân Như Niết Bàn. 

         Nhìn sâu vào nguyên tử thấy được Đạo Lý Giải Thoát từ những hạt electrons được giải thoát. Nhìn ngược về cái gốc cấu tạo nên nguyên tử vật chất cũng thấy được Đạo Lý nầy. Chẳng hạn, nhìn ngược trở vào tức nhìn vào” sâu hơn từ lớp ngoài vào  lớp trong cuối cùng hướng về gốc để phân tích chia chẻ bên trong nguyên tử từ những hạt electrons, protons, neutrons… thì gặp những hạt cơ bản quarks  , rồi tới lớp sâu hơn tiếp tục phân tích bên trong những hạt cơ bản quarks thì gặp  cái vi tế mà Kinh Kalacakra gọi là hạt không gian và cuối cùng huốt luôn  hạt không gian đụng tới cái “Vô Vi” là cái Gốc rốt ráo: cái Bản Thể Chân Không tuyệt đối - cái Rỗng Không -Emptiness - là Đạo Lý Giải Thoát. Như vậy Đạo Lý rõ ràng ẩn nấp nơi vạn tượng và bao trùm khắp Hư Không: 

                                     “Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc.

                                       Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”.  

          Nước tức là Sóng, Sóng tức là Nước, Nước và Sóng bất tức bất ly. Sắc tức là Không, Không tức là Sắc, Sắc và Không bất tức bất ly. Nhìn sâu vào Sắc hay Vật Chất, đây chính là Sóng. Nếu Kinh Kalacakra nói rằng khi Nghiệp lực chúng sanh chín muồi thì hạt không gian kết tụ thành vật chất (Đất, Nước, Gió, Lửa).Thật ra hạt không gian này Đức Phật tạm gọi là “hạt” để có tên gọi chỉ là phương tiện, nó không phải là vật chất, hay là hạt, mà chính là Sóng Nghiệp hay Sóng Vô Minh vi tế còn ở trạng thái Tiềm Năng chưa hiện ra “tướng sóng ” hay “tướng hạt” vì chưa có đủ duyên nên nằm im nơi Bản Thể. Cái Bản Thể ở đây cũng chính là cái “Tự Tánh hay sanh muôn Pháp mà Lục Tổ Huệ Năng đã chứng ngộ ; Tự Tánh này cũng đồng với Phật Tánh, là Chân Như, là Bát Nhã, là Không hay Chân Không… Ở đây Phật học và khoa học có vẻ như tương đồng. Nếu kết hợp giữa Phật học và khoa học, ta có thể nói: khi Nghiệp Thức hay Vô Minh khởi động thì Cái “Tiềm Năng” vi tế nổi lên thành Sóng, giống như biển động nổi sóng, rồi TÁC với nhau thành các hạt cơ bản quarks. Khi có quarks xuất hiện mới có cái tướng “vừa sóng vừa hạt” cũng gọi là “hạt sóng” (wave particles) cho đến khi thành nguyên tử thì mới thành “hạt” vật chất : Đất, Nước, Gió, Lửa. Rốt ráo lại, trong thế giới Hữu Vi, nguyên liệu gốc làm ra vật chất từ nguyên tử cho đến vũ trụ chính là SÓNG : Sóng Nghiệp hay Sóng Vô Minh vi tế. Sóng cũng chính là năng lượng là vật chất ở một dạng thể khác được nhà Bác Học Albert Einstein chứng minh với công thức: E=MC2. Trong đó : E(energy) là năng lượng, C(velocity) là vận tốc ánh sáng với  C=300.000 km/giây và M(mass) là khối lượng vật chất. Thực tế thế gian này là sóng, tất cả đều là sóng: vật chất cấu tạo bằng sóng. Đất, Nước, Gió, Lửa cấu tạo nên thân người, thân vật và sơn hà đại địa trong vũ trụ đều là sóng. Cho đến cái thấy cái nghe cũng phải dựa vào sóng. Vì nếu không có sóng ánh sáng photon thì chúng sanh không có thể nhìn thấy được; không có sóng âm thanh, sóng vô tuyến, sóng điện từ chúng sanh không có thể nghe được; không có sóng ánh sáng Mặt Trời tất cả cây cỏ thực vật ngũ cốc không có thể bào chế nhựa nguyên qua diệp lục tố thành nhựa luyện để  nuôi cây, do đó con người và hầu hết các loài động vật không có ngũ cốc hay lương thực để ăn và để sống.“Biển Sóng” mênh mông trùm khắp thế gian, từ thân tâm chúng sanh muôn loài (Chánh Báo) cho đến nguyên tử, vũ trụ vật chất sơn hà đại địa (Y Báo) là do Sóng Nghiệp hay Sóng Vô Minh cùng tần số tạo ra, tất cả đều cùng một Cộng Nghiệp nên mới sống chung và liên hệ được với nhau qua sáu căn. Sáu cõi luân hồi cũng do cái  “Sóng Nghiệp” tạo ra  cái “ Tướng Nghiệp” khác nhau của mỗi cõi. Nhưng cũng do Tâm Mê có sóng cùng tần số với cái Sóng Nghiệp của từng loài chúng sinh.   

                                      Biển Mộng chập chùng say Sắc Sóng

                                        Quê nhà tĩnh tịch Ánh Tỳ Lô”.     

          Tuy nhiên Sóng cũng là Nước, Sắc cũng là Không. Ngay trên Sóng, ngay trên Sắc trở về Nước trở về Không chỉ ở cái Tâm Mê hay là Ngộ mà thôi.  

                                      “Một hứng lộ đầu cùng,

                                        Đạp phiên ba thị thủy

                                        Triệu Châu lão siêu quần,

                                        Diện Mục chỉ như thị’’.(Thiền Sư Mông Sơn Đức Bị).

                                       (Đường đi chợt hết bước,

                                        Dẫm ngược sóng là nước, 

                                        Già Triệu Châu quá chừng,

                                         Mặt mày chẳng chi khác).   

          Biển Sóng mênh mông trùm khắp, chúng sanh đang say Sắc Sóng không có chỗ để thoát thân, chỉ còn cách duy nhất : ngay đó, ngay trên Sóng dẫm ngược Sóng là gặp Nước : “Đạp phiên ba thị thủy”  tức là ngay trên Sóng không nhìn ra Cảnh Sóng mà nhìn ngược lại Cảnh Sóng tức nhìn vào Nước để nhận diện ra Nước; ngay trên Sắc mà không nhìn ra Sắc Trần, nhìn huốt cái Sắc, tức là nhìn cái Gốc hiện ra Sắc, tức là cái RÕ cái Ánh Bát Nhã ngay trên Sắc hoặc vượt hơn cái RÕ tới cái TRONG rồi cái KHÔNG hiện ra Sắc: “Sắc tức thị KHÔNG”. Cái nhìn ngược lại Sóng, ngược lại Sắc cũng đồng với  cái “nhìn vào” Thân Tâm tìm lại Quê Nhà với ánh Tỳ Lô tĩnh tịch lặng yên. Ánh Tỳ Lô trong Thân Tâm hay cái Ánh Rõ Bát Nhã ngay nơi Sắc ngay nơi Sóng, trong ngoài vẫn là một. Biển Sóng hay Biển Sắc Trần là một. Nếu “nhìn ra” Biển Sóng hay Biển Sắc thì lại càng điên đảo, quay cuồng theo Sóng theo Sắc không có đường giải thoát.  Người biết đối trị với cơn say Sóng là phải nhắm mắt lại đừng nhìn ra, hay đối với Sắc Trần là nhìn mà không nhìn, thấy mà không thấy, đừng bám víu vào cái “Cảnh Sóng” điên đảo đang quay cuồng, mà “nhìn vào”. Đức Phật tuy đắc Chánh Đẳng Chánh Giác, ngoài việc thí pháp độ sanh, Ngài thường ngồi thiền với đôi mắt sụp xuống không nhìn ra ngoại trần, mà “nhìn vào”  Thân Tâm trong thiền định an trú nơi Phật Tánh hay Chân Như Bát Nhã. Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma cũng thế, khi chưa có duyên  độ sanh, Ngài ngồi úp mặt vào vách đá suốt 9 năm, không nhìn ra ngoại trần, mà “nhìn vào” Thân Tâm an trú nơi Niết Bàn. Đối với chúng sanh chưa giác ngộ giải thoát, cách “nhìn vào” ở đây giữa Biển Sóng là: “Dẫm ngược Sóng là Nước”, định Tâm bằng Trí Tuệ để tư duy  khám phá Chân Lý, quán chiếu sâu sát vào Thân Tâm vô ngã chủ, vô sở trụ , vô Sự nơi Tâm vô Tâm nơi Sự.  

                                     “Đứng yên bên hàng dậu,

                                       Hoa mm nụ nhiệm mầu.

                                       Kinh ngạc lặng nhìn hoa,

                                       Lại thoáng nghe hoa hát.

                                       Một bài ca thiên thu,

                                       Tôi sụp lạy cúi đầu”. (Quách Thoại).

          Đây là một cách nhìn hoa sâu sắc, biết thưởng thức hoa của một nhà thơ hay. Tuy nhiên cái nhìn ra này, thực sự là cái “nhìn ra sóng trần” của người thế gian, còn để Sự nơi Tâm, để Tâm nơi Sự. Thấy được cái nhiệm mầu của hoa, nhưng sau đó bị hoa chuyển: tác động vào sáu căn khiến sáu căn khởi niệm: kinh ngạc nhìn lại hoa, rồi lại nghe hoa hát cả một bài ca thiên thu, ý căn khởi niệm niệm thật là giàu tưởng tượng. Điều này khác với Thiền Sư ngộ đạo, thấy mà chẳng thấy, nghe mà chẳng nghe, không tức Cảnh sanh Tâm. 

                                     Tam thập niên lai tầm kiếm khách,

                                      Kỷ hồi lạc diệp, kỷ trừu chi.

                                       Tự tùng nhất kiến đào hoa hậu,

                                      Trực chí như kim bất cánh nghi”. (Thiền Sư Linh Vân).

                                      (Ba chục năm qua tìm kiếm khách,

                                       Bao hồi lá rụng với cành trơ,

                                       Một lần “tự thấy” hoa đào đó,

                                       Cho đến ngày nay hết cả ngờ).

          Mặc dầu là nhìn ra để thấy hoa đào, nhưng cái “Tự Thấy” của Bổn Tâm khởi niệm chứ không phải là cái thấy ở nhãn căn khởi niệm rồi đối Cảnh sanh Tâm. Tức là cái Chân Như Tự Tánh khởi Vô Niệm niệm mà sáu căn không khởi niệm, cũng giống như Tổ Ca Diếp nhìn Cành Hoa Sen ở Pháp hội Linh Sơn. Ngay trên Sóng mà dẫm ngược Sóng gặp Nước, ngay trên Hoa Đào mà nhận ra cái Ánh Rõ Bát Nhã. Ngay trên Hoa Đào mà  “nhìn vào” Bản Tâm khiến cho Chân Như khởi niệm thấy được Phật Tánh. 

Thiền Sư Huyền Quang, Tam Tổ Thiền Trúc Lâm nhìn Hoa cũng thế:

                                     Hoa tại trung đình, nhân tại lâu

                                       Phần hương độc tọa tự vong âu

                                       Chủ nhân dữ vật hồn vô cạnh

                                       Hoa hương quần phương xuất nhất đầu”.

                                      (Người ở trên lầu, Hoa dưới sân

                                      Vô ưu ngồi ngắm khói trầm xông

                                      Hồn nhiên người với Hoa vô biệt

                                      Một đóa Hoa vừa mới nở tung).

          Rời xa Sóng Trần bên ngoài thì Sóng Trần vọng tưởng bên trong không có chỗ để nương sẽ tự diệt vì chúng là giả tạo là vô thường. Không cần phải đuổi theo để diệt vọng mà chỉ cần “tri vọng”, tuy nhiên “tri mà chẳng tri”, “thấy mà chẳng thấy”  trong khi vẫn để Tâm nhẹ nhàng vào chỗ Như Như Tịch Tịch. Tâm vọng suy dần và tự diệt thì ánh Tỳ Lô tỏa sáng về đến Quê cũ bình yên, hay ít ra cũng tạm trú được trong cái “Miếu cổ hoang” an toàn. Lúc ấy Sóng trở thành Nước, Sắc về với  Không, tự do tự tại.

          Rốt ráo lại, vật chất từ nguyên tử cho đến vũ trụ được làm bằng vật liệu “Sóng”. Khi Sóng trở về Nước hay Sắc trở về Không thì nguyên tử và vũ trụ cũng sụp đổ trở về Không và khi đó thế gian Mê tan hoại.  

          Khám phá ra vụ nổ Big Bang thành lập vũ trụ, các nhà Bác Học tuy xác minh được bằng những dụng cụ khoa học xem có vẻ như Chân Lý, tuy rằng có những thông số kỳ lạ khó hiểu. Thật ra những khám phá này chỉ đúng theo Nghiệp Thức và con mắt hữu tướng của từng loại chúng sanh mà thôi. Thí dụ đơn giản nhất cũng như Gỗ là thực phẩm của loài mối, nhưng với loài Người thì chỉ dùng làm dụng cụ chứ không ăn được.Trong Bát Nhã Tâm Kinh, Đức Phật nói: “Không tức thị Sắc”. Cái Không hiện ra Sắc tức thì trong một sát na, không phải đợi nhiều tỷ năm từ cái Dị Điểm Big Bang mới hiện ra Sắc Tướng thế gian. Cái Không ở đâu thì hiện ra Sắc ở đó, không cần phải tập trung hết năng lượng vi tế vô cùng lớn trong khắp Hư Không dồn nén vào một Dị Điểm Big Bang vô cùng nhỏ rồi mới nổ và bành trướng ra Hư Không để thành các hành tinh sơn hà đại địa. Cũng giống như mặt biển đang lặng yên, một vẫn thạch (Asteroid) trong không gian rơi xuống ở trung tâm tạo ra một “Động Năng” lớn làm nổi sóng lên khắp đại dương. Động năng này là một năng lượng, ở đây là một “Động Lượng” truyền động lan ra qua nước để nước ở nơi đó hiện ra cái tướng sóng:“Nước tức là Sóng”.Cũng như một niệm Vô Minh đầu tiên khởi lên làm cho niệm niệm duyên khởi ra trùng trùng, niệm đi tới đâu thì Tâm hiện ra Tướng đến đó, sự truyền động hay truyền năng lượng đi tới đâu thì nước ở đó nổi lên thành sóng, không phải nước từ trung tâm lan ra, chỉ có cái năng lượng lan ra với cái tướng của sóng mượn từ nước tại chỗ đó. Sóng nổi lên khắp đại dương là do  Nước ở trùm khắp đại dương đồng hiện ra Sóng,“Nước và Sóng bất tức bất ly”.Khi sự truyền động ngưng lại trở về sự lặng yên thì Sóng biến mất, chỉ còn lại duy nhất Nước:“Sóng tức là Nước”.Khi niệm niệm duyên khởi từ một niệm Vô Minh đầu tiên lắng động trở về “Vô Niệm”,thì Tâm Tâm trở về Tâm Không thành Phi Tâm, TÁNH  liền hiện bày. TÁNH này chính là cái Hư Không Rỗng Rang-Emptiness mà các nhà Bác Học đã bỏ quên không để ý đến.

           Ở đây rõ ràng nhận xét thấy các nhà Bác Học của thế gian đi về cái ngọn để tìm Chân Lý nên bị điên đảo và mù tịt. Hẳn các nhà Bác Học cũng biết đến cái Vô Thường và sinh diệt trong một nguyên tử như thế nào khi có những hạt năng lượng trong nhân vô cùng nhỏ rất khó quan sát, chúng va chạm nhau thường  xuyên bị hủy diệt và sinh ra những hạt khác cho nên đời sống của chúng vô cùng ngắn ngủi chỉ có khoảng vài phần tỷ giây, trong khi các nhà Bác Học lại mò mẫm ra cái ngọn của Chân Lý, giống như vào biển đếm cát thì biết khi nào mới xong việc. Trong giấc chiêm bao chỉ cần có 1 sát na thôi là cả vũ trụ Càn Khôn đại địa, hằng sa tinh tú hiện ra đầy ắp cả Hư Không và cũng chỉ trong 1 sát na khi thức dậy thì cái vũ trụ vô biên đó sụp đổ tan hoại hoàn toàn không để lại một dấu vết. Không cần phải đợi từ khi có vụ nổ Big Bang đến 4-5 tỷ năm sau mới có Quả Địa Cầu và đợi thêm 20 tỷ năm nữa vũ trụ này mới tan hoại trở về Không.

Tóm lại, sự khám phá ra vụ nổ Big Bang sinh ra vũ trụ của các nhà Bác Học thế gian chẳng có giá trị gì đối với Chư Phật, Chư Tổ và Thiền Sư. Nhưng  tạm thời trong thế giới Hữu Vi lấy đó làm phương tiện để phá một phần nào sự mê muội của các Đức Tin Thần Quyền cho rằng Thượng Đế tạo ra vũ trụ vì sự khám phá ra vụ nổ Big Bang là một khoa học. Big Bang giống như một niệm Vô Minh dấy động giữa Chân Không mà ứng cơ cái Diệu Hữu là vũ trụ, là hai mặt Thể và Dụng, Tánh và Tâm, cánh tay Mặt và cánh tay Trái của Bát Nhã Chân Như. Cũng như một hòn đá rơi xuống Biển làm cho Mặt Biển nổi Sóng : Mặt Biển yên lặng là phần Thể của NƯỚC còn Sóng là phần Dụng của NƯỚC. Như vậy, từ một điểm Vô Minh hay Nghiệp Thức làm cho  Chân Không (Vô, Vô Tướng, Vô Tác) dấy động sinh ra Diệu Hữu (Hữu, Hữu Tướng, Hữu Tác) . Mặt Biển đang yên lặng bị gió bão nổi lên thành Sóng. Ba ngàn thế giới, hay Càn Khôn vũ trụ, sum la vạn tượng xuất hiện là cái Diệu Hữu. Vì có TÁC nên có TƯỚNG vật chất và cái HỮU xuất hiện tức là Đại Thiên thế giới hay Càn Khôn vũ trụ. Từ  Diệu Hữu (Hữu , Hữu Tướng , Hữu Tác) trở về lại cái gốc Bản Thể Chân Không thì ngược lại: (Vô, Vô Tướng, Vô Tác) đúng như Tổ Long Thọ đã khai thị: Thành Niết Bàn ( tức Chân Không) có ba cửa : (Vô, Vô Tướng, Vô Tác). Vô Tác: Sóng yên lặng trở về Nước. Vô Tác: nguyên tử vật chất tan rã trở về Không thì cả vũ trụ sụp đổ trở về Không.   

                                      Tác hữu trần sa hữu, vi không nhất thiết không”

                                       (Hạt bụi này có thì vũ trụ này có,

                                       hạt bụi này không thì cả vũ trụ này cũng không có).   

        Nguyên tử Hydrogen nầy “Tác” nên “Có”, thì vũ trụ này “Có”. Nguyên tử Hydrogen này “Vô Tác” nên “Không” thì cả vũ trụ này cũng tan hoại, sụp đổ trở về “Không”. Vậy Vô Tác là trở về Chân Không, trở về Niết Bàn, trở về Bát Nhã, Như Lai Tàng. Ba cái cửa Vô, Vô Tướng, Vô Tác để nhập vào  “Thành Niết Bàn”, ngộ nhập Bát Nhã, ngộ nhập Như Lai Tàng của Tổ Long Thọ - tuy 3 mà là 1, tuy 1 nhưng lại là 3. Vì vào 1 cửa cũng như đã vào 3 cửa ; chỉ cần 1 cửa ( bất luận cửa nào) là đã nhập “Thành Niết Bàn”.   

          *Cửa Vô            

                                                         

                                     Vô tợ Hư Vô thể bổn Không

                                     Tướng đồng Vô Tướng cõi Rỗng ,Trong.

                                     Mịt mù thế giới màn sương ảo

                                     Lấp lánh Càn Khôn ,bọt nước sông

                                     Trăng chiếu trăm sông, ngàn ánh Rõ

                                     Nhựt soi vạn núi, Rực trời hồng

                                     Gương trong, sắc tướng như bào huyễn

                                     Soi chiếu muôn chiều, vạn pháp KHÔNG.

                                                 (Ngộ Thâm).    

           *Cửa Vô Tướng

                                              VÔ TƯỚNG

                                     Đại địa quần sanh, Thực Tướng : Vô,

                                     Bổn mê sắc tướng bóng ngũ hồ

                                     Du du sinh tử, lai thiên địa

                                     Ám muội Vô Minh, lạc tam đồ

                                     Biển mộng chập chùng, say sắc sóng

                                     Quê nhà tĩnh tịch, ánh Tỳ Lô

                                     Trong gương nhìn ảnh soi Chân Tướng

                                     Sạch bụi phong trần, thẳng cửa VÔ.

                                                   (Ngộ Thâm).      

  *Cửa Vô Tác

                                               VÔ TÁC

                                     Tuyệt gốc Vô Vi liễu Tánh Chân

                                     Hữu Vi vọng động lạc thức thần

                                     Trùng trùng duyên khởi hà sa giới

                                     Kiếp kiếp trầm luân vạn lý trần

                                     Vô niệm, vô Tâm, vô sở trụ

                                     Vô hành, vô pháp diệc vô nhân

                                     Quán Không, Tự Tánh phi nhất vật

                                     Phi Phật, phi Phàm, thị PHÁP THÂN.

                                                          (Ngộ Thâm).

          Chỉ cần Vô Tác  là thế giới Mê đang dậy Sóng hiện Tướng thế gian sẽ tỉnh thức trở về Biển Tánh Chân Không, Niết Bàn vắng lặng, Bát Nhã thanh tịnh. Cái  (Vô, Vô Tướng, Vô Tác) và cái ( Hữu, Hữu Tướng, Hữu Tác) là hai mặt THỂ và DỤNG,  là Chân Không và Diệu Hữu, như hai cánh tay Mặt và Trái của Một cái Thân duy nhất là “MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA”. Tuy MA HA BÁT NHÃ hay TỰ TÁNH thì  “tự thanh tịnh” (Vô, Vô Tướng, Vô Tác), nhưng lại “hay sanh muôn Pháp” (Hữu, Hữu Tướng, Hữu Tác). Mê và Ngộ là Một, cũng như Sóng và Nước là Một. Phật và Chúng Sanh là Một chỉ khác là ở Mê hay Ngộ:  Mê thì có thế giới của (Hữu, Hữu Tướng, Hữu Tác). Ngộ thì hòa nhập cái (Vô, Vô Tướng, Vô Tác) trở về cái Chân Không vi diệu, cái (Hư Không Rỗng Rang - Emptiness), cái “Rỗng Thênh Không Thánh”: không có một vật, không phàm, không thánh, không chúng sanh thọ giả, không tăng không giảm, không sinh không diệt và trùm khắp…là Kim Chỉ Nam cho hành giả đi tìm Chân Lý Giải Thoát.   

                                      “Rõ ràng Rỗng lặng Rõ ràng Trong

                                        Rõ ràng Diệu Hữu tức Chân Không

                                        Nếu ai vỡ được Hư Không Mộng 

                                        Ta sẽ vì nhau truyền Bát Nhã ”.(Sa Môn Không Tên).

          Tóm lại, Bức Tường Mẹ Rỗng Rang- Emptiness mà thế gian bỏ quên không để ý tới lại là cái Gốc của Chân Lý, là Chân Không, là Hư Không, là cái Không, là Cánh Cửa Giải Thoát của Chư Phật, Chư Tổ và Thiền Sư. 

          *Đó là cánh cửa TỔ mà tất cả thiền sinh phải vượt qua để vào căn nhà Bát Nhã . Là cửa “VÔ”, cửa “VÔ VI”, cửa Không , cửa không cửa, hay cái cửa Ca Diếp thể  hiện cái Ánh Rõ của Chân Tâm Gốc Tánh lẫn lộn trong cái thấy của nhãn thức phàm  phu ,chỉ có Tổ Ca Diếp với Tâm không tương ưng rốt ráo mới nhận ra và ngộ nhập cái của Bát Nhã với bầu trời trong “Rỗng  Thênh Không Thánh” mà Tổ ĐẠT MA đã khai thị cho Vua Lương Võ Đế. Cái ẩn hiện nơi cái thấy của phàm phu như cò trắng trong truyết , như nước với sữa chỉ có con ngỗng chúa mới lược ra được .Cái Ánh Rõ Bát Nhã ẩn hiện trên Cành Hoa Sen ,trên giọt nước ,ở tàng cây ,ở đám mây ,ngọn núi và trùm khắp cả Hư Không …nhưng với nhãn thức phàm phu với Tâm Mê đầy vọng tưởng nghiệp chướng thì không thể nào nhận ra được . 

                                     “Bất ly đương xứ thường trạm nhiên

                                       Mịch tức tri quân bất khả kiến”.

                                      (Không rời trước mắt vẫn thường nhiên

                                       Tìm kiếm đã hay không thấy được).

          Kẻ phàm phu không sao nhận ra được,vì phải có cái Tâm tương ưng cùng tần số là Không  tức Tâm Không. Đi  suốt cả đường Tâm đến tận gốc tận đầu nguồn Tâm với Tâm  Không rốt ráo, thấy Tánh thành Phật, ngộ nhập Bát Nhã.

Đây là Chánh Pháp Nhãn-Tạng ,Niết Bàn Diệu Tâm ,Vi Diệu Pháp Môn, Thật Tướng Vô Tướng ,Giáo ngoại biệt truyền ,bất lập văn tự” mà Đức Phật Thích Ca đã truyền cho Tổ thứ nhất là Ca Diếp . Đây cũng là “Giáo ngoại biệt truyền ,bất lập văn tự,trực chỉ nhân Tâm kiến Tánh thành Phật” mà Tổ thứ 28 là tổ Bồ Đề Đạt Ma đã du nhập vào Trung Quốc là Sơ Tổ của Thiền Tông Trung Hoa cho đến Lục Tổ Huệ Năng ,Thiền Sư Huyền Giác và vô số Thiền Sư ngoại hạng sau nầy …

Tổ Đạt Ma đã thay mặt Phật đã chỉ rõ ràng tức Tâm là Phật ,trực chỉ nhân Tâm kiến Tánh thành Phật : 

                                     “Ngã bổn cầu Tâm bất cầu Phật

                                       Liễu tri tam giới không vô vật

                                       Nhược dục cầu Phật, đản cầu Tâm

                                       Chỉ giá Tâm Tâm ,Tâm thị Phật”.

                                      (Ta thà cầu Tâm chẳng cầu Phật

                                        Rõ ra ba cõi không một vật

                                       Nếu muốn cầu Phật thà cầu Tâm

                                       Chỉ Tâm Tâm ,Tâm ấy tức Phật). 

          Tổ còn chỉ rõ chính cái Tâm Gốc thanh tịnh là cái cửa “VÔ” vi diệu nhảy vào đất Như Lai ngộ nhập Bát Nhã. Đó cũng là cái Tâm “Vô Niệm” mà Lục Tổ Huệ Năng đã nhận ra Tự Tánh .Giống như mặt nước yên lặng như gương ,không một đợt sóng ,hoặc bụi mờ che khuất soi thấu cả bầu trời trong vô tận.

           Tổ Đạt Ma chỉ rõ: 

                                     “Đạt Đạo do Tâm bổn

                                       Tâm tịnh thời hoàn đa

                                       Như liên hoa xuất thủy

                                       Đốn giác đạo nguyên hòa

                                       Thường cư tịch diệt tướng

                                       Bát Nhã chứng nan qua

                                       Độc  siêu tam giới ngoại

                                       Cách bất luyến Ta Bà”.

          Đạt được ĐẠO là ở cái TÂM GỐC. Cái Tâm Gốc cũng là cái Tâm Không, hoàn toàn thanh tịnh. Đạt được Tâm Không giống như mặt nước yên lặng hay tấm gương trong không một chất bụi ám che mờ sẽ có lợi ích vô cùng soi thấu được bầu trời trong vô tận, hay soi thấu được Phật Tánh, làm cho Phật Tánh hiển bày ngay nơi Thân Tứ Đại nầy. Giống như Hoa Sen vươn khỏi mặt nước hiện bày trong Hư Không. Đốn ngộ cái đạo lý siêu việt, thoát vòng sinh tử và thường sống trong Cái Không tịch diệt vô tướng. Đó cũng là chứng ngộ Bát Nhã,là căn nhà Niết Bàn vô sanh, vượt qua khỏi Tam giới, không còn luyến tiếc hoặc ràng buộc bởi cõi Ta Bà đầy ngũ trược và phiền não. 

          Đối với chúng sanh còn đang mê muội Vô Minh, càng cầu xin cúng tế, lễ bái,van xin trong  đường mê thì càng lún sâu vào bể khổ luân hồi. Bởi vì chúng sanh với cái Tâm (Tham, Sân ,Si) làm cho lửa bát thức: (Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân ,Ý , Mạt Na, A Lại Da) phun trào, lại gặp bão táp lục trần : (Sắc, Thinh ,Hương,Vị ,Xúc , Pháp)  ập đến cuồng quay trong lốc xoáy điên đảo. Ma ngũ ấm : (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức) quyến rũ mê lầm, Thân Tứ Đại :(Đất, Nước, Gió, Lửa) luôn luôn nhiễu loạn quấy phá . Dây ái xích xiềng trói chặt ,tham dục cuốn hút  đắm chìm trong biển sâu đen tối .Nội công ngoại kích làm cho Thân Tâm vẩn đục ,trí tuệ lu mờ. Giữa trận đồ bát quái với vòng vây Vô Minh dầy đặc, phải rơi vào biển khổ sanh tử trầm luân không lối thoát. Không có lối thoát bởi vì Nghiệp chồng lên Nghiệp, Nghiệp cũ chưa thọ báo xong, lại tạo thêm Nghiệp mới, nợ cũ chưa trả xong lại vay thêm nợ mới, biết bao giờ mới trả cho xong. Trong vô số kiếp làm “khách phong trần” ngao du lãng tử khắp 6 ngã luân hồi : khi là loài Người, khi là loài Trời rồi lại rơi vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh…mỗi ngày lại càng đi xa, quên mất  “Căn Nhà Xưa”, con mắt Huệ bị nghiệp chướng của 6 ngã luân hồi trong vô số kiếp viễn du làm cho bị mù, chỉ nhìn đời, nhìn đạo bằng con mắt của phàm phu đầy tham dục và mê muội. Giống như (con thiêu thân) thấy ánh lửa dục vọng, danh lợi của thế gian tưởng là hào quang thật, nghe nói phép lạ thần quyền vội tin ngay tưởng là thiên đường thật, nhìn thấy hào nhoáng bên ngoài của ngoại đạo tưởng là ánh sáng thật vội xông vào, không ngờ bị thiêu đốt trong lửa Vô Minh không lối thoát. 

                                     “Vi vi lãng đãng phong trần khách,

                                       Nhật viễn gia hương vạn lý trình ”.

                                      (Lang thang làm khách phong trần mãi

                                       Ngày một thêm xa chốn quê nhà). 

          Phật, Tổ và Thiền Sư ra đời để cứu vớt chúng sinh ra khỏi biển khổ mê lầm đến bờ giác yên vui nơi Niết Bàn : thường, lạc, ngã ,tịnh .Các Ngài đã trao cho chúng ta tấm bản đồ chỉ đường để hồi hương- trở về Căn Nhà Xưa : căn nhà “MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA” .

          Tấm bản đồ “Chứng Đạo Ca” với cánh cửa “VÔ VI” và căn nhà “BÁT NHÔ của Thiền Sư Huyền Giác không khác với tấm bản đồ “Trực chỉ nhân Tâm kiến Tánh thành Phật” của Tổ Bồ Đề Đạt Ma, cũng không khác với tấm bản đồ “VÔ NIỆM và Bổn Lai Vô Nhất Vật” của Lục Tổ Huệ Năng. Nó cũng không khác với tấm bản đồ “Niêm Hoa Vi Tiếu” chỉ cái Rõ - cái Ánh Bát Nhã của Đức Phật Thích Ca  trao cho Tổ Ca Diếp ở Pháp hội Linh Sơn .

Vậy chúng sanh nào đã tỉnh cơn Mê, có bản lĩnh ,có trí tuệ thì đây là lời nhắc nhở của Đức Phật : “Các ngươi hãy tự đốt đuốc lên mà đi ,đi với Chánh Pháp”.Chánh Pháp ở đây là tấm bản đồ mà Chư Phật ,Tổ ,Thiền Sư trao cho.

Các Ngài đã chỉ cho chúng ta biết thế gian nầy là MỘNG ,do TÂM mê ,điên đảo nên tưởng là thật .Cả 6 căn đều điên đảo chấp dính vào 6 trần và bị trói buộc vào sinh tử luân hồi : 

                                     “Mộng lý minh minh hữu lục thú

                                       Giác hậu không không vô đại thiên”.

                                                   (Thiền Sư  Huyền Giác). 

          Vậy khách bể dâu trong 6 cõi ,ai là người tỉnh Mộng ,biết được Mộng,  đã chán với cảnh luân hồi vô số kiếp ,hãy lên đường ,độc hành độc bộ với tấm bản đồ “MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA”.    

                                     “Thường độc hành thường độc bộ

                                       Đạt giả đồng du Niết Bàn lộ”.

         Hãy vượt cho đến đỉnh Tuyết Sơn ,nơi có Pháp Giới Chư Phật mà Phật ,Tổ và Thiền Sư từng nếm vị “ĐỀ HỒ” chứng Niết Bàn Diệu Tâm: 

                                     “Tuyết  sơn phì nhị cánh vô tạp

                                        Thuần xuất Đề Hồ Ngã thường nạp”.

         Đường lên đỉnh Tuyết Sơn phải  đi bằng cả Thân Tâm với 6 căn hổ dụng đồng loạt ,mút cả đường TÂM ,vượt khỏi “đầu sào trăm trượng” của Thiền Sư Cảnh Sầm , cho đến tận đầu nguồn MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA cũng là cái Rõ hiển bày nơi Cành Hoa Sen ở Pháp hội Linh Sơn mà Tổ Ca Diếp  đã nhận ra và cũng trong sát na đó nhảy thẳng vào ĐẤT NHƯ LAI  ngộ nhập BÁT NHÃ.

                                      “Đường đi lên có Thích Ca Văn Phật

                                        Pháp hội Linh Sơn mở Đạo mầu

                                       Một cánh hoa trao ngàn thuở ngát

                                        Lời Kinh vô tự vút từng câu

                                        Đường đi lên ôi tuyệt vời minh triết

                                        Có cái không bàn nghĩ được đâu

                                        Ngã ư Chánh Giác vô sở đắc

                                        Có cái Tâm nầy vạn pháp thâu

                                        Đường lên hỡi khách bể dâu

                                        Ngắn bằng một niệm dài đâu chớp lòe

                                        Ai ai những khách đi về

                                        Đường lên nẻo Giác đường về nẻo Tâm”.(Thơ Trúc Thiên).

         TÂM nầy là TÂM KHÔNG ,TÂM ở huốt tận đầu nguồn là phi TÂM mà Tổ Thương Na Hòa Tu (Sanakavasa ) đã truyền chánh pháp nhãn tạng cho Tổ thứ 4 là Ưu Ba Cúc Đa (Upagupta) :  

                                     “Phi pháp diệc phi Tâm

                                       Vô Tâm diệc vô Pháp

                                       Thuyết thị Tâm Pháp thời

                                       Thị Pháp phi Tâm Pháp”.

          TÂM nầy cũng chính là cửa “VÔ” của Triệu Châu, cửa “Vô Môn Quan” của HUỆ KHAI ,cửa “VÔ VI” của Huyền Giác hay cái cửa Ca Diếp với cái RÕ BÁT  NHàẩn hiện nơi Cành Hoa Sen, nơi tàng cây ,đám mây, sông núi hay cả vạn pháp và Hư Không .

Tâm nầy là Tâm  “ BA LA MẬT ĐA” ở  bờ bên kia và ngay đó ngộ nhập “ MA HA BÁT NHÔ thấy Tánh thành Phật.

                                     “BÁT NHàthanh tịnh hải

                                       Lý mật nghĩa u thâm

                                       BA LA ĐÁO BỈ NGẠN

                                       Hướng đạo kỳ do Tâm”. (Bồ Đề Đạt Ma).

 Rõ ràng Niết Bàn Diệu Tâm hay “MA HA BÁT NHÃ LỰC” của Thiền Sư Huyền Giác trong Chứng Đạo Ca đồng thuyền, đồng bộ ,đồng hành, đồng điểm ,đồng tâm với Chư Phật ,Chư Tổ và Thiền Sư .Các Ngài sánh vai cùng đi ,nhìn cùng một con mắt ,nói cùng một giọng lưỡi :  

                                     “Tông diệc thông thuyết diệc thông

                                       Định huệ viên minh bất trệ không

                                       Phi đản Ngã kim độc đạt liễu

                                       Hằng sa Chư Phật thể giai đồng”. (Thiền Sư Huyền Giác).

                               (Tông cũng thông ,thuyết cũng thông

                                Định huệ sáng tròn chẳng trệ không

                                       Nào phải mình ta riêng đạt đấy

                                       Hằng sa Chư Phật thể giai đồng).                                

          Điều lạ lùng cần suy gẫm tham cứu cho tới tận đầu nguồn ,tận gốc rễ dù cho phải mất suốt 5 năm ,10 năm ,20 năm ,30 năm hay trọn một kiếp người cũng phải cho xong .Đó là việc phải tham cứu PHÁ VỠ  cái  “HƯ KHÔNG Rỗng Rang” vô biên đang trùm khắp tam thiên đại thiên thế giới là gì? Cái Hư Không  nầy có điều gì bí mật mà Chư Phật, Chư Tổ và Thiền Sư đều chú ý tới một cách trân trọng :   

          * Tổ Sư  thứ 7  BÀ TU MẬT (Vasumitra)  khai thị :

                                     “Tâm đồng HƯ KHÔNG giới

                                       Thị đẳng HƯ KHÔNG pháp

                                       Chứng đắc HƯ KHÔNG  thời

                                       Vô thị vô phi pháp”.   

             * Thiền Sư Chân Ngôn cũng nhắc tới nó :

                                     “Diệu bản HƯ VÔ nhật nhật khoa

                                       Hòa phong xuy khởi biến Ta Bà

                                       Nhân nhân tận thức Vô Vi lạc

                                       Nhược đắc Vô Vi thủy thị gia”.

                                      (Hư Không lẽ  ấy rất sâu xa

                                      Thổi dịu nơi nơi ngọn gió hòa

                                      Vô Vi tận biết ,người an lạc

                                      Đạt đến Vô Vi mới là nhà).

          * Bàng Long Uẩn thì luôn luôn sống với cái Không nầy .Dù đi đứng nằm ngồi cũng ở trong cái Không, cái Không rốt sáo ngự trong nhà ông, cái Không là kho tàng chân thật, cái Không cũng là chỗ ngồi của Chư Phật .

          * Triệu Châu thì  nói xa nói gần về nó với cái  cửa “VÔ”.

          * Đức Phật thì chỉ thẳng về nó qua cái Rõ  ẩn hiện nơi Cành Hoa Sen ở Pháp hội Linh Sơn cho Tổ CA DIẾP cũng gọi là cánh cửa Ca Diếp .

          *Thiền Sư Huyền Giác cũng chỉ thẳng qua cửa “VÔ VI”.

          *Tổ Thiền Tông thứ 14 Long Thọ cũng diễn đạt nó qua thành Niết Bàn: “Niết Bàn thành hữu tam môn sở vị :Vô,Vô Tướng ,Vô Tác” (Thành Niết Bàn có 3 cửa : cửa Vô ,cửa Vô Tướng ,cửa Vô Tác).

           Hư Không vẫn sờ sờ trước mặt ,vô biên trùm khắp ,nhưng lấy chẳng được, bỏ chẳng cũng được ,không sinh không diệt ,không tăng cũng không giảm,  nhìn thì chẳng thấy ,chỉ thấy Rỗng không :   

                                     “Bất ly đương xứ thường trạm nhiên

                                       Mịch tức tri quân bất khả kiến”.  

           Nó rỗng mà linh ,không mà diệu ,ứng cơ sinh ra vạn pháp: “Không tức thị Sắc” như Thiền Sư Chân Nguyên khai thị :    

                                     “Một điểm Hư Vô thể  bổn không

                                       Vạn ban tạo hóa giá cơ đồng

                                       Bao la thế giới CÀN KHÔN ngoại

                                       Trạm tịch hàn quang sát hải trung”.  

          Nó là  “Thánh Đế  Đệ Nhất Nghĩa” mà Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã khai thị cho Vua Lương Võ Đế : “ Rỗng Thênh Không Thánh”. Rốt  ráo lại ,Hư Không là cái đích cuối cùng mà tấm bản đồ “MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA” của Phật,Tổ ,Thiền Sư đã trao cho những ai thực sự đi tìm Chân Lý ,tự giải thoát khỏi sinh tử luân hồi.     

                                     “Đạt Ma sừng sững giữa Hư Không

                                       Đứng giữa Trời trong vẫn u huyền”.   

          Thật khó khó thay ! Đúng là “10 tạ dầu mè trên cây vuốt”. Nhưng có một điều lạ lùng là Phật ,Tổ và Thiền Sư vừa trao tấm bản đồ “MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT DA” lại vừa hé mở  cánh cửa “MỘNG” như là điều thực chứng những lời khai thị của các Ngài ! 

LẠ LÙNG thay giấc MỘNG BAN ĐÊM khi thức dậy và giấc MỘNG BAN NGÀY  khi đại ngộ sao mà giống nhau như MỘT !

          Trong giấc Mộng Ban Đêm, chúng sanh Mộng đang MÊ bởi con mắt Nghiệp Mộng , không thể thấy cái Thân Thật nằm trên giường ,chỉ thấy toàn là Hư Không Rỗng Rang vô biên . Chỉ khi thức dậy mới biết cái thân trên giường là HƯ KHÔNG trong Mộng. 

          Đối chiếu lại, cái Thế Gian Thực Tại có phải là MỘNG BAN NGÀY hay không ? Nếu đây cũng là Mộng thì rõ ràng cái HƯ KHÔNG RỖNG RANG vô biên nầy cũng chính là cái THÂN THẬT của mọi chúng sanh và cả Càn Khôn vũ trụ vạn vật ….là PHÁP THÂN  ,là BÁT NHÃ ,là NHƯ LAI , là NIẾT BÀN…. mà biết bao lời khai thị của Phật ,Tổ ,Thiền Sư đã nhắc nhở chỉ đường cho chúng sanh MÊ đang sống trong thế gian Mộng, với con mắt Nghiệp Mộng có tấm bản đồ chính xác để tự giải thoát ra khỏi cơn Mộng và 6 ngã luân hồi . 

          Thật vậy ,Phật ,Tổ và Thiền Sư đã nhắc nhở chúng sanh nhiều lần : Cái thế gian hữu tướng nầy thực sự là Mộng , không phải là thực, đừng bám víu vào nó để bị luân hồi !     

          *Trong Kinh Kim Cang,Đức Phật chỉ rõ: 

                                     “Nhất thiết Hữu Vi pháp

                                       Như Mộng huyễn bào ảnh

                                       Như lộ diệc như điện

                                       Ưng tác như thị quán”.

                                     (Tất cả pháp Hữu Vi của thế gian đều là mộng, ảo, bọt,bóng,giống như

                                     sương mai điện chớp hãy nghĩ chúng như chiêm bao).

        *Thiền Sư Huyền Giác nói : 

                                     “Mộng lý minh minh hữu lục thú

                                       Giác hậu không không vô đại thiên”.

                                      (Còn mộng thì còn 6 ngã luân hồi  

                                       Giác ngộ rồi thì 3 ngàn thế giới cũng không có).   

         *Trong Kinh Lăng Già, Bồ Tát Đại Huệ cũng cho biết : 

                                     “Viễn ly đoạn thường

                                       Thế gian hằng như Mộng

                                       Tri bất đắc hữu vô

                                       Nhi hưng đại bi Tâm”.   

          *BỒ ĐỀ ĐẠT MA cũng khai thị:

                                     “Thân tận Vô Minh tận

                                       Thọ báo khước lai kỳ

                                       Trí thân như huyễn hóa

                                        Cấp cấp ngộ “Vô Vi”.

                                      (Không có thân thì Vô Minh tận diệt,

                                      Không có thân thì thọ báo ,nghiệp chướng

                                      cũng không đến được

                                      Ngươi hãy biết rằng ,thân ngươi là mộng ,là huyễn ảo

                                      hãy mau ngộ cái “VÔ VI”tức là cái không vi diệu nầy). 

           Như vậy, Chư Phật, Tổ và Thiền Sư đã phát lộ cái “bí mật” chỉ rõ cho chúng sanh biết cuộc đời của tất cả chúng sanh trong 6 cõi đều là Mộng cả. Tất cả Pháp HữuVi đều là Mộng đều là Huyễn không có thật. Bởi vì Tâm Mê mà hiển ra sắc tướng đủ hình thù và các cõi: từ tam giới lục đạo luân hồi tam thiên đại thiên. Tất cả là từ cái Không, từ cái Bát Nhã Chân Như mà hiển ra Sắc Tướng; và từ Sắc Tướng lại nhập về Không, về Bát Nhã Chân Như. Nếu Tâm vẫn còn Mê, vẫn còn mang nặng nhiều Nghiệp Chướng thì phải bị luân hồi không thể Giải Thoát khỏi sinh tử:      

SẮC TỨC THỊ  KHÔNG

 

Sắc Không, gốc thị “Như Không”

Vô Minh một niệm bập bồng nổi trôi

Mộng du sáu ngã luân hồi

Hành trang nghiệp chướng đắp bồi Mê Cung

Mịt mù vô thủy vô chung

Sắc Không bào ảnh trùng trùng khởi duyên

Lục trần, bể khổ dong thuyền

Tử sinh , sinh tử đảo điên ngục tù

 

Ngũ hồ dừng bước viễn du

Buông chèo , soi nước hồ thu an lành

Sóng yên , gió lặng , Trời thanh

Ngàn sao, hiển lộ ngọn ngành tươi trong

Sắc hòa mặt nước mênh mông

Không hoà theo Sắc vào lòng biển khơi

Sắc Không tỉnh thức Mộng Đời

Bọt tan theo nước sáng ngời gương trong

Sắc Không Diệu Hữu Chân Không

Không Không, Sắc Sắc, Gương Lòng soi “Không”.

(Ngộ Thâm).

          TÓM LẠI, Rõ Ràng Chân Lý đã hiển bày .Đảo qua đảo lại giữa thế gian Mộng Ban Đêm và khi “thức dậy” với thân thật nằm trên giường giải thích được rốt ráo lời khai thị siêu huyền cực lý của Phật,Tổ và Thiền Sư kể cả Kinh Liễu Nghĩa của Đức Phật như Hoa Nghiêm Kinh ,Bát Nhã Tâm Kinh…ta có tấm bản đồ chính xác .Đối chiếu thế gian Mộng Ban Đêm với thế gian Mộng Ban Ngày ,ta có chính xác phương hướng để đi .Chồng tấm bản đồ Mộng Ban Đêm lên Thế Gian Mộng Ban Ngày ,ta có một tấm bản đồ Chân Lý thực sự và tấm bản đồ nầy lại trùng lập với tấm bản đồ “MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA” mà Phật, Tổ và Thiền Sư đã trao!  

           LÊN ĐƯỜNG.

         Có tấm bản đồ chính xác trong tay ,chỉ còn “LÊN ĐƯỜNG” với cả Thân và Tâm với 6 căn hổ dụng đồng loạt . “LÊN ĐƯỜNG” với cái TÂM thuần đức ,tinh khiết, TÂM LÀNH ,cái TÂM KHÔNG tương ưng với cái RỖNG KHÔNG BÁT NHÃ, cái “Tuyệt Học Vô Vi” của Thiền Sư Huyền Giác ,cánh cửa RÕ CA DIẾP ở tận đầu nguồn Tâm, hay cái TÂM VÔ : “Vô TÂM nơi Sự, vô Sự nơi TÂM” của Thiền Sư Đức Sơn.

          Thân Tâm của chúng sinh giống như Chiếc Máy Truyền Hình có thể xem được 7 Đài tương ứng với 7 thế giới khác nhau. Sáu Đài từ 1 tới 6 là thế giới trong Mê có tần số sóng hay Nghiệp Thức khác nhau, bao gồm thế giới của Địa Ngục, Ngạ quỷ , Súc sanh, A Tu La, Nhân và Thiên. Sáu thế giới này đều có đầy đủ hình ảnh , sắc tướng, âm thanh và hoạt động riêng biệt: ( Hữu, Hữu Tướng, Hữu Tác). Cả sáu thế giới trong Mê  đều có Tướng vật chất và Tướng không gian khác nhau vì khác tần số sóng hay khác Nghiệp, nên không thể liên lạc hoặc nhìn thấy được nhau, trừ một vài thế giới có tính năng đặc biệt như thần thông, nhập định…Một Đài số 7 là thế giới trong Ngộ có tần số sóng là “ Không”; không có Nghiệp; Không có một vật để thấy cho nên không có hình tượng và đứng yên bất động: (Vô, Vô Tướng, Vô Tác); là thế giới của Niết Bàn hay Bát Nhã Chân Như. Đối với Thân Tâm của chúng sinh Người, thế giới loài Người hiện ra trên Màn Ảnh Tâm Thức gồm tất cả nhà cửa, sơn hà, đại địa, vật chất sum la vạn tượng của thế giới người. Thân Tâm người tức Chánh Báo, thế giới loài Người tức Y Báo có cùng một tần số sóng hay cùng Nghiệp nên cùng hiện hữu, cùng thấy, nghe, hiểu, biết, xúc chạm với nhau, ngay cả có cùng một thân, mượn nhau làm thân vì cùng có 4 nguyên tố ( Đất, Nước, Gió, Lửa) giống y nhau chỉ khác nhau là ở trên Tướng:   “Một là Tất Cả, Tất Cả là Một”. Thân của tất cả chúng sinh và thân của cả sơn hà đại địa, cả vũ trụ là Một là (Đất, Nước, Gió, Lửa) . Nhưng (Đất, Nước, Gió, Lửa) cũng  là Một là do một “Dị Điểm” trong vụ nổ Big Bang, là một niệm Vô Minh bất giác nổi lên giữa biển Chân Không Bát Nhã.   

                                     “Vô Minh thật Tánh tức Phật Tánh

                                       Ảo hóa không thân tức Pháp Thân.(Huyền Sư Huyền Giác)

          Cái Tánh thật của Vô Minh sinh ra Big Bang cũng là Phật Tánh tức là Không. Cái Ảo Hóa là chúng sinh và vạn vật vũ trụ này thật sự không có Thân tức là Pháp Thân Phật, tức là Không. Tất cả tại vì Mê vì nhìn bằng con Mắt Hữu, con mắt của Nghiệp Thức chúng sinh nên thấy là có Thân. Ở trong màn ảnh Chiếc Máy Truyền Hình, thấy có Thân có người, có nhà cửa cầu đường núi sông, có âm thanh sắc tướng và mọi hoạt động. Nhưng tất cả chỉ là Bóng Ảo không thật, khi tắt máy hoặc ngưng tần số sóng vô tuyến thì tất cả trở về không. Ở trong giấc chiêm bao, chúng sinh thấy có Thân, thấy có vũ trụ vạn vật đầy ắp trong Hư Không, nhưng khi thức dậy tất cả đều không chỉ là Ảo Hóa.

                                     “Phiên thân nhất trịch xuất phần lung

                                       Vạn sự đô lô nhập nhãn Không

                                      Tam giới mang mang Tâm liễu liễu

                                      Nguyệt hoa Tây một, Nhựt thăng Đông”.

                                     (Xoay mình một ném vượt ra lồng

                                      Muôn sự đều không ,nhập mắt không

                                      Ba cõi thênh thang , lòng sáng rỡ

                                      Trăng Tây vừa lặn, xuất vầng Đông”.

                                                  (Tuệ Trung Thượng Sĩ). 

          Khi không còn chấp Thân, thoát ra khỏi cái Thân Tứ Đại này giống như một cái lồng nhốt con chim hồng, xem cái Thân Tứ Đại này là không, ngộ nhập Thân Không thì liền nhìn sự vật với con Mắt Không (con Mắt Bát Nhã) thì thấy mọi vật là Không, mặc tình du hí tam muội. Mộng Ban Đêm thấy Trăng , Trăng lặn về Tây rồi thì Mặt Trời của sự Giác Ngộ mọc lên ở phương Đông, nhìn thấy đúng sự thật tức Chân Lý.

          Bồ Đề Đạt Ma cũng từng khai thị :   

                                     “Thân tận Vô Minh tận,    

                                      Thọ báo khước lai kỳ.  

                                      Trí thân như huyễn hóa

                                      Cấp cấp ngộ “Vô Vi”.

                                      (Không có Thân thì Vô Minh không đến được,

                                       Do đó, không có thọ Nghiệp

                                       Ngươi hãy nhớ rằng Thân ngươi là huyễn mộng

                                       Hãy mau mau ngộ cái “Vô Vi” này).  

          Tóm lại, sự thật cuối cùng là Big Bang không có, chỉ là “huyễn mộng”, vì tất cả chúng sanh đang “mở mắt chiêm bao” nên thấy có, là cái thấy của con mắt Nghiệp Mộng của chúng sanh Người. Đối với chúng sanh các cõi khác nhau như cõi A Tu La hay Ngạ Quỹ, rất có thể họ cũng  “mở mắt chiêm bao” và cũng thấy có cái Big Bang sinh ra Vũ Trụ và Thế Giới của họ. Thật ra tất cả đều là Mê, đều là chiêm bao, và chính những cái Big Bang như thế là cái trò Ảo Thuật do Nghiệp Lực hay Tâm Mê tạo ra bằng cách huyễn hóa. Do đó gỡ bỏ cặp kính Nghiệp hay cái Tâm Mê thì mới thấy được cái Chân. Big Bang đã không có, do đó nguyên tử Hydrogen vật chất cũng không có thì Tứ Đại : Đất, Nước, Gió, Lửa không có. Đất Nước, Gió, Lửa đã không có thì làm gì có cái Thân Tâm chúng sinh (tức Chánh Báo) và thế giới vũ trụ vật chất của loài Người chúng sinh này hiện hữu (tức Y Báo)…Do đó, Thân Tâm và Pháp Giới đều là Không :

                                      “Tâm Pháp song vong, Tánh tức Chân”.

                                      (Tâm và Pháp đều không, Tánh hiện bày).

                                                        (Thiền Sư Huyền Giác).

          Đài số 5 ứng với tần số sóng của người hay Nghiệp Thức loài Người, màn ảnh truyền hình hiện ra loài Người Ảo và thế giới loài Người Ảo, chỉ là cái Bóng trên màn ảnh, là Mê. Khi Giác Ngộ hay tắt điện hoặc tắt sóng thì Sắc Tướng trên màn ảnh truyền hình hay màn ảnh của Tâm Thức mất trở về Không: “Sắc tức thị Không”. Chính cả cái Tâm Thức này cùng mất trở về Không, kiến Tánh thành Phật.

          Từ cái Quang Minh tịch chiếu, bất giác một niệm Vô Minh nổi lên trùng trùng duyên khởi ra thế giới và chúng sinh trong 6 nẻo luân hồi chìm đắm vào bóng  Mê với thân ảo, thế giới ảo, không có cách nào thoát ra được.  Vì càng Tác, càng động thì niệm niệm lại sinh ra, thế giới Mộng lại càng sinh, chúng sinh trong Mộng lại càng điên đảo. Giống như Mặt Biển càng động là sóng càng nổi lên. Do đó phải buông niệm, tức trở về “ Vô Niệm”, như “cánh cửa Vô Niệm” của Lục Tổ Huệ Năng, giống như ngừng tác động thì Mặt Biển từ từ yên lặng trở lại. Lục căn thì điên đảo, vì nó cùng tần số với Nghiệp Thức chúng sanh, Lục căn vừa khởi niệm, dù cho niệm đầu hay niệm cuối vẫn là điên đảo thì Vô Minh liền tới, hiện ra thế giới Mê:  

                                     “Quang Minh tịch chiếu biến hà sa

                                       Phàm Thánh hàm linh cộng ngã gia,

                                       Nhất niệm bất sinh toàn thể hiện,

                                       Lục căn tài động bị vân già”.  (Trương Chuyết).

                                     (Quang minh lặng chiếu khắp hà sa,

                                      Phàm Thánh hàm linh vốn chung nhà.

                                      Một niệm chẳng sinh, toàn thể hiện,

                                      Lục căn vừa động bị che lòa).  

          Như vậy “ Vô Niệm” thì tất cả trở về nguyên thủy, trở về cái Gốc của Bản Tánh Chân Như, trở về Không, trở về cái “Rỗng Thênh Không Thánh”, tức là ngộ nhập cái: ‘ Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa”. Lúc đó thì Thân không, Tâm không, Pháp cũng không: Tâm Pháp đều không thấy Tánh thành Phật.  

          Đạt được TÂM KHÔNG nầy xem như đã TU đến tận Gốc rồi không cần phải TU cái Ngọn. TU mà xem như Không TU. Không TU theo pháp thế gian nhưng lại TU theo Phật CỔ ĐÀM, chư TỔ và Thiền Sư. Không TU theo hình tướng cầu xin cúng lạy Phật tướng bên ngoài dù cho Phật tướng ấy bằng vàng ròng, ngọc thạch, châu báu hay kim cương…Nhưng TU Phật nơi “ TỰ TÂM” vì “TỨC TÂM LÀ PHẬT” và “KHÔNG TÂM là ĐẠO”.  

          Thật ra nên bỏ luôn chữ TU, vì chữ TU chỉ là tự sửa mình của người thế gian; một nghĩa khác: TU là hành trì một Pháp môn nào đó của một Tôn Giáo.Thời Đức Phật không có hành trì, không có niệm Phật tụng kinh hoặc lần chuổi Bồ Đề. Đức Phật chỉ đi tìm Chân Lý Giải Thoát bằng cách đi du phương tìm học Đạo Lý và cuối cùng Ngài ngồi dưới gốc cây Bồ Đề suốt 49 ngày để tư duy, quán chiếu và tìm ra Chân Lý Giải Thoát. Khi thành Đạo rồi, Ngài cũng không có lập Tôn Giáo và tự xưng mình là Giáo Chủ, mà chỉ là Ông Thầy chỉ đường (Thiên Nhân Sư), không có dạy cúng bái tế lễ như các Tôn Giáo thời bấy giờ, mà chỉ đi thuyết Pháp độ chúng sinh, cứu chúng sanh ra khỏi đường Mê và giải thoát sinh tử. Các vị Tổ và vô số Thiền Sư ngộ Đạo cũng thế, không có hành trì hay TU ĐẠO. So với các Tôn Giáo thì xem như Đức Phật và Thiền Sư không TU không TÁC. Đạo Lý của Đức Phật chỉ có một vị duy nhất là GIẢI THOÁT, lấy TRÍ TUỆ và TỪ BI làm gốc, không mê tín dị đoan. 

                                      “Kiến Đạo phương tu Đạo

                                        Bất kiến phục hà tu

                                        Đạo tánh như hư không

                                        Hư không hà sở tu

                                        Biến quán tu Đạo giả

                                        Bác hỏa mích phù âu

                                        Đản khán lộng khối lỗi

                                        Tuyến đoạn nhất thời hưu”

                                        ( Bài kệ không TU không TÁC của Thiền Sư Bổn Tịnh)

                                       (Thấy Đạo mới Tu Đạo

                                        Chẳng thấy lấy gì Tu

                                       Tánh Đạo như hư không

                                       Hư không Tu chỗ nào

                                       Khắp nơi người Tu Đạo

                                       Vạch lửa tìm bọt nổi

                                       Chỉ xem người gỗ máy

                                       Đứt dây một lúc dừng). 

          Thiền Sư Bổn Tịnh từng chỉ Đạo cho một vị Tăng ở triều đình là Pháp Không về cái ‘‘ không Tu, không Tác’’ :  ‘‘Đạo vốn không Tu,Đại Đức cưỡng Tu; Đạo vốn không Tác, Đại Đức cưỡng Tác; Đạo vốn không Sự, Đại Đức cưỡng sanh đa Sự ; Đạo vốn không Biết ở trong ấy cưỡng Biết,thấy hiểu như thế cùng Đạo trái nhau…,tự Đại Đức không hội, xin suy gẫm lại".                                 

            Dù cho gặp thời Mạt Pháp thật sự, Phật pháp bị suy đồi như Ngài Huyền Giác than trách trong thời đại của Ngài:

                                     “Ta ! Mạt Pháp, ác thời thế  

                                       Chúng sinh phước bạc nan điều chế.  

                                       Khứ thánh viễn hề, tà kiến thâm

                                       Ma cường, Pháp nhược đa oán hại”

                                      (Than ôi! Mạt Pháp, thời thế ác

                                       Chúng sinh phước mỏng khó điều phục

                                       Xa cách Hiền Thánh, tà kiến sâu

                                       Ma mạnh, Pháp yếu, nhiều ác tệ).

          Khi đó Pháp Viên Đốn của Như Lai do Đức Phật truyền cho Tổ Ca Diếp đến Tổ Đạt Ma rồi Lục Tổ Huệ Năng…bị thế gian xuyên tạc, thù ghét, thậm chí còn bị hãm hại ( như Tổ Đạt Ma bị thuốc độc tới 7 lần).   

                                     “Văn thuyết Như Lai đốn giáo môn

                                       Hận bất diệt trừ như ngõa toái”.

                                      (Nghe nói Như Lai phép đốn tu

                                       Hận chẳng nghiền tan như ngói bể). 

         Cũng khi đó Pháp Đốn Ngộ  “ Vô Niệm” của Lục Tổ Huệ Năng  bị thế gian xuyên tạc gièm xiểm đến nỗi có người đến rình rập để hạ sát Ngài (Trương Hành Xương  - Chí Triệt) và mấy trăm năm sau, người ta vẫn còn tìm nhục thân của Ngài để xúc phạm. Pháp Đốn Ngộ của Tổ lấy Vô Niệm làm Tông, Vô Tướng làm Thể, Vô Trụ làm Gốc. Vô Niệm là ngay nơi niệm lìa niệm, nghĩa là đối với cảnh trần, Tâm chẳng nhiễm, trong niệm lìa cảnh, chẳng vì đối cảnh sanh Tâm. Vô Tướng là đối với tướng mà Tâm lìa tướng, lìa được tướng thì Pháp Thể thanh tịnh, đó là lấy Vô Tướng  làm Thể. Vô Trụ là đối với tất cả pháp niệm niệm chẳng trụ , không bị trói buộc, đó là lấy Vô Trụ làm Gốc. Thật ra người thế gian lấy bụng phàm  mà luận Thánh, không hiểu thấu được hai chữ “ Vô Niệm” của Lục Tổ. Tổ nói: “Vô niệm niệm tức chánh, hữu niệm niệm thành tà”. Vô Niệm hiểu đúng như Tổ nói cũng tức là Chánh Niệm . Đại Thừa Khởi Luận có câu: “Nếu được Vô Niệm gọi là chứng nhập Chân Như. Kinh Viên Giác cũng có dạy: Lắng lòng Vô Niệm là tùy thuận Viên Giác Tánh”. Khi thấy rõ Bản Tâm tức là giải thoát, là đạt được Bát Nhã Tam Muội tức Vô Niệm. “ Vô Niệm là thấy tất cả Pháp mà Tâm không nhiễm vương, dính níu. Do đó, Vô Niệm không phải là dứt bặt hết tư tưởng, không nghĩ ngợi gì hết như một số người lầm tưởng mà Vô Niệm tức là Niệm Chân Như. Tổ nói : Chân Như Tự Tánh khởi niệm thì 6 căn tuy có thấy nghe hiểu biết mà chẳng nhiễm muôn cảnh. Nên Kinh nói :Phân biệt được các Pháp mà cái Tánh thanh tịnh Niết Bàn chẳng động . Tổ nói tiếp : “Vô là không hai tướng, không có cái Tâm trần lao. Niệm là niệm Chân Như Bản Tánh, Chân Như là Thể của niệm, niệm là Dụng của Chân Như. Tự Tánh Chân Như khởi niệm, chứ không phải mắt tai mũi lưỡi khởi niệm được. Chân Như có Tánh, cho nên khởi Niệm….Tự Tánh Chân Như khởi niệm, thì 6 căn tuy có thấy nghe hiểu biết mà không nhiễm vạn cảnh, Chân Tánh thường tự tại". 

          Điểm quan trọng là  biết Tâm vốn là vọng là huyễn nên không chấp, chứ không phải chạy theo nó để chống hoặc để diệt. Vì vậy cần hiểu Vô Niệm là đối cảnh mà Tâm không nhiễm, không loạn, chứ không phải là lo diệt bằng cách không khởi suy nghĩ để đạt đến Tâm không- là ngoan không hay vô ký cũng thuộc về Tà niệm, khác với Tâm “Không” là Tâm không nhiễm vạn cảnh khi đối cảnh là Tâm Gốc là Phi Tâm hay Vô Tâm, tức là Tâm mà Phi Tâm hay Tâm mà Vô Tâm : Vô Tâm nơi Sự, vô Sự nơi Tâm. Ở Pháp hội Linh Sơn, Đức Phật giơ Cành Hoa Sen lên, Tổ Ca Diếp nhận ngay “tức thìcái Ánh Rõ Bát Nhã nơi Cành Hoa Sen bởi cái Tâm Không, cái Tâm mà Vô Tâm hay cái Tâm Vô Niệm này. Lúc đó sáu căn bất động không khởi niệm, nhưng Tánh Chân Như  khởi “ Vô Niệm” niệm ngộ nhập Bát Nhã . Đối với cái nhìn thông thường của phàm phu trên Cành Hoa Sen lúc Đức Phật khai thị là cái “nhìn rangọn Tâm bằng cái thấy của nhãn thức trên cái hình tượng của Hoa Sen rồi khởi niệm phân biệt , phân tích hình dáng màu sắc đẹp xấu qua sáu căn để “nhìn raCành Hoa Sen “thông qua cái Kính Nghiệp của sáu căn ”. Trong khi đó Tổ Ca Diếp cũng nhìn Cành Hoa Sen, về hình thức thì cũng giống như nhìn ra ngoại cảnh tức nhìn ra ngọn Tâm. Tuy sáu căn có thấy nghe hiểu biết, có phân biệt được các Pháp mà không nhiễm vạn cảnh, tức là Tâm không động (Vô Tâm) và sáu căn không khởi niệm (Vô Niệm).

           Chính khi vừa nhìn thấy Cành Hoa Sen mà sáu căn không khởi niệm, cái Ánh Rõ Bát Nhã nơi Cành Hoa Sen thâm nhập tràn vào sáu căn đang đồng loạt trống rỗng  giống như nước tự tràn vào chỗ trũng rỗng không. Điều này cũng giống như Tổ Ca Diếp tuy hình thức là nhìn ra Cành Hoa Sen nhưng nội dung hay thực chất thì lại là “nhìn vàosáu căn của Thân Tâm từ cái Ánh Rõ Bát Nhã nơi Cành Hoa Sen, (tức là nhìn về Gốc Tâm chứ không phải nhìn ra ngọn Tâm thông qua cái thấu kính Nghiệp của sáu căn khởi động) và tức thì trong cái sát na ấy Ánh Bát Nhã này tràn ngập cả Thân Tâm làm cho Phật Tánh hiện bày. Thân Tâm với sáu căn có Phật Tánh tiềm ẩn giống như Chiếc Máy Truyền Hình nhận sóng vô tuyến phát ra từ Đài Phát Sóng. Đài Phát Sóng ở đây là Ánh Rõ Bát Nhã nơi Cành Hoa Sen phát ra Tần Số Bát Nhã truyền vào sáu căn đang mở  cửa trống rỗng không ngăn ngại, không chận bít vì không khởi niệm. Sáu căn ở đây nhận sóng Bát Nhã từ Cành Hoa Sen tức là “nhìn vào” Thân Tâm, khác với sáu căn khởi niệm tức là “nhìn ra” ngoại trần. Tần Số Bát Nhã tức là Chân Như khởi niệm từ Cành Hoa Sen cùng tần số với Chân Như Phật Tánh của Thân Tâm không bị sáu căn ngăn ngại hoặc che mờ nên bắt được sóng  với nhau tức là dung thông với nhau làm cho Chân Như Phật Tánh khởi niệm phát lộ hòa nhập với Ánh Rõ Bát Nhã đang trùm khắp Hư Không. Cái niệm Chân Như , hay cái “Vô Niệm” niệm khởi trước từ cái Ánh Rõ Bát Nhã nơi Cành Hoa Sen  chiếu vào sáu căn của Thân Tâm mà Thân Tâm trong cái sát na này lại là Vô Thân và Vô Tâm tương ưng với cái “Vô Niệm” niệm làm phát lộ Phật Tánh. Trong cái sát na đó niệm niệm Chân Như Phật Tánh duyên khởi hòa nhập với Bầu Trời Rõ MA HA BÁT NHàlàm MỘT. Chiếc Máy Truyền Hình bắt được sóng Bát Nhã nên hiện ra Tướng Bát Nhã.Thật ra đây không phải là nhìn vào Thân Tâm tức là phản quang tự kỷ còn phải tư duy quán chiếu mất nhiều thời gian, còn ở đây cái khai thị vô ngôn đột biến này của Đức Phật chỉ xảy ra trong một sát na và trong cái sát na đó Tổ Ca Diếp đã ngộ nhập Bát Nhã. Ở đây phải là cái nhìn tắt cái nhìn trực tiếp, cái nhìn trực chỉ Nhân Tâm kiến Tánh thành Phật. Bởi vì lúc đó Tâm của Ngài Ca Diếp chính là Cành Hoa Sen, là Một, là bình đẳng ; Thân của Ngài Ca Diếp cũng chính là Cành Hoa Sen, là Một, là Pháp Thân thanh tịnh. Ngài Ca Diếp nhìn Cành Hoa Sen nhận ngay được Tâm mình, nhận ngay được Thân mình và Tâm này là Tâm mà Phi Tâm tức Vô Tâm ; Thân này là Thân mà Phi Thân tức Vô Thân hay Pháp Thân, tức thì thấy Tánh, tức thì ngộ nhập Bát Nhã. Cành Hoa Sen chính là Bát Nhã, Thân Tâm Ngài Ca Diếp lúc đó là Vô Thân, là Vô Tâm, chính là Bát Nhã. Thiền Sư Huệ Hải chỉ rõ : “ Tất cả chỗ mà Vô Tâm, tức là Vô Niệm ”. Thiền Sư Hoàng Bá cũng khai thị : “Cúng dường mười phương Chư Phật không bằng cúng dường một Đạo Nhân Vô Tâm . Tại sao ? Người Vô Tâm là người Vô tất cả Tâm, chẳng phải tuyệt không. Cái bản thể Như Như,  bên trong như gỗ đá chẳng lay chẳng động, bên ngoài như Hư Không, chẳng nghẽn chẳng ngại, không năng sở, không phương sở, không tướng mạo, không được không mất… Dụ  cho Tâm này, tức cái Tâm của Vô Tâm, lìa tất cả tướng, chúng sanh và Chư Phật  chẳng có khác biệt, hễ được Vô Tâm thì đến cứu cánh…Chứng ngộ được Tâm này có nhanh chậm, có kẻ nghe Pháp trong một niệm liền được Vô Tâm, có kẻ đến thập địa mới được Vô Tâm. Lâu hay mau cũng phải đến Vô Tâm mới xong. Lúc ấy mới biết vô tu, vô chứng, thật vô sở đắc…Tâm tự Vô Tâm. Cũng chẳng có kẻ Vô Tâm, nếu đem Tâm làm cho Vô Tâm thì Tâm lại trở thành có .

“Cư trần lạc Đạo thả tùy duyên
  Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
  Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
  Đối cảnh Vô Tâm mạc vấn thiền”.

             (Vua Trần Nhân Tông - Tổ Sư Thiền Trúc Lâm - VN).

 (Ở đời vui Đạo, thả tùy duyên,
  Ðói đến thì ăn, mệt ngủ liền.
  Của báu trong nhà, thôi tìm kiếm,
  Ðối cảnh Vô Tâm, chớ hỏi Thiền!).

          Nếu hiểu Vô Niệm một cách đơn giản thì có thể xem chữ “Niệm” trong Vô Niệm là một ý niệm, một khái niệm, một tri giác đã có, đang có hay sẽ có khi đã,đang hay sẽ tiếp xúc với trần lao. Những tri giác này thông qua sáu căn mới có,do căn và trần chạm nhau mới có, tức là thông qua cái Kính Nghiệp của chúng sanh là Vô Minh, tà kiến, điên đảo, chấp dính, phiến diện, thiếu sót …Vô Niệm là hãy bỏ luôn cái niệm Vô Minh của trần lao này đi, thì mới nhận được cái mới của Minh, của Tự Tánh, của Chân Như Bát Nhã. Thí dụ một ly nước chứa đầy nước suối cũ bị hư thì không thể nào chứa được nước suối mới tinh khiết; do đó phải đổ bỏ hết nước suối cũ đi thì mới nhận được nước suối mới, hoặc là phải có cái ly không, không có chứa một vật gì cả thì có thể chứa được vật khác. Một hòn Bọt phải quên đi cái Ngã của mình là Bọt Nước, không còn cả một niệm dù là vi tế về cái Thân Bọt của trần lao, dính với trần lao, nghĩa là phải mất luôn cả cái Thân Bọt của trần lao, ‘‘ly’’. với cái cảnh của trần lao thì mới trở về với “Nước” được và trở thành Biển Cả “Mất để còn, ly để nhập” là cái quan điểm sơ đẳng để hội Đạo. Nghĩa là phải “mất mình”, mất đi cái Ta, cái Ngã của Ta, do Vô Minh chấp thân chấp tướng  nên thấy Ta là người, Ta là Phật, Ta là phàm, là thánh, là ngạ quỷ súc sanh, là cây cỏ, là sự vật , là đất nước gió lửa…mất rồi thì trở về với Vô Niệm, Vô Tâm : Tâm của Vô Tâm , Phi Tâm : Tâm của Phi Tâm, trở về với Chân Như Bát Nhã ngộ nhập với cái Không Rỗng Suốt của Tự Tánh, kiến Tánh thành Phật. Còn chữ  “Niệm” trong Chánh Niệm là cái năng lượng của Tâm thông qua 6 căn : đi đứng nằm ngồi nghe nhìn hoạt động suy nghĩ làm việc … Người học Đạo phải biết nuôi dưỡng cái năng lượng của Chánh Niệm và luôn luôn sống với cái năng lượng nầy khi 6 căn ứng xử với 6 trần giống như vị Tướng giữ thành có 6 cửa :  

“Học đạo nhu như thủ cấm thành
  Trú phòng lục tặc dạ tinh tinh
  Trung quân chúa tướng năng hành lệnh
  Bất động can qua trị thái bình”. (Thiền Sư Diệu Phổ ).
 (Học đạo ví như giữ cấm thành
  Ngày ngừa lục tặc, tối tinh tinh
  Trong quân chúa tướng hay hành lệnh
  Chẳng động gươm đao trị thái bình).

          Một vị tướng giỏi lúc nào cũng tỉnh thức sáng suốt (dạ tinh tinh) tức là luôn giữ Chánh Niệm để canh chừng lục tặc (sắc, thanh, hương, vị , xúc, pháp) ở 6 cửa thành tức lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý). Trong quân vị chủ tướng thi hành lệnh nghiêm ngặt, tức giữ Chánh Niệm triệt để không suy chuyển, nên biết rõ ràng địch( vọng tưởng) đang xuất hiện ở cửa thành nào (tức căn nào : mắt, tai, mũi, lưỡi, thân hay là ý…) có bao nhiêu địch quân(tham, sân , si, mạn, nghi, tật, đố…) và đề phòng vững chắc nên địch không dám hoành hành đánh phá, tự động lui quân biến mất mà không cần phải động binh. Như vậy có tỉnh thức sáng suốt, giữ vững Chánh Niệm, biết (Chăn Trâu) thì biết rõ vọng tưởng tự sinh ra rồi tự diệt đi vì chúng là vô thường, giả tạo, không có thật. Do đó không cần phải tác ý, không cần phải hành trì hay chạy theo rượt đuổi để tiêu diệt chúng, mà chỉ cần tri vọng tức biết vọng  là đủ. 

“Đường trung đoan tọa tịch vô nghiên,

  Nhàn khán Côn Luân nhất lũ yên.

  Tự thị quyện thời Tâm tự tức,
  Bất quan nhiếp niệm, bất quan Thiền”.

                                                (Tuệ Trung Thượng Sĩ).

 (Giữa nhà không nói, chỉ ngồi yên,
  Nhàn ngắm Côn Luân sợi khói lên.
  Lúc mệt mỏi rồi Tâm tự tắt,
  Cần chi niệm Phật với cầu Thiền).

          Như vậy giữ được Chánh Niệm trong mọi thời, mọi lúc, tức là giữ cho thân tâm an lạc, là bước thứ 7 trong Bát Chánh Đạo của Đức Phật trên con đường giải thoát. Đó cũng là biết cách Chăn Trâu giữ cho thân, khẩu, ý được thanh tịnh, biết cách giữ thành như một vị tướng giỏi giữ 6 căn không dính mắc với 6 trần để đạt tới bước thứ 8 là Chánh Định mà không cần phải tác ý hay hành trì. Tuy nhiên cột niệm, buộc niệm chết cứng một chỗ mà không tiêu hóa được niệm thì lại có hại cho thân tâm, vì trong Tâm có Vật có hại cho sự phát triển trí tuệ và sự giải thoát. Trong nhà Thiền gặp lúc cái sát na đột biến dù là Chánh Niệm cũng phải bỏ, tức là phải biết “ Buông Niệm ” để đạt đến Vô Niệm hay Vô Tâm ngộ nhập Chân Như Bát Nhã. Bởi vì dù là Chánh Niệm, nhưng cũng từ 6 căn khởi niệm, mà 6 căn thì điên đảo, còn ở trong Nghiệp Thức. Chánh Niệm dù là niệm đầu, niệm giữa hay niệm cuối thì vẫn còn ở trong Nghiệp do 6 căn khởi niệm, không phải là Chân Như khởi niệm nên chưa đạt đến Chân Như. Khi Lục Tổ Huệ Năng khai thị cho Huệ Minh lúc rượt theo Tổ để giành lại y bát. Tổ nói : “Không nghĩ thiện (tức là buông Chánh Niệm), không nghĩ ác (tức bỏ cả Tà Niệm) cái gì là Bản Lai Diện Mục của Thượng Tọa Minh ? ”. Chính nhờ buông cả Chánh Niệm lẫn Tà Niệm, đạt tới Vô Niệm mà Huệ Minh đã Đại Ngộ nơi đây.

Pháp Vô Niệm của Tổ Huệ Năng tuy bị thế gian bài xích xưa nay, nhưng thực tế đem lại lợi ích cho vô số người ngộ Đạo, làm cho Thiền  Tông Trung Hoa lần đầu tiên rẽ hướng đi khác với Thiền Tông Ấn Độ( tùy duyên bất biến) và rực sáng trên bầu trời Trung Hoa từ Hoa Nam rồi lan nhanh ra Hoa Bắc( làm cho pháp Tiệm Ngộ của Ngài Thần Tú bị lu mờ ). Chính Đại sư Thần Tú tự than và khuyên đệ tử :

          - Ngài Huệ Năng được Vô sư Trí, thâm nhập Tối thượng thừa, ta thật không sánh bằng. Huống chi Thầy ta là Ngũ Tổ đã đích thân truyền y pháp cho Ngài, đâu phải vô cớ mà truyền. Ta bận không thể đi xa thân cận Ngài, ngồi đây mà luống thọ ân vua (Võ Tắc Thiên).  Các ngươi đừng nên lưu luyến ở đây, hãy đến Tào Khê tham bái mà giải quyết (những nghi ngờ về Phật pháp).

Một ngày kia, Đại sư Thần Tú gọi môn đệ là Chí Thành, bảo:

          - Ông thông minh nhiều trí, hãy vì tôi đến Tào Khê nghe pháp, nghe điều gì thì nhớ kỹ về thuật lại cho tôi.

Sau này, Thần Hội đệ tử xuất sắc của Tổ Huệ Năng ra Hoa Bắc, bị nhiều người gièm xiểm, hãm hại, tố cáo với nhà Vua. Nhưng pháp Tiệm Ngộ của Đại Sư Thần Tú vẫn bị mai một và mất hẳn ở Hoa Bắc nhường chỗ cho pháp Đốn Ngộ của Lục Tổ Huệ Năng. Sau Tổ Huệ Năng có biết bao nhiêu Thiền Sư ngoại hạng ra đời thay thế Phật độ sinh.

         Dù cho chúng sanh lăng xăng chạy theo Pháp trần, thích hình tượng bên ngoài, thích Chùa to, Phật lớn, Phật vàng, Phật ngọc….mà quên đi việc rèn Tâm luyện Trí như Thiền Sư Diệu Phổ đã cảnh giác: 

                                     “Nhất phiến bạch vân hoành cốt tổ,

                                       Kỷ đa qui điểu tận mây sào”.

                                      (Một áng mây trắng che cửa hang

                                       Bầy chim bay về  đều quên tổ). 

          Hình tượng cái chùa to tráng lệ và Ông Phật to bằng vàng, bằng ngọc ở trong chùa sẽ là áng mây trắng che mất cửa hang….( tức là hang Tâm của chính mình) nên bầy chim bay về đều quên tổ ( tức là quên đi tức Tâm mình là Phật) mà chỉ thấy cái tượng chùa to và cái tượng Ông Phật to bằng vàng, bằng ngọc ở trong chùa rồi cầu xin lạy lục Ông Phật trong chùa đó cho mình được nhiều phước và được về Tây Phương Cực Lạc. Khi đó Ngài Huyền Giác nói: 

                                     “Cầu Phật thi công tảo vãn thành”

                                      (Ra công cầu Phật mấy thuở thành?). 

          Dù cho thế thời điên đảo, chúng sanh mê muội, Phật pháp suy đồi, chùa chiền biến chất như trong thời đại Ngài Huyền Giác nhưng nếu giữ được “ Ngọn Đèn Tâm” mà Đức Phật đã trao truyền trực tiếp cho Tổ Ca Diếp đầu tiên, qua 28 đời ở Tây Thiên cho đến Tổ Bồ Đề Mạt Đa rồi vào Trung Quốc với 6 đời truyền y bát cho tới Lục Tổ Huệ Năng được thiên hạ nghe theo thì người sau vẫn đắc Đạo nhiều vô số: 

                                      “Lục đại truyền y thiên hạ văn,

                                         Hậu nhân đắc đạo hà cùng số.(Thiền Sư Huyền Giác).

          Rất may, ngọn đèn Tâm đó vẫn còn cháy sáng, Chư Tổ và Thiền Sư vẫn giữ nó trong tấm bản đồ “Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa” để chúng sanh tự mồi lửa Tâm mình với Tâm Phật hòa làm một sáng lên trí Bát Nhã và ngộ nhập Bát Nhã. Tấm bản đồ này cũng là Bài Kinh Vô Tự Vô Ngôn vô cùng vi diệu và nhiệm mầu là nguyên cả Bầu Trời Rõ Chân Không vô tận cũng là Ánh Bát Nhã tràn ngập Đạo Lý. Các Ngài với lòng từ bi vô hạn còn chỉ rõ cả cửa vào. Đức Phật thì chỉ cánh cửa RÕ: “ Niêm Hoa Vi Tiếu”; Tổ Long Thọ chỉ 3 cửa: “ Vô, Vô Tướng, Vô Tác”; Bồ Đề Đạt Ma chỉ tới 6 cửa: “Thiếu Thất Lục Môn”; Lục Tổ Huệ Năng chỉ cái “Cửa Vô Niệm”, Thiền Sư Sư Bị thì chỉ  “Cánh cửa Ca Diếp”; Triệu Châu lại chỉ cửa “Không”. Huệ Khai thì chỉ cánh cửa  “Vô”; Huyền Giác lại chỉ cửa “Vô Vi”….Dù bao nhiêu cửa cũng chỉ là Một Cửa, tất cả cửa đều không khác, qua được một cửa là đã vào “Căn Nhà Xưa”: Căn nhà: “Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa”.  

           Vậy thì hãy LÊN ĐƯỜNG với tấm bản đồ : Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, tiếp tục mồi Ánh Lửa Bát Nhã mà chính tay Đức Phật Thích Ca trao truyền cho Tổ Đại Ca Diếp. Nhìn theo gót chân các bậc Tiền Nhân, Lên Đường Đi Tìm Chân Lý Giải Thoát không nhất thiết phải là xuất gia hay tại gia, tuy xuất gia thì có điều kiện lợi hơn. Vào trong nhà chùa, trong tu viện, nhưng gặp lúc thời Mạt Pháp nhà chùa tu viện bị biến chất, không có Đạo Giải Thoát thì đi du phương tìm Đạo nơi các Tòng Lâm. Hoặc tự một mình vào rừng sâu tham cứu Đạo Lý dưới Gốc Cây Bồ Đề như Đức Phật Thích Ca, hoặc cất am  tranh nơi rừng hoang núi vắng như Thiền Sư Diệu Phổ, hoặc ở tại gia như gia đình Bằng Long Uẩn, Tuệ Trung Thượng Sĩ, hoặc đi tham vấn các Thiền Sư như Thi sĩ Tô Đông Pha, hoặc ngay cả đang còn làm việc tại quan trường như Triệu Biện. Điều quan trọng là phải “Buông Bỏ” hoặc ít ra phải xem nhẹ việc đời, không để cho Thế Gian Pháp trói buộc: “Vô Tâm nơi Sự, vô Sự nơi Tâm”.  

                                      “Cũng vì ham muốn phải long đong,

                                        Ném quách mà ra khỏi bụi hồng.

                                        Buông thỏng hai tay lên Phật Tổ,

                                        Một lần phủi giũ , một lần xong”. (Tuệ Trung Thượng Sĩ).

          Trường hợp của Triệu Biện là khá đặc biệt. Ông là một Đại Quan dưới triều Tống, là tục gia, đệ tử của Thiền Sư Tương Sơn Pháp Tuyền. Nhân một hôm quan sự  rảnh rỗi, ngồi nghỉ ngơi tại công đường, bỗng nhiên khi nghe tiếng sấm nổ bên tai, tức thì hoát nhiên đại ngộ, Ông liền làm bài kệ : 

                                      “Mặc tọa công đường hư ẩn kỷ,

                                        Tâm nguyên bất động trạm như thủy

                                        Nhất thanh tịnh lịch đỉnh môn khai,

                                        Hoán khởi tùng tiền tự gia để ”.

                                       (Ngồi lặng công đường luống tựa ghế,

                                        Suối lòng không động như nước trong

                                       Nghe sấm nổ cửa lòng chợt mở

                                       Này, lão đang ngồi ở Quê Nhà).    

          Đối với Triệu Biện, đã có Tâm Tìm Đạo từ trước. Ông là một vị quan thanh liêm trọng Đạo Lý, có cái Tâm thuần đức, thanh khiết, lại có sẵn tấm bản đồ Đạo Lý trong tay.Tuy làm quan lớn, nhưng danh vọng tiền tài không buộc trói được Ông, làm việc chỉ vì lợi ích cho chúng sinh, chúng sinh đang cần Ông, khó thay thế được. Mặc dù vậy, sự đời vẫn làm Ông bận rộn, là những đám mây Vô Minh che tối  “Hang Tâm” của Ông. Tuy nhiên, những đám mây này đôi lúc cũng có “Khe Hở” và cũng lúc đó cả 6 căn của Thân Tâm Ông đang nghỉ ngơi thả lỏng bất động như mặt nước trong, tiếng sấm nổ bất chợt ngay lúc đó như một giọt nước tràn ly, làm cho cả Thân Tâm với 6 căn hổ dụng đồng loạt thức dậy một lượt, tạo một năng lượng siêu việt xuyên qua “ Khe Hở” của tấm màn Vô Minh xé toạc bức màn này ngộ nhập Bát Nhã.  Cái  “xé toạc” tấm màn Vô Minh nầy để ngộ nhập Bát Nhã cũng giống như cái “vạch tét cửa mặt” nhận ra ngay cái che đậy Càn Khôn tức thì nắm lấy, vượt khỏi cả căn và trần như Thiền Sư Quế Sâm khai thị :   

                                      “Tạt phá diện môn 

                                        Cái phú Càn Khôn

                                        Quyết tu tiến thủ,

                                        Thoát khước căn trần”.

                                       (Vạch tét cửa mặt,

                                        Che  đậy Càn Khôn.

                                        Hẳn phải tiến lấy,

                                        Vượt khỏi căn trần). 

          Thật ra Phật, Tổ và các Thiền Sư không có TU gì cả mà chỉ “ĐI TÌM CHÂN LÝ” và tìm ngay Cái Gốc, ngay tận Đầu Nguồn chứ không tìm nơi Ngọn:  

                                     “Thẳng tận đầu nguồn phăng dấu Phật

                                       Chọn lá tìm cành ta chẳng đương”.

                                                     (Thiền Sư Huyền Giác).

          Các Ngài thương chúng sanh để ở trên đầu, dặn dò cặn kẽ: Đạo ngay trước mặt, không cần phải đi đâu xa, như Thiền Sư Sư Bị đã khai thị: 

         “Tột 10 phương thế giới là một hòn Minh Châu, ngươi hội để làm gì?”. Ngài chỉ thêm: “ Giống như người ngồi trong biển cả nước ngập lút đầu, còn đưa tay hỏi người xin được nước uống”.  

          Đạo đang ở trùm khắp, nơi nào cũng có: “Mở mắt ra là thấy Đạt Ma”. Ngay cõi TA BÀ đã là cõi Cực Lạc hay Niết Bàn, chính Đức Phật Thích Ca đã chứng ngộ và thành Phật ngay cõi Ta Bà này, cũng như các vị Tổ và vô số các vị Thiền Sư ngoại hạng…

                                     “Biển sâu nước khỏa cũng bằng

                                       Mây tan gió tịnh Bóng Trăng sáng lòa

                                       Cõi TA BÀ có tòa CỰC LẠC,

                                       Dòng sông MÊ biển GIÁC chẳng xa

                                       Y theo giáo pháp THÍCH CA

                                       Tự nhiên BẢN TÁNH  DI ĐÀ phóng quang”.

                                                             (Sám Thảo Lư).  

          Đạo Lớn đang ở trùm khắp cả Hư Không và ở ngay trên sự vật : từ hạt bụi, từ nguyên tử cho đến vũ trụ bao la. Tại sao không thấy ?  

                                     “Ba ngàn thế giới tay sờ đụng,

                                       Mắt chẳng nhìn ra bởi Trí Mù”.

 

          TRÍ MÙ  bởi vì TÂM MÊ. TÂM MÊ là một cơn ĐẠI MỘNG có đủ sáu ngã luân hồi .TÂM NGỘKHÔNG; là VÔ TRỤ NIẾT BÀN; là “MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA”.

                             

                                                              ĐẠI MỘNG 

 

                                       Một điểm Viên Quang bỗng hóa Rồng

                                       Âm dương mây khí nổi cuồng phong

                                       Hư Không dậy sóng Càn Khôn xuất

                                       Pháp pháp tụ hình hiện núi sông

                                       Lục đạo TÂM MÊ ngàn dặm chướng

                                       Luân hồi ĐẠI BỆNH thế gian đồng

                                       Mộng du chư tướng phô trò huyễn

                                       Chợt tỉnh về nhà SẮC tức KHÔNG. 

                                                       (Ngộ Thâm).    

                      

                                                   BỌT NƯỚC

 

                                     Từ thuở Vô Minh đã có ta,

                                     Mãi mê lãng tử phải xa nhà

                                     Lắc lư Bọt Nước soi Trời Đất

                                     Điên đảo thế đời, lạc cảnh Ma

                                     Sinh tử chập chùng bao sóng gió

                                     Tử sinh đưa đón mỗi sát na

                                     Sắc Không Thân Bọt trôi tìm Bến

                                     Chợt nhận Biển Nhà : Pháp Thân ta.

                                              (Ngộ Thâm).

 

 

 

 

 

                                                          NGỘ THÂM

                                        MICHIGAN ,  August 24th, 2011.


Create a website for free Webnode